Vụ thẩm phán bị tố bắt cóc trẻ: Có dấu hiệu xâm phạm chỗ ở người khác

Google News

Nếu ông Nam biết căn nhà trên đang tranh chấp mà vẫn ký hợp đồng thuê, cùng bàn bạc hoặc biết mục đích đến căn nhà đó để đuổi người, niêm phong tài sản thì có dấu hiệu đồng phạm.

Liên quan đến vụ Phó chánh án TAND quận 4 Nguyễn Hải Nam bị tố xông vào nhà bắt trẻ em, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 1 vừa khởi tố vụ án. Ông Nam cũng bị tạm đình chỉ công tác 15 ngày để xem xét vụ việc.
Nói với Zing.vn qua điện thoại, ông Nam xác nhận có mặt tại căn số 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm (phường Đa Kao, quận 1) vào tối 19/9. Tuy nhiên, Phó chánh án Tòa án quận 4 khẳng định không liên quan đến nhóm cưỡng chế, không hay biết chuyện căn nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm đang bị tranh chấp.
“Tôi đang làm nhà, cứ tưởng nhà cửa bên đó đàng hoàng nên thuê thôi, chứ biết thì nhảy vô làm gì. Giờ sự việc như thế thì thuê gì nữa”, ông Nam nói.
Với việc khởi tố vụ án Xâm phạm chỗ ở của người khác theo Điều 158 Bộ luật Hình sự, hành vi của ông Nam có dấu hiệu đồng phạm của tội danh này hay không?
"Ông Nam lý giải phi logic"
Trao đổi với Zing.vn, luật sư Lê Ngọc Luân (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, qua xem xét các thông tin trên báo chí và clip diễn biến sự việc, Phó chánh án Nguyễn Hải Nam có nói một câu với tư cách người đang đương chức: "Nếu chơi theo kiểu Chí Phèo thì chiều theo kiểu Chí Phèo". Luật sư Luân cho rằng đó là cách hành xử vi phạm về mặt đạo đức.
Thêm nữa, diễn biến cho thấy căn nhà số 29 đang tranh chấp về mặt dân sự nên không có bất kỳ cá nhân nào có thể được vào căn nhà đó.
Tuy vậy, nhóm người của ông Lâm Hoàng Tùng (giảng viên Trường đào tạo bồi dưỡng kiểm sát TP.HCM) cùng những cá nhân khác tới đưa những người trong căn nhà đó ra mà không có phán quyết của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (tòa án, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án) thì theo luật sư Luân, hành vi có dấu hiệu xâm phạm về chỗ ở.
Vu tham phan bi to bat coc tre: Co dau hieu xam pham cho o nguoi khac
Bà Thảo bị ngã ngay trước nhà trong cuộc giằng co. Ảnh: Cắt từ clip.
"Việc cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án là đúng đắn và kịp thời, để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật dù đó là bất kỳ một cá nhân nào", luật sư Luân nói.
Ngoài ra, theo luật sư, căn nhà trên được ông Nam nói thuê với giá 5 triệu đồng/tháng và ông không biết căn nhà đó đang tranh chấp là sự lý giải "khó tin, phi logic"
"Nằm ở quận trung tâm của thành phố thì chắc chắn giá thuê phải trên 100 triệu đồng. Đây cũng là một trong những chứng cứ mà tôi cho rằng cơ quan chức năng có thể xem xét hành vi đó vi phạm pháp luật hay không", vị luật sư nhận định.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng hành vi của nhóm người này có dấu hiệu của tội Xâm phạm chỗ ở của người khác. Việc cơ quan điều tra khởi tố về hành vi này là có căn cứ.
"Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý", đó là quyền hiến định.
Tuy nhiên, vì căn nhà làm chỗ ở đang tranh chấp, nên cũng cần làm rõ những người đang cư trú trong căn nhà này có hợp pháp không. Trong trường hợp, dù có tranh chấp, nhưng nhà đã bàn giao theo hợp đồng mua bán có đăng ký tạm trú... thì người được bàn giao nhà (bà Thảo) đang có quyền sử dụng hợp pháp, chỗ ở đó cũng hợp pháp.
"Theo diễn biến trong clip trên mạng và nội dung đơn tố cáo thì có nhiều người công tác trong ngành pháp luật. Họ hiểu luật mà hành xử như vậy là rất đáng lên án. Ở đây, dấu hiệu giúp sức để bên có tranh chấp lấy lại nhà là khá rõ, nếu chứng minh được những người này cũng khó loại trừ trách nhiệm hình sự", luật sư Hưng nêu quan điểm.
Cần làm rõ ý thức của phó chánh án
Theo luật sư Nguyễn Văn Dũ (Đoàn Luật sư TP.HCM) có người cung cấp cho luật sư hợp đồng đặt cọc được ký giữa bà Hoàng Trọng Anh Chi (bên nhận đặt cọc) và bà Hoàng Thị Thu Thảo (bên đặt cọc), có điều khoản về việc bà Thảo được quyền tiếp quản công trình xây dựng cho đến khi hoàn thành.
Điều này có nghĩa là bà Thảo được quyền tiếp nhận nhà đang xây dựng, được quản lý căn nhà đang xây dựng, thậm chí được quyền yêu cầu xây dựng phần còn lại theo ý của bà Thảo (được thể hiện trong hợp đồng); được quyền quản lý nghĩa là được trực tiếp hoặc gián tiếp quản lý nhà. Và trước đó, không có sự việc bà Chi tố giác hoặc khởi kiện bà Thảo về hành vi chiếm giữ nhà của bà Chi trái pháp luật.
Như vậy, việc gia đình bà Thảo vào ở trong căn nhà đó xuất phát từ sự thỏa thuận, sự đồng ý, đúng theo ý chí của bà Chi. Do vậy, có cơ sở xác định chỗ ở của gia đình bà Thảo trong căn nhà là chỗ ở hợp pháp.
Từ đó, việc ông Lâm Hoàng Tùng (giảng viên Trường Đào tạo, bồi dưỡng kiểm sát TP.HCM), người được bà Chi ủy quyền, cùng nhóm người đến căn nhà đó và có hành vi đuổi người ra khỏi nhà, niêm phong tài sản có dấu hiệu của tội Xâm phạm chỗ ở của người khác.
Tuy nhiên, để xác định hành vi của từng người, đặc biệt là của ông Nguyễn Hải Nam thì cần xem xét đến ý thức chủ quan và hành vi cụ thể của ông Nam tại hiện trường. Theo nội dung vụ việc, ông Nam có ký hợp đồng thuê căn nhà trên với ông Tùng với giá 5 triệu đồng/tháng.
"Thời điểm ký hợp đồng, ông Nam có biết được căn nhà đó đang tranh chấp, đang do gia đình bà Thảo quản lý hay không? Khi cùng nhóm người đến căn nhà đó, ông Nam có bàn bạc trước với họ không? Nội dung bàn bạc như thế nào? Nếu không bàn bạc, không hay biết thì ông đến đó với mục đích gì? Tại hiện trường ông Nam đã biết nhà đang tranh chấp, đang do người khác quản lý thì ý chí của ông như thế nào, ông đã có hành vi cụ thể gì?", luật sư Dũ đặt vấn đề.
Theo luật sư, nếu ngay từ đầu ông Nam không hề hay biết căn nhà đó đang tranh chấp, đang do người khác quản lý, không có sự bàn bạc với nhóm người trên và khi đến đó ông cũng không bước vào nhà, không có hành vi giúp sức trong việc đuổi người, niêm phong tài sản thì ông không có dấu hiệu đồng phạm về tội Xâm phạm chỗ ở của người khác.
Ngược lại, nếu ông biết căn nhà trên đang tranh chấp mà vẫn ký hợp đồng thuê, cùng bàn bạc hoặc biết mục đích đến căn nhà đó để đuổi người, niêm phong tài sản mà ông vẫn cùng đến; hoặc tuy lúc đầu ông không biết, nhưng đến hiện trường đã biết nhà đang tranh chấp, có người khác đang quản lý nhưng vẫn có hành vi giúp sức thì có khả năng ông Nam đồng phạm với nhóm người trên.
"Cần phải chứng minh rõ ý thức chủ quan và hành vi cụ thể của ông Nam trong vụ việc trên như thế nào thì mới xác định được ông có đồng phạm hay không. Nếu không biết mục đích tới đó thì ông Nam đi cùng để làm gì?", luật sư nói.
Ngoài ra, vị luật sư cũng cho rằng cần phải làm rõ vì sao có thông tin cho rằng bà Nguyễn Thị Hạnh (Trưởng văn phòng Thừa Phát Lại quận 1) cũng có mặt ở đó?
Về điều này, Zing.vn đã liên lạc qua điện thoại, bà Hạnh chỉ nói thông tin trên mạng không đúng sự thật, không đính chính hay trả lời câu hỏi liên quan đến việc này.
Theo Hoài Thanh / Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)