Thông tin về việc về việc truy bắt, tiêu diệt đối tượng Lê Quốc Tuấn (tức Tuấn "khỉ", 33 tuổi, thường trú tại huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) – kẻ nổ súng sới bạc khiến 4 người chết, Bộ Công an cho biết, khoảng 22h15 ngày 13/02/2020, phát hiện đối tượng Lê Quốc Tuấn liên tục di chuyển, lên đạn súng AK, ngắm bắn về phía lực lượng truy bắt, với thái độ hung hãn chống trả đến cùng; nhằm đảm bảo an toàn cho lực lượng truy bắt và người dân, lực lượng Công an đã buộc phải nổ súng tiêu diệt đối tượng.
Tại hiện trường căn nhà gần Cầu Xáng - giáp ranh xã Tân Thạnh Đông (huyện Củ Chi) xã Tân Hiệp (huyện Hóc Môn), lực lượng công an đã thu giữ 1 khẩu súng AK, 9 viên đạn (trong đó có 1 viên đã lên nòng và 8 viên trong hộp tiếp đạn).
Khẩu súng AK cũng chính là hung khí Tuấn "khỉ" dùng để bắn những người ở sới bạc tại Củ Chi và chiều 29 và rạng sáng 30/1 khiến 4 người chết, 1 người bị thương, đồng thời đối tượng này cũng thực hiện thêm 2 vụ nổ súng khác cũng trên địa bàn huyện Củ Chi khiến 1 người tử vong, 2 người bị thương để cướp xe gắn máy tẩu thoát.
|
Đối tượng Lê Quốc Tuấn. |
Tại buổi họp báo chiều 14/2, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP.HCM khi nói về khẩu súng AK Lê Quốc Tuấn dùng gây án đã cho biết, khẩu súng này không phải từ kho của công an quận, huyện hay các đơn vị chiến đấu TP HCM.
Ngay sau khi Tuấn "khỉ" gây án, cơ quan điều tra đã tiến hành kiểm tra tất cả các loại vũ khí Công an TP.HCM đang quản lý. Ban giám đốc Công an TP.HCM đã cử tổ công tác xuống công an các quận kiểm tra từng khẩu AK và xác định việc quản lý đang chặt chẽ. Đồng thời cho biết, hiện công an đang làm rõ nguồn gốc của khẩu súng này. Tuy nhiên, đại tá Quang không trả lời những băn khoăn của các phóng viên về trách nhiệm quản lý địa bàn để xảy ra vụ án đặc biệt nghiêm trọng.
Mới đây, liên quan vụ án trên, Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam đồng phạm của Tuấn "khỉ" trong vụ án gây chấn động dư luận gồm Lê Quốc Minh (27 tuổi, ngụ Củ Chi), cùng 10 người khác để điều tra về tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng.
Dư luận đặt câu hỏi, Tuấn "khỉ" và một số đối tượng liên quan vụ án trên đã lấy khẩu súng AK và vũ khí quân dụng từ đâu?
Thời gian qua, việc mua bán vũ khí quân dụng, hàng nóng tràn lan, thậm chí rầm rộ trên mạng bán hàng online. Khi có nhu cầu mua vũ khí, công cụ hỗ trợ nào từ roi điện, súng, lựu đạn, người mua chỉ cần vào mạng xã hội gõ yêu cầu vào mục “tìm kiếm” là xuất hiện ngay hàng loạt tài khoản như “kho hàng nóng”, “shop vũ khí tự vệ” với nhiều sản phẩm để người mua lựa chọn, thực tế việc mua một khẩu súng hay bất cứ vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ nào không phải là điều khó khăn.
Tháng 12/2019, Công an quận Tân Bình, TPHCM đã giữ đối tượng Nguyễn Ngọc Cao Nhân (SN 1995, ngụ tại cư xá Thanh Đa, phường 27, quận Bình Thạnh) để điều tra về hành vi tàng trữ buôn bán súng và dụng cụ hỗ trợ. Trước đó, ngày 17/12, qua soi chiếu, nhân viên an ninh tại ga quốc nội, cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã phát hiện kiện hàng của đơn vị vận chuyển Giao Hàng Nhanh chứa 2 khẩu súng tự chế và 10 viên đạn. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan chức năng xác định Nhân chính là chủ kiện hàng trên. Đáng chú ý, khám xét nơi ở Nhân, cảnh sát phát hiện số lượng lớn dụng cụ hỗ trợ gồm nhiều loại dao, kiếm, mã tấu, súng ngắn...
Mới đây, ngày 2/2, Công an TP HCM đã phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai khống chế, bắt giữ Trần Duy Chinh (49 tuổi, quê Nam Định) - nghi can cầm súng cố thủ tại căn nhà trên đường Lý Thái Tổ, quận 10, TP.HCM hôm 30/1. Thời điểm Chinh bị bắt giữ, công an kiểm tra thu giữ trên người anh ta một khẩu súng K54, 2 hộp tiếp đạn cùng nhiều viên đạn cùng loại. Trước đó, kiểm tra nhà Chinh, cảnh sát phát hiện nhiều dao, hung khí tự chế.
Trước tình trạng trên, việc xử lý hành vi tàng trữ, mua bán vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thế nào?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận, thực tế hiện nay, có tình trạng các cá nhân mua được súng để sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Chủ yếu là mua súng tự chế, nhưng cũng có nhiều trường hợp thông qua các hành vi phạm pháp mua và sử dụng cả những loại súng hiện đại, được sản xuất có quy trình. Điều này cho thấy việc bán các loại vũ khí quân dụng vẫn tràn lan.
Luật sư Tùng cho rằng, súng (hay vũ khí quân dụng) là loại hàng hóa được liệt vào danh mục hàng hóa cấm kinh doanh theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 của Chính phủ. Cơ quan có thẩm quyền quản lý ngành chỉ có Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.
“Súng là loại vũ khí, là hàng hóa có tính nguy hiểm cực kì lớn vì thế mà công tác quản lý liên quan đến loại hàng hóa này cực kỳ nghiêm khắc” - luật sư Hoàng Tùng cho biết.
|
Một kho vũ khí phát hiện tại TP HCM. |
Theo điều 4 của Luật quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ năm 2017 có quy định về các nguyên tắc quản lý sử dụng vũ khí, vũ khí quân dụng. Theo đó, chỉ có những người có đầy đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thì mới được phép quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng. Việc sử dụng vũ khí bắt buộc phải có giấy phép.
Tại điều 3 của Thông tư 17 năm 2017 của Bộ Công an, có quy định về trang bị vũ khí vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thì chỉ đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Công an, trại giam, trại tạm giam, các trường đào tạo công an, các đơn vị công an các cấp mới được phép trang bị vũ khí, vũ khí quân dụng. Chỉ cấp giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng cho đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng.
Tại khoản 1 điều 18 của Luật quản lý và sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có nêu cụ thể đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng bao gồm bộ đội, quân nhân, dân quân tự vệ, cảnh sát biển, công an nhân dân cơ yếu, cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát tối cao, kiểm lâm, kiểm ngư, an ninh hàng không, hải quan cửa khẩu và lực lượng chuyên trách chống buôn lậu. Các đối tượng sở hữu, sử dụng đều phải có giấy phép và đều phải là những người có thẩm quyền được sử dụng.
“Như vậy, ngoài những cá nhân được cấp phép sử dụng súng (chiến sĩ công an, sĩ quan quân đội,…) thì tất cả những cá nhân còn lại không được phép sử dụng, tàng trữ, mua bán, sản xuất súng hoặc các phụ tùng, chi tiết liên quan đến súng. Tất cả các cá nhân có những hành vi nêu trên đều là hành vi vi phạm pháp luật, tùy mức độ sẽ xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự” - luật sư Hoàng Tùng cho hay.
Luật sư Tùng cho rằng, theo quy định của pháp luật, cụ thể tại Điều 340 BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định rõ về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự như sau: “ Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 7 năm.” Ngoài ra, còn căn cứ vào các tình tiết tăng nặng định khung khác thì mức phạt cao nhất có thể lên đến tù chung thân.
Trường hợp sử dụng súng nhưng chưa gây hậu quả thì sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đến 4.000.000 đồng và tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm (Điều 10 nghị định 167/2013). Trường hợp sử dụng súng để bắn người, đe dọa bắn, đả thương người khác, cướp giật... tùy trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người hoặc đe dọa giết người.
Trước những vụ việc trên, Luật sư Tùng cho rằng, các cơ quan, ban ngành cũng cần phải tăng cường công tác phòng chống, phát hiện và xử lý các vi phạm liên quan đến vấn đề vũ khí quân dụng để đảm bảo an toàn xã hội, tránh các trường hợp phạm tội và đáng tiếc xảy ra.
>>> Mời độc giả xem video Lý do Tuấn "khỉ" lẩn trốn trong căn nhà hoang: