Sau thời gian tìm tòi, nghiên cứu, trải qua nhiều lần thất bại, đến nay, chàng trai “9X” Lê Văn Huỳnh đã thành công với mô hình nuôi ong mật trong thùng xốp, mang về thu nhập khá cho gia đình.
Tiên phong tìm mô hình mới
Anh Lê Văn Huỳnh chia sẻ, trước đây, khi chưa học xong chương trình phổ thông, anh phải nghỉ học để phụ giúp gia đình, vì kinh tế gặp nhiều khó khăn. Nhận thấy địa phương có nhiều vườn cây ăn trái, là nguồn thức ăn dồi dào cho ong, năm 2014, sau thời gian tìm tòi, nghiên cứu những mô hình, cách làm hay trên các phương tiện thông tin đại chúng, anh Huỳnh bắt đầu làm thử nghiệm mô hình nuôi ong trong thùng xốp để làm hướng đi phát triển kinh tế gia đình.
Thời gian đầu, anh Huỳnh gặp nhiều khó khăn trong quá trình nuôi như: Ong bỏ đàn, ong chúa bỏ tổ, sản lượng mật ít… Không từ bỏ đam mê, anh vẫn vững tin bám trụ với nghề, đồng thời không ngừng học tập, trau dồi kinh nghiệm. Đến nay, anh Huỳnh đã làm chủ được tập quán sinh hoạt cũng như cách thức quản lý đàn ong.
|
Mô hình nuôi ong trong thùng xốp mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho gia đình anh Huỳnh. |
Chàng trai “9X” Lê Văn Huỳnh cho biết thêm, ong thợ và ong chúa được anh bắt từ thiên nhiên, thùng xốp được chọn làm tổ nên giảm chi phí đầu tư rất nhiều. Theo anh Huỳnh, thùng ong làm bằng gỗ có những nhược điểm như: Nhanh hỏng, chi phí làm thùng cao, dễ bị mối, mọt, ẩm…và ảnh hưởng xấu của thời tiết làm cho việc sinh trưởng, sinh sản của ong không tốt, hiệu quả kinh tế không cao.
Vì thế, theo anh Huỳnh, việc sử dụng thùng xốp tiết kiệm nhiều chi phí hơn, thời gian sử dụng cao hơn, dễ chăm sóc, quản lý hơn… “Chi phí cho 1 cái thùng gỗ khoảng 150.000 đồng, trong khi giá mỗi chiếc thùng xốp chỉ khoảng 15.000 đồng. Thùng xốp dễ làm, thời gian sử dụng cao, điều hòa nhiệt độ tốt, không bị mối, mọt gây hại trong mùa mưa như thùng gỗ. Thùng xốp có tuổi thọ khoảng 5-6 năm, trong khi dùng thùng gỗ thì 3 năm là phải thay thùng mới” - anh Huỳnh thông tin.
Ngoài việc bán mật ong, anh Huỳnh còn tận dụng diện tích đất để xây dựng thêm mô hình trồng nấm rơm trong nhà lưới, với diện tích gần 35m2. Vào những ngày rằm, gia đình anh thu hoạch được 30-40kg để bán tại các chợ ở địa phương. Với giá bán 70.000 - 80.000 đồng/kg đã mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình anh Huỳnh.
Có thể nhân rộng
Nhờ đam mê, cần cù, ham học hỏi mà chàng trai “9X” Lê Văn Huỳnh đã bước đầu thành công với mô hình nuôi ong mật trong thùng xốp, mang lại thu nhập khá cho gia đình. Thấy được hiệu quả kinh tế cao, nhiều nông dân ở địa phương đến tham quan, học tập kinh nghiệm và được anh Huỳnh nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật. Dự định của anh Huỳnh trong thời gian tới là nhân rộng đàn ong lên khoảng 20 thùng ong và bán con giống cho những hộ có nhu cầu.
Là một trong những người đi tiên phong, anh Huỳnh đánh giá cao mô hình nuôi ong lấy mật. Theo anh, đây là mô hình phù hợp với nhiều hộ gia đình vì không đòi hỏi nhiều nhân lực, không tốn nhiều diện tích đất, chi phí đầu tư ban đầu thấp và đặc biệt ít tốn công chăm sóc nhưng mang lại thu nhập khá cao.
Với 11 đàn ong hiện tại, mỗi đàn cho sản lượng 2 lít mật/năm, anh Huỳnh thu được hơn 22 lít mật. Giá bán mật ong hiện tại, mô hình nuôi ong trong thùng xốp mang về nguồn thu nhập hơn chục triệu đồng cho gia đình. Bên cạnh đó, việc nuôi ong còn mang lại lợi ích về môi trường sinh thái. Trong quá trình lấy mật, ong giúp cây thụ phấn, góp phần vào việc đậu trái, tăng năng suất cho cây trồng.
Chia sẻ kinh nghiệm của mình, anh Huỳnh cho biết, nuôi ong lấy mật trong thùng xốp không khó nhưng đòi hỏi người nuôi phải am hiểu đặc tính của chúng như: Thời điểm chia đàn, thời điểm sinh trưởng, nguồn thức ăn… Anh Huỳnh cho hay: “Con ong có thể tự nhân giống để phát triển, người nuôi không cần nhiều thời gian chăm sóc. Trong 1 năm, người nuôi ong chỉ mất vài tháng đầu tư thức ăn vào thời điểm cây cối không có hoa hoặc ít hoa; thời gian còn lại, ong sẽ tự tìm thức ăn từ thiên nhiên và làm mật...".
Theo anh Huỳnh, khi đến thời điểm ít hoa, người nuôi phải bổ sung thêm thức ăn cho ong bằng cách sử dụng nước đường. Thời gian cho ăn thích hợp là vào ban đêm. Nếu cho ăn vào ban ngày, ong sẽ tranh giành với các tổ khác, tấn công lẫn nhau, gây thiệt hại lớn về số lượng đàn” - anh Huỳnh chia sẻ.