Ngày 3/1, phiên tòa sơ thẩm xét xử 2 cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến cùng 19 đồng phạm trong vụ thâu tóm đất công sản trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tiếp tục phần thẩm vấn cựu quan chức của UBND TP Đà Nẵng và lãnh đạo doanh nghiệp đã giúp Phan Văn Anh Vũ thâu tóm đất công.
Vũ “Nhôm” có quan hệ thân thiết với một số lãnh đạo thành phố
Bị cáo Phan Xuân Ít, cựu phó chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng – người bị cáo buộc tham mưu, đề xuất soạn thảo văn bản trái pháp luật để 2 cựu Chủ tịch Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến ký chuyển nhượng hàng loạt nhà đất cho Vũ "Nhôm" đã thừa nhận nội dung cáo trạng nêu.
Theo cáo trạng, từ năm 2006 đến 2013, ông Ít đã trực tiếp tham mưu, đề xuất, soạn thảo các công văn, quyết định có nội dung trái pháp luật về quản lý công sản và pháp luật về đất đai để ông Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến và Nguyễn Ngọc Tuấn cho phép bán 20 nhà, đất công sản gồm: số 2 Hải Phòng, 37 Pasteur, 39 Pasteur, 106 Trần Phú, 7 Bạch Đằng, 20 Bạch Đằng, 36 Bạch Đằng, 38 Bạch Đằng, 38 Bạch Đằng mở rộng, 100 Bạch Đằng, 158 Bạch Đằng, 45 Nguyễn Thái Học...
Theo lời bị cáo Ít, trong thời gian giữ các chức vụ Trưởng phòng Quản lý đô thị rồi Phó chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng, bị cáo chỉ thực hiện theo chủ trương của 2 cựu Chủ tịch TP Đà Nẵng Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến.
|
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ tại tòa. Ảnh: TTXVN |
“Bị cáo làm tất cả theo chủ trương, theo văn bản chỉ đạo còn người quyết định là chủ tịch UBND”, ông Ít trình bày và thừa nhận đã thực hiện theo công văn được chủ tịch bút phê.
Đáng chú ý, bị cáo Phạm Xuân Ít nói rằng, bản thân bị cáo này không biết nhiều về Vũ "Nhôm" chỉ biết Vũ lập doanh nghiệp làm bình phong của cơ quan tình báo của Bộ Công an. Bên cạnh đó, Vũ còn có mối quan hệ với một số lãnh đạo Thành phố.
“Trước đây, Vũ quan hệ với bí thư, chủ tịch cũ đã mất rồi, sau đó đến chủ tịch Minh, Chiến", bị cáo Phạm Xuân Ít khai.
Nói về công văn tham mưu, đề xuất bán 20 nhà, đất công sản và 4 dự án, bị cáo Út cho rằng bản thân chỉ biết chấp hành chỉ đạo cấp trên.
“Bị cáo nghĩ lãnh đạo đã chỉ đạo thì chỉ có đúng, đến khi xem cáo trạng mới biết mình sai”, bị cáo Ít nói và mong HĐXX xem xét việc ông không chủ động tham mưu, đề xuất bán nhà đất mà chỉ làm theo chỉ đạo.
“Bí thư, Chủ tịch Đà Nẵng gọi điện chỉ đạo, cái nào không dung thì bán cho Vũ”
Bị cáo Huỳnh Tấn Lộc, cựu tổng giám đốc công ty CP Công nghệ phẩm Đà Nẵng – người bị cáo buộc đã giúp Vũ mua được nhà, đất ở 37 Pasteur (hơn 900 m2) với giá gần 17 tỷ đồng, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 112 tỷ đồng.
Cụ thể, Công ty CP Công nghệ phẩm Đà Nẵng là đơn vị thuê, sau đó được TP Đà Nẵng đồng ý chuyển nhượng nhà đất ở 37 Pasteur. Theo cáo buộc, khi biết việc này, Phan Văn Anh Vũ đã gặp giám đốc công ty là Huỳnh Tấn Lộc để mua lại nhà đất công sản. Sau đó, bị cáo Lộc làm các thủ tục để được mua nhà đất số 37 Pasteur, giảm 10% tiền sử dụng đất và hệ số sinh lợi, đồng thời chuyển đổi tên người nhận quyền sử dụng đất sang cho Phan Văn Anh Vũ. Phía Vũ “Nhôm” sẽ thanh toán toàn bộ số tiền mua nhà đất và trả tiền “hoa hồng” cho Công ty Công nghệ phẩm Đà Nẵng.
Theo lời khai của bị cáo Lộc, khi biết TP Đà Nẵng có chủ trương bán tài sản cho doanh nghiệp đang thuê, công ty đã làm đơn xin mua 4 nhà đất. Khi được chấp thuận nhận chuyển nhượng nhà đất số 57 Lê Duẩn và 37 Pasteur, cựu Chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh và cựu Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh gọi điện thoại cho nói: “Cái nào không dùng thì bán lại cho Vũ - giám đốc một công ty bình phong của Bộ Công an”. Vũ sau đó gọi điện cho tôi đặt vấn đề mua lại".
Theo ông Lộc, Phan Văn Anh Vũ muốn mua cả lô 57 Lê Duẩn song đây là trụ sở công ty nên ông từ chối.
|
Các bị cáo tại phiên xét xử. Ảnh: TTXVN. |
Trả lời HĐXX về việc vì sao lại chuyển nhượng cho Phan Văn Anh Vũ và có phải việc chuyển nhượng là điều kiện để được mua tài sản còn lại không?, bị cáo Huỳnh Tấn Lộc phủ nhận việc này và nói việc chuyện nhượng diễn ra vì lợi ích công ty.
Theo lời bị cáo này, khi bán nhà đất 37 Pastuer, Vũ “Nhôm” sẽ trả thêm cho công ty 500 triệu đồng là tài sản trên đất và 550 triệu để di dời tài sản. “Cá nhân bị cáo không được lợi gì hết, chỉ có lợi cho công ty thôi”, bị cáo Lộc nói.
Giám đốc Công ty CP Công nghệ phẩm Đà Nẵng thừa nhận Vũ thực hiện nghĩa vụ tài chính với thành phố rồi chuyển quyền sử dụng đất sang tên Phan Văn Anh Vũ. Hơn 8 năm sau khi vụ việc xảy ra, ông Lập làm việc với công an mới biết việc Vũ được nhà đất là vi phạm pháp luật.
Bị cáo Nguyễn Văn Cán, Cựu chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng khai không có mối quan hệ với Vũ nhưng biết Vũ có quan hệ thân thiết với cựu Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh.
“Do mối quan hệ đó, ở dự án này cũng như những dự án về bất động sản nói chung, bị cáo thường nhận chỉ đạo miệng của ông Nguyễn Bá Thanh thông qua ông Phan Xuân Ít, Đào Tấn Bằng”, bị cáo Cán nói và cho hay: “khi trình ra cuộc họp chủ tịch, phó chủ tịch Đào Tấn Bằng thường đứng lên nói, vấn đề này anh Nguyễn Bá Thanh chỉ đạo thế này, chỉ đạo thế kia thậm chí có chỉ đạo cả giá cả nữa".
>>> Mời độc giả xem visdeo Vũ "nhôm" có mối quan hệ với lãnh đạo nhiều thời kỳ?:
Trả lời về việc bán dự án An Cư 2 cho Vũ không qua đấu giá, bị cáo Nguyễn Văn Cán khai rằng, do sự chỉ đạo thông qua Phan Xuân Ít từ cuộc họp giao ban ngày 5/1/2009.
"Anh Ít đọc văn bản 2388 trình ra cho chủ tịch, phó chủ tịch. Chủ tịch Minh hỏi: Tại sao bán trực tiếp? Anh Ít nói: Đây là chỉ đạo của anh Nguyễn Bá Thanh", bị cáo Cán nói.
Đồng thời bị cáo thừa nhận đã ký văn bản gây nên sai phạm ở dự án này nhưng do: "Anh Minh nói 'anh Thanh chỉ đạo' nên phải làm".
Cáo trạng nêu rõ, từ năm 2006 - 2014, bị cáo Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến là những người đứng đầu, có trách nhiệm trong chỉ đạo quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, quản lý đất đai trên địa bàn TP Đà Nẵng, đã có hành vi cố ý làm trái các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, các quy định về quản lý đất đai.
Hai bị cáo đồng ý chủ trương, ký ban hành nhiều văn bản và chỉ đạo cấp dưới thực hiện việc giao đất, thu hồi, cho thuê, chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất và chuyển nhượng nhà, đất công sản trên địa bàn thành phố Đà Nẵng;
Giảm giá, giảm hệ số sinh lợi, chuyển đổi tên người nhận quyền sử dụng đất trái quy định của pháp luật đối với nhiều nhà, đất công sản và các dự án đầu tư xây dựng, để tạo điều kiện thuận lợi cho Vũ “nhôm” trục lợi cá nhân trong việc mua bán, chuyển nhượng các nhà đất công sản và các dự án này.
Từ vai trò chỉ đạo của Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến, các bị cáo khác là đồng phạm đã tạo điều kiện thuận lợi cho Vũ “nhôm” thâu tóm 22 nhà, đất công sản tại vị trí đắc địa của Đà Nẵng nhưng không qua đấu giá quyền sử đụng đất, gây thiệt hại cho Nhà nước 2.422 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Vũ “nhôm” đã lợi dụng mối quan hệ thân quen với lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng và các sở, ngành liên quan đến lĩnh vực quản lý Nhà nước về đất đai, để chủ động nắm bắt thông tin quy hoạch về các dự án đất của UBND TP Đà Nẵng, đặc biệt tại các vị trí ven biển.
Sau đó liên hệ, đề nghị để được các bị can Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến chỉ đạo các bị can là cấp dưới tham mưu, đề xuất, thực hiện các hành vi trái pháp luật trong việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý, nhanh chóng hoàn thành hồ sơ giúp Vũ “nhôm” được nhận quyền sử dụng đất tại 7 dự án không qua đấu giá quyền sử dụng đất, áp đơn giá giao quyền sử dụng đất không sát với giá thị trường tại thời điểm, cho phép giảm 10% tiền sử dụng đất chuyển mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh sang đất ở trái với quy định tại luật Đất đai năm 2003 và các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Hành vi nêu trên của các bị can Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến, Vũ “nhôm” và các đồng phạm đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 19.625 tỷ đồng. Tổng cộng thiệt hại của Nhà nước trong vụ án này được xác định là 22.043 tỷ đồng.