Vụ VN Pharma: Vì sao phải đổi tội danh?

Google News

Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Bộ CA đã có Kết luận đề nghị truy tố 12 bị can trong vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma tội danh “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” thay thế hai tội danh trước đây là “Buôn lậu”, “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Theo Cơ quan ANĐT, trên các thùng thuốc VN Pharma nhập về có dán tem kiểm tra an ninh tại sân bay Ấn Độ và dán tem vận chuyển từ Ấn Độ về Singapore. Văn phòng Tổng chưởng lý Singapore cho biết nước xuất xứ lô thuốc 9.300 hộp thuốc H-Capita 500mg Caplet là từ Ấn Độ. Cơ quan ANĐT đã yêu cầu tương trợ tư pháp từ Ấn Độ, tuy nhiên chưa có kết quả.
Cảnh sát Canada cho biết đã tiến hành điều tra Công ty Helix Pharmacrutical Inc có trụ sở tại Canada và khẳng định công ty này không được cơ quan chức năng Canada cấp phép hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm.
Vu VN Pharma: Vi sao phai doi toi danh?
 
Theo Tổng cục tiêu chuẩn do lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), mã số, mã vạch in trên vỏ hộp thuốc H-Capita 500mg Caplet không được đăng ký bởi quốc gia nào. Phía Bộ Ngoại giao cũng xác định không ký hợp pháp hóa giấy tờ, tài liệu nào cho Công ty Helix Canada; dấu hợp pháp hóa lãnh sự và các giấy tờ khác đều là giả.
Tại phiên tòa phúc thẩm (diễn ra tháng 10/2017, tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra lại với kết luận như hiện nay), ông Subarata Kimar Burman (quốc tịch Ấn Độ) thông qua bị can Phạm Văn Thông nộp cho Tòa các tài liệu thể hiện lô thuốc 9.300 hộp H-Capita 500mg Calet do Nhà máy Aflly Parenterals của Ấn Độ sản xuất, bán cho Công ty Magnolia limided của Ấn Độ, công ty này bán cho Công ty Helix Pharmacecutical Inc, sau đó Công ty Helix Pharmacecutical Inc bán cho VN Pharma thông qua Võ Mạnh Cường. Lô thuốc được vận chuyển từ Ấn Độ về Singapore rồi về Việt Nam.
Bộ Y tế cũng đã làm việc với Cơ quan quản lý dược của Ấn Độ xác định lô thuốc có cùng số lô, ngày sản xuất với thuốc do Nhà máy Aflly Parenterals ở Ấn Độ sản xuất theo đơn đặt hàng của Công ty Magnolia limided. Tuy nhiên 12 bị can đã làm giả hồ sơ, giấy tờ để thay đổi nguồn gốc xuất xứ thành thuốc được sản xuất tại Canada. Theo quy định của Nghị định 185/2013 thì, “hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi xuất…” là hàng giả.
Quá trình điều tra lại, Cơ quan ANĐT cũng yêu cầu Bộ Y tế giám định lại lô thuốc. Tuy nhiên do lô thuốc có thời hạn sử dụng đến ngày 4/3/2016 nên đã quá hạn sử dụng, không đủ điều kiện kiểm nghiệm lại.
Tại phiên tòa sơ thẩm trước đây, cả hai ông Võ Mạnh Cường, Giám đốc Công ty TNHH thương mại Hàng hải quốc tế H&C (Công ty H&C, trụ sở quận 7, TPHCM), Nguyễn Minh Hùng (Chủ tịch, Tổng giám đốc VN Pharma) cùng bị tuyên phạt 12 năm tù – khung hình phạt cao nhất của tội danh “Buôn lậu”.
Theo kết luận điều tra mới đây, vụ án chỉ còn 1 tội danh là “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”. Điều luật này của Bộ luật Hình sự 1999 có khung hình phạt cao nhất là tử hình, tuy nhiên hiện các bị can chỉ bị đề nghị truy tố theo khoản 2 của điều này với khung phạt cao nhất là 12 năm tù.
Theo Tân Châu/Tienphong

>> xem thêm

Bình luận(0)