Thông tin thành phố Hồ Chí Minh chọn khu đất Thủ Thiêm để xây dựng nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch với tổng chi phí 1500 tỉ đồng nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng. Không ít nghệ sĩ cũng đưa ra quan điểm của mình về chủ trương này.
Mới đây, diễn viên, đạo diễn Nguyễn Công Vượng (Vượng Râu) đã khiến nhiều người bất ngờ khi bày tỏ quan điểm trước vấn đề đang gây tranh cãi.
Nhìn nhận trong các vai trò như đạo diễn, nhà sản xuất, diễn viên và một công dân, ý kiến của Vượng Râu nhận được nhiều sự ủng hộ của cộng đồng mạng.
Vượng Râu đưa ra những góc nhìn khác nhau để khẳng định rằng việc xây dựng nhà hát giao hưởng 1500 tỉ là lãng phí và chưa cần thiết
Cụ thể, Vượng Râu cho rằng việc xây dựng nhà hát giao hưởng ở Thủ Thiêm trong thời điểm này là chưa hợp lý. Nghệ sĩ phân tích tính “không hợp lý” ấy dưới góc độ của một đạo diễn, một nhà sản xuất, một nghệ sĩ biểu diễn và với tư cách một khán giả.
Dưới góc độ một đạo diễn, Vượng Râu tuyên bố: “Dù có một nhà hát 1500 tỉ đồng hay tỉ USD thì ở Việt Nam cũng chưa có một đạo diễn nào đủ tầm để dàn dựng một chương trình mang tính chất quốc tế.
Thực tế, chưa có một chương trình nghệ thuật nào (dù được cho là hay nhất) ở Việt Nam giai đoạn này bán vé được 5 đêm trong một năm. Vậy, ai có thể đảm bảo được sẽ thu hồi vốn được cho nhà hát 1500 tỉ?”
Dưới góc độ của một nhà sản xuất, Vượng Râu khẳng định, nếu xây dựng một nhà hát 1500 tỉ thì đầu tư thuê và dàn dựng sân khấu phải chi hơn một tỉ đồng nếu đầu tư tử tế. Chi phí quá lớn ấy sẽ làm cho rất ít nhà sản xuất dám bỏ tiền thuê nhà hát nhạc vũ kịch 1500 tỉ. Chính vì thế, Vượng Râu khẳng định, nhà hát này (nếu được xây dựng) sẽ chỉ sáng đèn không quá 10 lần/năm.
Trong một bài phỏng vấn, Giám đốc nhà hát nhạc vũ kịch thành phố Hồ Chí Minh – Trần Vương Thạch khẳng định đây là giá trị văn hóa không phải kinh doanh. Tuy nhiên, theo Vượng Râu, việc bỏ ra 1500 tỉ chỉ để xây dựng một nhà hát để lấy “giá trị văn hóa” thì quá lãng phí.
Dưới góc độ của một nghệ sĩ biểu diễn, Vượng Râu nói: “Với một nghệ sĩ thì ở chợ cũng diễn được, sân vận động cũng diễn được và vào nhà hát lớn cũng phải diễn được. Nghệ sĩ thì phải đi biểu diễn khắp nơi, từ nhà quê lên thành phố, từ nhà hát đến sân vận động. Một nghệ sĩ lớn không quan trọng là biểu diễn ở đâu mà là tài năng của họ có được khán giả ghi nhận hay không”
Vượng Râu cũng cho rằng, khán giả Việt chưa đủ trình độ để thưởng thức các tác phẩm nhạc giao hưởng: “Bản thân tôi học 8 năm ở trường sân khấu điện ảnh và cũng được học âm nhạc cơ bản. Tuy nhiên, nếu hỏi tôi có biết về nhạc giao hưởng không thì tôi phải chân thành khẳng định là… không. Như vậy, những người không được học bài bản thì làm sao có thể hiểu được về nhạc thính phòng, giao hưởng”.
Theo đạo diễn Tân Kim Bình Mai, khi khán giả không hiểu về nhạc giao hưởng thì họ cũng không thể mua vé vào xem các chương trình ấy.
Trước Vượng Râu, khá nhiều nghệ sĩ khác như ca sĩ Mỹ Linh, Đàm Vĩnh Hưng, nhạc sĩ Quốc Trung, nghệ sĩ Tạ Minh Tâm… lên tiếng ủng hộ xây dựng nhà hát nhạc vũ kịch trị giá 1500 tỉ của UBND thành phố Hồ Chí Minh.