|
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Luật sư (LS) Đào Kim Lân (Đoàn LS TP HCM) nêu: Tại Điều 3 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 thì bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 gây ra là bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. Tức là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.
Thủ tướng cũng đã căn cứ Điều 42 Luật này để ra quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch. Từ đây, Ban Chỉ đạo chống dịch Trung ương và địa phương được thành lập, thực hiện các biện pháp phòng chống và khắc phục hậu quả của dịch.
Luật Phòng chống dịch bệnh đã quy định rõ về trách nhiệm, nghĩa vụ của người mắc bệnh. Tại Điều 8, quy định các hành vi bị nghiêm cấm, là cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh, cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm.
LS Mai Tiến Luật (Đoàn LS tỉnh Bình Dương) cho hay, tại Điều 6 Nghị định 176/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế có quy định: Cá nhân nào phát hiện người mắc bệnh truyền nhiễm nhưng không khai báo sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đến 500.000 đồng; Cá nhân che giấu hiện trạng bệnh truyền nhiễm của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A sẽ bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.
“Mức phạt trên cũng được áp dụng với hành vi không thực hiện việc xét nghiệm phát hiện bệnh truyền nhiễm nhóm A theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cá nhân nào phát hiện trường hợp mắc bệnh dịch mà không khai báo hoặc che giấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác thì đều bị xử phạt tương tự. Quy định này nhằm góp phần ngăn chặn bệnh truyền nhiễm lây lan ra cộng đồng”, LS Luật cho biết.
Điều 49 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm cũng quy định những trường hợp bị cách ly gồm người mắc bệnh, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch thuộc nhóm A. Như vậy, căn cứ vào điều này thì người trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc (nơi phát tán dịch bệnh) và xã Song Lôi (nơi có nhiều người bị bệnh dịch nhất Việt Nam) bị cách ly là hoàn toàn đúng luật, chính xác.
Những người từ Vũ Hán trở về phải tự nguyện khai báo và thực hiện việc cách ly theo quy định. Nếu không thực hiện tự nguyện thì sẽ bị cưỡng chế. Hành động trốn khỏi nơi cách ly, theo LS Lân, tại Điều 10 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 2-5 triệu với một trong các hành vi: Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan có thẩm quyền; Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng với một trong các hành vi “Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A”.
Ngoài ra, Bộ luật Hình sự có quy định “về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” tại Điều 240. Tuy theo mức độ mà bị xử lý với khung hình phạt tối đa lên đến 10 năm tù. “Người bị cách ly có thể mang mầm bệnh và khi trốn khỏi nơi cách ly, tiếp xúc gây bệnh cho người khác thì rất dễ bị truy cứu hình sự”, LS Lân nói.
LS Lân nêu quan điểm: “Việc tuân thủ biện pháp cách ly trước mắt là để tránh gây nguy hại cho chính bản thân người vi phạm, bởi thời gian ủ bệnh kéo dài và thậm chí những biểu hiện bệnh không rõ ràng. Cách ly để xét nghiệm, theo dõi và điều trị kịp thời, đảm bảo an toàn tính mạng. Thứ hai, người bị cách ly mà có mang mầm bệnh thì gây nguy hiểm cho người xung quanh, có thể làm phát tán dịch bệnh, gây phức tạp trong công tác phòng chống bệnh dịch. Vì vậy, những người bị cách ly cần phải ý thức được tầm quan trọng của việc cách ly và tuân thủ đúng theo hướng dẫn. Cơ quan chức năng cần xử phạt nghiêm những trường hợp trốn khỏi nơi cách ly để răn đe, bảo đảm việc phòng chống dịch bệnh được tuân thủ”.