>>> Mời quý độc giả xem video giới thiệu phim Hậu duệ mặt trời bản Việt. Nguồn Youtube/ Hậu duệ mặt trời: |
|
"Hậu duệ mặt trời" bản Việt sai sót khi xây dựng hình tượng người lính
Được "remake" từ bản gốc của Hàn Quốc từng nổi đình nổi đám khắp châu Á, "Hậu duệ mặt trời" bản Việt đã chính thức lên sóng từ ngày 29/9 trước sự mong đợi của đông đảo khán giả trẻ.
Tuy nhiên sau 12 tập phát sóng, bộ phim "Hậu duệ mặt trời" bản Việt hóa do đạo diễn Trần Bửu Lộc và nhà sản xuất Ngô Thị Bích Hạnh - Giám đốc Công ty BHD thực hiện đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều khi có quá nhiều tình tiết thiếu thực tế, thậm chí là gây bức xúc khi vướng phải những sai sót trong cách thể hiện hình ảnh người lính Quân đội nhân dân Việt Nam.
Theo đó, không khó để khán giả, đặc biệt là những người có chút hiểu biết về quân sự nhận ra cái sai ngay trong tập đầu tiên là hành động tác chiến của những người lính biển trong phim. Khi đột nhập lên tàu bị cướp, lực lượng đặc nhiệm của cảnh sát biển bôi mặt đen để ngụy trang, nhưng lại đội mũ dùng cho huấn luyện, đeo sao sáng lấp lánh trong khi thực tế phải là mũ mềm, không đeo sao hoặc giấu đi quân hàm, quân hiệu...
|
Phân cảnh tấn công cướp biển, giải cứu con tin, các chiến sĩ cảnh sát biển bôi mặt ngụy trang nhưng lại đeo sao tiết sáng ngời. Ảnh cắt clip. |
Hay như trong tập 8 với phân cảnh bắt tội phạm ma túy, Đại úy Duy Kiên - Đội trưởng đặc nhiệm NH-1 của Cảnh sát biển, đương nhiên phải nắm vững pháp luật khi tham gia chống tội phạm ma túy nhưng lại phạm lỗi rất sơ đẳng, để bị nhóm tội phạm lừa và cướp đi tù nhân một cách dễ dàng.
Chưa dừng lại ở đó, "Hậu duệ mặt trời" phiên bản Việt còn vấp phải những sai sót cơ bản về hệ thống quân hàm, điều lệnh của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong tập 9, Trung úy Minh Ngọc là một bác sĩ quân y, nhưng lại nói rằng mình học cùng Đại úy Duy Kiên ở trường sĩ quan.
Hay như trong tập 10, Tướng Phan Minh - cha của Minh Ngọc đeo quân hàm Chuẩn đô đốc Hải quân (tương đương Thiếu tướng) nhưng trong phim lại được gọi là Đô đốc (tương đương cấp Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng). Đoàn phó Hồng Thái đeo quân hàm Thiếu tá, nhưng lại được gọi là Trung tá.
Gây bức xúc hơn nữa là ngay cả động tác nghiêm - nghỉ - chào theo điều lệnh QĐND Việt Nam cũng bị thay thế "dập khuôn" theo bản gốc bằng động tác đứng chào "chắp tay, dang chân, ưỡn ngực" theo kiểu Hàn Quốc.
|
Một phân cảnh trong phim cho thấy, Tướng hải quân chỉ huy đội cảnh sát biển, tư thế chào sai điều lệnh. Ảnh cắt clip. |
Nhưng nghiêm trọng hơn, nhiều chi tiết sai lệch của phim đã bỏ qua các vấn đề về luật pháp, về chủ quyền quốc gia và làm xấu đi hình ảnh của người lính Việt. Một ví dụ điển hình là phân cảnh một nhóm vệ sĩ của một tài phiệt nước ngoài xâm nhập vào một hòn đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam, ngang nhiên mang vũ khí vào phòng bệnh viện, chĩa súng dọa bắn lực lượng sĩ quan Việt Nam.
|
Cảnh phi thực tế: Các vệ sĩ nước ngoài thoải mái chĩa súng dọa bắn các y bác sĩ và quân nhân VN... Ảnh cắt clip. |
Bên cạnh đó, những hình ảnh về các chiến sĩ giải trí bằng cách vào bar ăn chơi cùng với các thú vui hưởng thụ xa xỉ khác... có thể khiến người xem không có nhìn nhận đúng về người lính. Cũng như đi ngược lại với nội dung trên các kênh truyền thông về “Hậu duệ mặt trời” phiên bản Việt có nói rằng đây là bộ phim mô tả hình ảnh người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trên đây chỉ là một vài trong số rất nhiều "hạt sạn to đùng" được người xem phát hiện ra. Thấy được một số sai sót như khán giả phản ánh, Bộ Quốc phòng cũng đã yêu cầu nhà sản xuất sửa sai trong những tập tiếp theo của
phim “Hậu duệ mặt trời”.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Liên quan đến những sai sót về hình ảnh người lính trong phim bị nhắc nhở, phía ê-kíp sản xuất chưa ai lên tiếng quanh sự việc này.
Được biết, trước khi bộ phim bấm máy, phía ê-kíp sản xuất phim và đạo diễn Trần Bửu Lộc đã mời Đại tá Quân đội – Nhà văn Chu Lai làm cố vấn và biên tập kịch bản Việt hoá để đảm bảo tính chính xác cho những cảnh quay quân đội, chiến đấu...
Trước đó, đoàn làm phim còn cho biết bộ phim được sự tư vấn của các chuyên gia từ Bộ Quốc phòng, nhưng mới đây, phía Bộ Quốc phòng cũng phát ngôn không hề tư vấn chuyên môn cho bộ phim.
Điều này khiến đa phần khán giả thắc mắc: “Hậu duệ mặt trời” bản Việt làm sai lệch hình tượng người lính, trách nhiệm thuộc về ai? Do diễn viên chưa thực sự đầu tư tìm hiểu vai diễn, hay do ê-kíp đã quá "dập khuôn", cẩu thả trong sản xuất, đã thiếu kiến thức quốc phòng lại thiếu sự tư vấn tốt?
Còn nhớ truyền hình Việt Nam không thiếu những bộ phim về các ngành nghề khác nhau. Những bộ phim về ngành Công an như “Chạy án”, “Bí mật tam giác vàng” hay “Người phán xử” đều nhận được phản hồi tích cực của khán giả vì nội dung hấp dẫn, phản ánh chân thực. Để có được những thành công như vậy, đòi hỏi phải có sự đầu tư nghiêm túc trong khâu sản xuất, kịch bản... lẫn sự tư vấn, kiểm duyệt kỹ càng.
Ai cũng biết để làm nên thành công cho bản gốc "Hậu duệ mặt trời", ngoài khả năng diễn xuất và ngoại hình, các diễn viên cũng phải trang bị cho mình rất nhiều kiến thức. Nam chính Song Joong Ki cũng đã trải qua nghĩa vụ quân sự nên có sự hiểu biết thực tiễn.
Truyền hình Hàn Quốc cũng rất thành công khi xây dựng hình tượng người lính quân đội rất đẹp, rất đáng trân trọng trong lòng giới trẻ, từ đó khơi dậy lòng từ hào và sự gắn kết tình quân dân.
Nhưng đúng như quan điểm của nhiều khán giả, cái gì có thể "dập khuôn" chứ quân đội thì không thể, khi nhận xét về "Hậu duệ mặt trời" phiên bản Việt.
Bình luận trên một trang tin điện tử, bạn đọc có nickname Nguoi qua duong viết: "Đây là bài học cho các nhà làm phim muốn ramake lại tác phẩm nào, đặc biệt là 1 tác phẩm nổi tiếng hay kinh điển. Mua bản quyền, remake lại phim không có nghĩa là lấy nguyên nội dung và sao chép lại mà làm cho nó có bản sắc riêng của mình. Nếu chỉ muốn xem 1 phim sao chép lại thì coi bản gốc còn tốt hơn, mong đợi gì từng ngày để coi lại 1 bản sao chép chứ".
|
"Việc chuyển thể phim một cách cứng nhắc và dựng phim một cách xuề xòa qua loa nhưng khi quảng bá lại nói rằng phim mô tả hình ảnh người chiến sĩ Việt Nam là việc khó chấp nhận"... là một trong rất nhiều những bình luận của độc giả xung quanh bộ phim. |
Hay như bình luận của độc giả TruongAnPham: "Sẽ không có gì nếu bộ phim không mang tiếng là tuyên truyền hình ảnh người lính Việt Nam. Ngay cả chức vụ, quân hàm, đồng phục, động tác cơ bản nhất cũng sai... Đã là điện ảnh, đã là phim, đã đưa lên đến truyền hình đại chúng thì đoàn làm phim phải chịu trách nhiệm về những sai lầm "quá cơ bản" này".
Dẫu vậy, nhiều độc giả cũng cho rằng, dù bộ phim chưa đạt được kỳ vọng nhưng dù sao phim mới đi chưa đến nửa chặng đường. Hy vọng những yêu cầu sửa sai sót từ Bộ Quốc phòng cũng như phản ứng, góp ý từ khán giả sẽ giúp "Hậu duệ mặt trời" bản Việt hoàn thiện hơn ở những tập tiếp theo.