Vụ đánh bạc nghìn tỷ Phan Sào Nam: 9 nghìn tỷ lợi nhuận chia thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Số tiền từ 9.583,2 tỉ đồng qua đường dây đánh bạc nghìn tỷ được chia cho nhiều đơn vị, cá nhân. Sau khi chiếm hưởng, các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn khác nhau để hợp thức hóa nguồn tiền, như đầu tư các dự án.

Ai hưởng lợi từ 9.583,2 tỉ đồng qua đường dây đánh bạc nghìn tỷ?
Thông tin từ Bộ Công an cho biết, đường dây đánh bạc nghìn tỷ do Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương cầm đầu có tổng số tiền đánh bạc nạp qua các cổng thanh toán là 9.583,2 tỉ đồng (342 tỉ đồng/tháng). Trong đó, tiền từ thẻ viễn thông và thẻ game là 9.296 tỉ đồng, chiếm 97%; tiền từ các ngân hàng là 168 tỉ đồng, chiếm 1,75%. Tiền tham gia đánh bạc qua các đại lý được giao dịch trực tiếp bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản qua ngân hàng, bước đầu xác định khoảng 5.631,5 tỉ đồng.
Trong tổng số tiền 9.583,2 tỉ đồng thu được từ các con bạc được phân chia cho nhiều đơn vị, cá nhân. Cụ thể, được phân chia cho các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán, doanh nghiệp phát hành thẻ game, nhóm đối tượng tổ chức (Dương, Nam, Trung, bao gồm cả chi phí vận hành và một phần nhỏ hạch toán vào các pháp nhân CNC, VTC online, Nam Việt) và trả thưởng cho con bạc.
Trong đó, các doanh nghiệp viễn thông hưởng khoảng 1.402 tỉ đồng (tương đương 16% tổng giá trị thẻ viễn thông); doanh nghiệp trung gian thanh toán hưởng khoảng 258,4 tỉ đồng (riêng GTS hưởng khoảng 217,8 tỉ đồng).
Riêng nhóm của Nguyễn Văn Dương hưởng khoảng 1.600 tỉ đồng; nhóm Phan Sào Nam và Hoàng Thành Trung hưởng khoảng 1.850 tỉ đồng; 2.645 tỉ đồng trả thường cho con bạc.
Hợp thức hóa tiền phi pháp vào... đầu tư dự án, góp vốn kinh doanh
Bộ Công an cũng cho biết, sau khi chiếm hưởng số tiền trên, các đối tượng tổ chức đánh bạc dùng nhiều thủ đoạn khác nhau để hợp thức hóa nguồn tiền, như đầu tư các dự án, góp vốn kinh doanh, mua bất động sản, gửi tiết kiệm, chuyển đổi thành vàng, ngoại tệ, chuyển ra nước ngoài (Phan Sào Nam gửi 3,5 triệu USD tại ngân hàng Bank of Singapore)…
Đáng chú ý trong thời gian qua, dư luận nhiều hoài nghi liên quan việc Nguyễn Văn Dương (sinh 1975, Chủ tịch HĐTV Công ty đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao - CNC) – đồng thời còn được biết đến là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư UDIC.
Vốn điều lệ ban đầu của Công ty UDIC là 500 tỷ đồng. Trong đó ông Nguyễn Văn Dương góp 524,6 tỷ đồng, tương đương 85,05% vốn điều lệ.
Thành lập tháng 1/2010 nhưng UDIC chỉ thực sự được biết đến khi trở thành đơn vị đứng đầu liên danh nhà đầu tư thực hiện dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn với tổng vốn lên tới 12.188,66 tỷ đồng. Dự án khởi công ngày 05/07/2015, tiến độ dự kiến hoàn thành trước 31/12/2018. Trong dự án này, UDIC của ông Nguyễn Văn Dương góp 491,72 tỷ tương đương 38% vốn nhà đầu tư.
Tháng 2/2016, UDIC tăng vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng lên 528,373 tỷ đồng. Khi đó, ông Nguyễn Văn Dương nâng tỷ lệ sở hữu từ 85,05% lên 99,29%, tương đương giá trị vốn góp 524,6 tỷ đồng.
Mới đây, Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Cầu đường Sài Gòn (SBRC) cho biết, SBRC đã nắm 51% vốn cổ phần của Công ty cổ phần đầu tư UDIC (tổng vốn điều lệ 781,73 tỷ đồng). Với việc SBRC sở hưu cổ phần của UDIC, rất có thể Nguyễn Văn Dương đã thoái một nửa cổ phần tại doanh nghiệp này.
Tính đến ngày 16/3/2018, Cơ quan điều tra đã khởi tố 83 bị can, trong đó một số bị can bị khởi tố 02 tội danh, gồm 41 bị can về tội tổ chức đánh bạc, 38 bị can về tội đánh bạc, 04 bị can về tội mua bán hóa đơn trái phép, 02 bị can tội rửa tiền và 01 bị can tội sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Hiện nay, Cơ quan điều tra đang tạm giam 31 bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú 42 bị can, cho bảo lãnh 02 bị can, truy nã 08 bị can đang bỏ trốn.
Hiện Cơ quan điều tra đang xác minh về số tiền từng bên được hưởng để thu hồi theo quy định của pháp luật. Đến nay, Cơ quan điều tra đã thu giữ, phong tỏa, niêm phong tổng tài sản trị giá 1.238,8 tỉ đồng (gồm 1.046,2 tỉ đồng tiền mặt, 20 căn hộ trị giá 192,6 tỉ đồng) và 12 xe ô tô (chưa định giá).
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)