Vụ Đường “Nhuệ“: Không truy cứu hình sự, bỏ lọt tội phạm xử thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Theo quy định, người nào bỏ lọt tội phạm, không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội để điều tra, xử lý sẽ phải chịu mức án thấp nhất mà các đối tượng phải đối mặt là từ 6 tháng đến 3 năm, cao nhất đến 12 năm tù.

Cơ quan điều tra VKSND tối cao vừa khởi tố vụ án hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” có liên quan đến Nguyễn Xuân Đường (Đường "Nhuệ") ở Thái Bình. Đồng thời đang làm rõ trách nhiệm của những người có liên quan trong việc bỏ lọt tội phạm, không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội để điều tra, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Dư luận đặt câu hỏi, việc bỏ lọt tội phạm, không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội sẽ bị xử lý thế nào theo quy định của pháp luật?
Vu Duong “Nhue“: Khong truy cuu hinh su, bo lot toi pham xu the nao?
Đường Nhuệ và con nuôi Tiến "trắng". 
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho rằng, không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội là hành vi của người tiến hành tố tụng có thẩm quyền (trong tố tụng hình sự) dù đã có đủ căn cứ và biết rõ một người đã có hành vi phạm tội nhưng không tiến hành khởi tố, truy tố hoặc xét xử buộc họ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội đó.
Tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội là tội phạm không chỉ xâm phạm đến uy tín của cơ quan tiến hành tố tụng, mà còn xâm phạm đến nguyên tắc xử lý “mọi hành vi phạm tội phải bị phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh”.
Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội là việc cố ý bỏ lọt tội phạm và do đó còn xâm phạm đến các lợi ích của Nhà nước, xã hội và của công dân.
Tuy nhiên, về chính sách hình sự, hành vi bỏ lọt tội phạm không bị coi là nguy hiểm như hành vi truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội. Điều này thể hiện ở mức hình phạt quy định trong khung hình phạt của điều luật.
"Người có tội với người bị coi là có tội khác nhau. Người có tội là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.
Có tội là một hiện tượng khách quan và theo quy định của Bộ luật hình sự thì hành vi đó đã cấu thành tội phạm, còn người bị coi là có tội là người bị Tòa án kết án bằng một bản án và bản án đó đã có hiệu lực pháp luật; trong số những người bị Tòa án kết án có thể có người không có tội, nhưng về mặt pháp lý thì người đó vẫn bị coi là có tội" – luật sư Diệp Năng Bình cho hay.
Theo luật sư Bình, những người có thể phạm tội này tương tự như của tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội bao gồm: Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra; Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát; Điều tra viên, Kiểm sát viên.
Ngoài những người trên, đối với người phạm tội ít nghiêm trọng còn có thể còn có người có thẩm quyền của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư và cơ quan khác của Công an nhân dân, quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quy định tại Điều 164 Bộ luật tố tụng hình sự.
Trường hợp, điều tra viên, kiểm sát viên cố tình không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội theo mệnh lệnh của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKS, mặc dù trước đó đã báo cáo, đề xuất ý kiến “phải khởi tố, phải kết luận điều tra, phải truy tố” nhưng không có ý kiến phản bác, bảo lưu hoặc báo cáo lên cấp trên mà vẫn đồng tình với quyết định của cấp trên thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội”.
Tuy nhiên, theo luật sư Bình, khi xem xét để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người này cũng cần xem xét đến mối quan hệ giữa họ với Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra; Viện trưởng, Phó viện trưởng viện kiểm sát. Nếu đó là mối quan hệ quá lệ thuộc, mà điều tra viên hoặc kiểm sát viên không còn cách nào khác buộc phải chấp hành thì được coi là phạm tội do bị ép buộc, cường bức và được xem xét nhẹ miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.
Trường hợp người có thẩm quyền như Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKS, Kiểm sát viên quyết định không khởi tố vụ án, không khởi tố bị can, không phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, không ký bản kết luận điều tra, không ra bản cáo trạng truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội nhưng không biết rõ người mà mình không truy cứu trách nhiệm hình sự là có tội mà chỉ có điều tra viên, kiểm sát viên biết rõ là có tội thì Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên không phải là chủ thể của tội phạm này.
Tùy trường họp cụ thể họ có thể bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 360 Bộ luật hình sự.
Người phạm tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội, có thể thực hiện một trong các hành vi sau: Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra ra quyết định không khởi tố vụ án, không khởi tố bị can, không kết luận điều tra vụ án; ra quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ điều tra đối với người mà mình biết rõ là có tội.
Điều tra viên không lập hồ sơ vụ án; không triệu tập bị can hoặc có triệu tập nhưng không tiến hành hỏi cung bị can và những người tham gia tố tụng khác; không quyết định áp giải bị can; không thi hành lệnh bắt, tạm giữ, tạm giam, khám xét, thu giữ, tạm giữ; không tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, đối chất, nhận dạng, thực nghiệm điều tra; không tiến hành các hoạt động điều tra theo sự phân công của Thủ trưởng Cơ quan điều tra.
Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát ra quyết định không khởi tố vụ án, không khởi tố bị can; ra quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án; quyết định không phục hồi điều tra, quyết định không phê chuẩn các quyết định của Cơ quan điều tra; không yêu cầu Cơ quan điều tra thay đổi quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can; không quyết định việc truy tố.
Vu Duong “Nhue“: Khong truy cuu hinh su, bo lot toi pham xu the nao?-Hinh-2
 Luật sư Diệp Năng Bình.
Kiểm sát viên không kiểm sát việc khởi tố, không kiểm sát các hoạt động điều tra và việc lập hồ sơ vụ án của Cơ quan điều tra; không đề ra yêu cầu điều tra; không triệu tập và hỏi cung bị can; không triệu tập và lấy lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; không kiểm sát việc bắt, tạm giữ, tạm giam; không tham gia phiên tòa; không đọc cáo trạng, quyết định của Viện kiểm sát liên quan đến việc giải quyết vụ án; không hỏi, đưa ra chứng cứ và thực hiện việc luận tội.
Trong các hành vi trên của người tiến hành tố tụng, có thể chỉ là hành vi vi phạm tố tụng, nhưng nếu các hành vi đó đều nhằm mục đích để lọt người phạm tội hoặc để lọt tội phạm thì người tiến hành tố tụng vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội.
Theo điều 369 BLHS 2015 quy định về tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội, mức án thấp nhất mà các đối tượng phải đối mặt là từ 06 tháng đến 3 năm, cao nhất đến 12 năm tù. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Thời gian qua, Cơ quan điều tra VKSND tối cao phát hiện và tiến hành kiểm tra, xác minh một số vụ việc có dấu hiệu của tội “Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội”, xảy ra tại một số cơ quan tiến hành tố tụng thuộc tỉnh Thái Bình. Trong đó có vụ một số đối tượng, trong đó có Bùi Mạnh Tiến (tức Tiến Trắng, là con nuôi của Nguyễn Xuân Đường) có liên quan đến Nguyễn Xuân Đường gây thương tích cho anh Trần Ngọc Hoàng từ năm 2018 nhưng không bị xử lý hình sự.
Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao xác định khoảng tháng 4/2018, Bùi Mạnh Tiến và Phạm Văn Sáng đến nhà anh Trần Ngọc Hoàng (lái xe ô tô khách 9 chỗ ngồi tuyến Vũ Thư, Thái Bình – Hà Nội vào 14h hàng ngày) yêu cầu anh Hoàng mỗi tháng phải đưa bọn chúng 03 triệu đồng và đón khách sau 15 giờ hàng ngày, nhưng anh Hoàng không đồng ý. Khoảng 19h30 ngày 22/5/2018, Phạm Văn Sáng cùng Bùi Mạnh Tiến, Hoàng Văn Phi, Nguyễn Tuấn Long đến nhà anh Trần Ngọc Hoàng. Phạm Văn Sáng dùng dao chém nhiều nhát, làm anh Hoàng bị đứt cơ, gân của 2 tay và 2 chân.
Sau khi sự việc xảy ra, Nguyễn Xuân Đường đã đến nhà anh Hoàng đưa ra mức bồi thường là 130 triệu đồng và yêu cầu anh Hoàng không đi giám định để không xử lý hình sự. Do lo sợ, anh Hoàng đã có đơn đề nghị không đi giám định. Ngày 22/7/2018, Cơ quan CSĐT Công an huyện Vũ Thư ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
Sau khi kiểm tra, xác minh thông tin trên, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã trưng cầu giám định thương tích của anh Hoàng, kết luận giám định xác định anh Hoàng bị tổn hại sức khỏe 44%.
 
>>> Mời độc giả xem thêm video Cơ quan dân cử Thái Bình đùn đẩy trách nhiệm trả lời vụ Đường Nhuệ

Nguồn: VTC News

Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)