Để điều tra làm rõ vụ bé trai tử vong trên xe đưa đón học sinh trường Gateway, chiều 30/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành thực nghiệm hiện trường tại trường Tiểu học Gateway với sự tham gia của tài xế Doãn Quý Phiến.
Nói về việc thực nghiệm hiện trường này, ông Đinh Minh Tảo, Viện trưởng VKSND quận Cầu Giấy cho biết, đây là hoạt động tố tụng nhằm làm rõ các tình tiết khác của vụ án, trong đó có quá trình di chuyển của xe 16 chỗ từ ký túc xá Học viện Báo chí và Tuyên truyền về cổng trường Gateway.
|
Tài xế Doãn Quý Phiến đang thực nghiệm hiện trường vụ bé trai tử vong trên xe đưa đón trường Gateway. |
Trong vụ án này, hiện vẫn còn nhiều tình tiết, yếu tố liên quan cần điều tra làm rõ, trong đó có chi tiết chiếc áo cháu bé đã mặc trong xe bởi sang cháu bé mặc áo màu đỏ nhưng sao buổi chiều lại mặc màu trắng xám. Do vậy hiện cơ quan điều tra đang áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để điều tra, tiến hành giám định gen chiếc áo của cháu L. đã mặc để xác định xem có đúng bé đã mặc áo đó hay không, có người thay áo cho cháu hay không? Ngoài ra, cơ quan điều tra tiếp tục thu thập chứng cứ, tài liệu để chứng minh những vi phạm của tài xế Doãn Quý Phiến.
Vụ việc cháu Long học sinh lớp 1 trường Gateway tử vong vẫn đang trong quá trình điều tra. Tuy nhiên, trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều thông tin thất thiệt như thông tin tài xế Doãn Quý Phiến tử vong, tài xế Doãn Quý Phiến bị khởi tố, bắt giam…Trước những thông tin trên, Công an quận Cầu Giấy đã phải chỉ đạo cán bộ đến nhà của tài xế này để làm việc. Tại nhà riêng tài xế Phiến, tổ công tác ghi nhận, tài xế Phiến vẫn khỏe mạnh bình thường, sẵn sàng tiếp xúc, hợp tác với cơ quan chức năng để làm rõ vụ việc.
Chưa dừng lại ở đó, mới đây mạng xã hội tiếp tục xuất hiện bức ảnh “tìm ra sự thật về cái chết của cháu bé trường Gateway”. Bức ảnh được cắt ghép để tạo hình ảnh bé L. đã xuống xe với những thông tin sai sự thật nhưng đã có tới 66,5 ngàn người đã bấm like, 52,6 ngàn người đã share lại bức ảnh này. Bởi vậy những thông tin bẩn tiếp tục được lan rộng khiến dư luận hiểu sai bản chất vụ án.
Trước đó, không lâu, ngày 19/8, mạng xã hội cũng xuất hiện tin giả loan tin cháu bé trong vụ “bỏ quên trên ôtô” đã chết oan trong lớp học, đầu bị đập vào mép bàn và “bỏ quên trên ôtô”. Hàng chục nghìn người đã chia sẻ thông tin này dù sai sự thật và như thường lệ, dù cơ quan điều tra vẫn chưa công bố giám định pháp y về nguyên nhân cái chết của cháu bé nhưng những “điều tra viên”, “kiểm sát viên”, “thẩm phán” online lại được dịp mổ xẻ phán đoán và cho rằng nó là sự thật khiến thông tin về vụ việc bé trai tử vong trên xe đưa đón học sinh trường Gateway trở lên hỗn loạn với nhiều thông tin bẩn. Đáng quan ngại, nhiều người vì thiếu hiểu biết đã tin tưởng, chạy theo những tin giả trên mạng xã hội hơn là tin chính thống do các cơ quan chức năng và báo chí cung cấp.
Trên thực tế, đã có quá nhiều vụ án, dư luận bị những thông tin bẩn dắt mũi mà điển hình là vụ án cô gái giao gà ở Điện Biên và bé gái bị xâm hại giả tại Nghệ An.
Vụ cô gái giao gà bị sát hại tại Điện Biên – một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phương thức, thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội hết sức mạnh động, dã man, được dư luận xã hội hết sức quan tâm. Vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội có nhiều tiền án tiền sự và nghiện ma túy, quá trình phạm tội dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để xóa dấu vêt, tẩu tán vật chứng, dùng chứng cứ ngoại phạm để che dấu hành vi phạm tội. Đến nay, Cơ quan CSĐT đã bắt giữ toàn bộ các đối tượng gây ra vụ án đặc biệt nghiêm trọng nêu trên. Đồng thời, tiếp tục mở rộng điều tra đường dây ma túy liên quan đến bà Trần Thị Hiền mẹ nữ sinh giao gà.
Tuy nhiên, trong quá trình lực lượng công an điều tra phá án, trên mạng xã hội đã chia sẻ, đăng tải những thông tin bịa đặt, phán xét, suy diễn nội dung xấu không chỉ làm ảnh hưởng đến quá trình điều tra, gây hoang mang dư luận. Thậm chí có những thông tin còn làm ảnh hưởng đến ảnh hưởng tới công tác điều tra, phá án, uy tín và hình ảnh của lực lượng Công an.
Ngay như mới đây, vụ việc người bố ở Nghệ An tố người tình xâm hại bé gái mới 6 tuổi, đối tượng Nguyễn Thanh Trung trong cơn “ngáo đá” bị ảo giác về việc con gái ruột của mình mới 6 tuổi bị kẻ nào đó xâm hại tình dục, Trung lấy cái chết ra để doạ, buộc con gái kể về những kẻ “hiếp dâm” không có thật và làm đơn kêu cứu, tố cáo lên cơ quan chức năng, báo chí.
Dù khi đó chưa có thông tin chính thức từ cơ quan công an, nhưng với những nội dung chưa được kiểm chứng, cộng đồng mạng đã quy chụp, tung tin thất thiệt gây hoang mang dư luận, tạo ảnh hưởng xấu đến lực lượng công an và gây mất An ninh trật tự trên địa bàn. Những thông tin thất thiệt kèm hình ảnh của cháu bé đã khiến không chỉ bản thân cháu bé bị ảnh hưởng mà người bị tố cáo sai sự thật là bé T.A cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi đời tư bị soi mói, những hình ảnh tràn lan trên mạng.
Những vụ án trên cho thấy, cơ quan công an đều điều tra khách quan để đưa ra những bản kết luận đúng bản chất sự việc, xử lý đúng người, đúng tội, tránh oan sai dù vụ án có phức tạp, đặc biệt nghiêm trọng đến đâu. Từ đó, quay lại vụ học sinh trường Gateway, hiện cơ quan công an vẫn đang trong quá trình điều tra, làm rõ các tình tiết, nội dung của vụ án cũng như xác định trách nhiệm của các đối tượng liên quan trong vụ án này. Dư luận cần đặt niềm tin vào lực lượng công an, tránh chạy theo những tin đồn thất thiệt gây nhiễu loạn thông tin.
Đồng thời, như lời Trưởng ban Tuyên giáo Võ Văn Thưởng trong một hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo đã đề cập: “Ở nhiều lĩnh vực, cơ quan chức năng cứ lấy lý do bí mật, nhạy cảm nên không dám gửi nhanh (thông tin) cho báo chí, trong khi vấn đề này được bàn tán trên mạng. Vấn đề này cũng cần sự thay đổi”. Thực tế, các cơ quan chức năng cũng cần cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí khi trên mạng xuất hiện những tin đồn thất thiệt, bởi chỉ có những nguồn tin chính thống mới có thể lấn át những những thông tin sai trái, thông tin bẩn được tung lên mạng mỗi khi một vụ việc nghiêm trọng nào đó xảy ra.