Giữa thời tiết nắng nóng, ngột ngạt do ô nhiễm ở Sài Gòn, trong căn nhà ẩm thấp, chẳng có tài sản gì đáng giá ngoài chiếc bàn thờ người anh trai 85 tuổi vừa qua đời, bà Trần Thị Năm (bà Năm Tốt, 77 tuổi, ngụ phường Linh Tây, quận Thủ Đức, TP HCM) nằm co ro trên chiếc ván do cảm sốt từ nhiều ngày qua.
|
Bà Năm Tốt, nhân chứng và là nạn nhân trong vụ tai nạn đường sắt thảm khốc nhất Việt Nam, xảy ra 37 năm trước. |
Trên gương mặt đầy khắc khổ do bệnh tật, già yếu và “dấu tích” của cả một cuộc đời cơ cực, bà Năm Tốt kể lại, bà mất cha từ nhỏ, sống cùng mẹ và người anh trai trong căn nhà do ông bà ngoại để lại. Từ thuở thiếu nữ, bà Tốt đã phải đi làm thuê, ở đợ… cho nhà người ta để kiếm tiền nuôi mẹ già và người anh bệnh tật triền miên. Do nhà nghèo, là lao động chính trong nhà nên bà gác bỏ tình riêng để lo cho người thân. Khi gần bước sang tuổi 40, bà gom góp tiền bạc, cũng như vay mượn người quen để làm vốn xuôi ngược trên những chuyến tàu từ Nha Trang về Sài Gòn buôn hàng.
“Cuộc sống những tưởng sẽ êm đềm, nhưng ai ngờ bi kịch xảy ra và dù tôi may mắn còn sống sót nhưng tận cùng nỗi khổ đã đeo mang suốt đời”, bà Năm Tốt nghẹn ngào kể lại.
|
Ở tuổi 77, bệnh tật, già yếu, sống trong cô độc và cơ cực, hoàn cảnh của bà Năm Tốt rất cần được sự quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ cả mọi người. |
Theo bà Tốt, đó là chuyến tàu thảm khốc nhất trong lịch sử ngành đường sắt khi tai nạn xảy ra cướp mất đi sinh mạng của gần 200 con người và rất nhiều người khác bị thương, trong đó có bà. Vụ tai nạn xảy ra khi đoàn tàu từ Nha Trang về ga Sài Gòn, vào khúc cua ở ga Bàu Cá, huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) bị lật.
“Cảnh tượng lúc đó khủng khiếp lắm, tàu lật nhào khỏi đường ray, người nằm chồng lên nhau, gào khóc thảm thiết. Đến khi tôi xuất viện thì sức khỏe sa sút, cùng với một bên chân tật nguyền trước đó đã để lại di chứng suốt đời. Điều đau lòng nữa là toàn bộ hàng hóa, vốn liếng mất sạch. Cuộc sống của cả nhà thật sự đi vào ngõ cụt”, bà Năm Tốt nhắc lại trong sự nghẹn ngào.
Quá đau buồn, mẹ của bà Năm Tốt ngã bệnh rồi qua đời, bỏ lại bà và người anh trai cùng nương tựa vào nhau. Suốt 37 năm sau đó, từ năm 1982 đến nay, bà Năm Tốt phải thức khuya, dậy sớm với bước chân xiêu vẹo bán từng tờ vé số để kiếm tiền nuôi thân và người anh độc thân già yếu. Cuối năm 2018, anh trai bà Tốt cũng ra đi ở tuổi 85, bỏ bà lại một mình không còn bất cứ ai là người thân thích.
“Hơn 3 năm nay, tôi bị thêm chứng bệnh yếu cổ, sụp mí mắt, phải dùng tay đỡ phần cổ lên mới thấy đường di chuyển được. Vì vậy, việc đi bán vé số rất khó khăn nên bây giờ tôi chỉ đi bán khi khỏe; cứ bán 1 ngày thì nghỉ 3 ngày. Mỗi ngày đi bán cũng kiếm được hơn 100 nghìn đồng. Ngoài ra, tôi còn nhận được tiền trợ cấp hơn 300 nghìn đồng của chính quyền địa phương”, bà Năm Tốt, nạn nhân vụ lật tàu thảm khốc khi xưa cho biết.
5h sáng ngày 17/3/1982, đoàn tàu mang số hiệu 183 xuất phát từ ga Nha Trang đến Km 1668+400 (gần ga Bàu Cá, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) đã bị lật. 10 trong số 13 toa xe đã văng ra khỏi đường ray. Riêng đầu máy văng lên một gò đất cao cách đường ray vài chục mét. Lái tàu Đậu Trường Tỏa, phụ lái Phạm Duy Hanh, nhân viên thực tập Trần Giao Chi và hàng chục nhân viên theo tàu thương vong.
|
Tại vị trí tàu lật năm 1982, nay người dân dựng lên một ngôi miếu nhỏ để tưởng niệm và thờ cúng chung cho hàng trăm hành khách chết thảm |
Số hành khách bị chết lên đến hơn 200 người. Số nạn nhân tìm thấy danh tính và có người nhà nhận diện được đưa về nhà. Còn lại 113 người vô thừa nhận được an táng tại nghĩa trang Đường Sắt gần hiện trường.
Theo anh Lý Thoại Phương (53 tuổi ngụ Gò Vấp) có mẹ chết trong tai nạn nạn lật tàu cho biết, khi vào nhận tiền bồi thường 3 nghìn đồng/người tại văn phòng phía nam Tổng Cục Đường sắt trên đường Hàm Nghi (quận 1, TPHCM) vào ngày 25/3/1982, nguyên nhân tai nạn được các giới chức đường sắt xác nhận là mất thắng. Do sự cố này đã làm cho tàu tăng tốc có thể lên đến 200 kilomet một giờ, nên khi đến cua chữ C gần ga Bàu Cá thì xảy ra tại nạn.
Hiện đến nay, sau 37 năm vẫn chưa có một thông tin chính thức nào về sự cố này được công bố.