Vụ AVG-Mobifone: Ông Phạm Nhật Vũ không để Nhà nước thiệt hại, thành khẩn... có được “khoan hồng đặc biệt“?

Google News

(Kiến Thức) - Dư luận cho rằng, việc ông Phạm Nhật Vũ đã nhận thức pháp luật, quyết tâm sửa chữa những sai lầm, khắc phục không để cho nhà nước thiệt hại…thì hoàn toàn có thể được hưởng những chính sách khoan hồng của pháp luật.

Tại phiên xét xử sơ thẩm 14 bị cáo trong vụ án Mobifone mua 95% cổ phần của AVG mới đây, trả lời HĐXX, bị cáo Phạm Nhật Vũ – nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG cho biết, sau khi hủy hợp đồng thương vụ Mobifone mua cổ phần của AVG bị hủy, bị cáo đã được 7 cổ đông AVG ủy quyền trả lại cho MobiFone 8.445 tỷ tiền gốc và thanh toán cho MobiFone thêm chi phí phát sinh khoảng 450 tỷ đồng.
Bị cáo Phạm Nhật Vũ thề với trời đất không có ý định chiếm đoạt tiền của Nhà nước, của nhân dân nên từ khi có dư luận đã bàn bạc với gia đình để chuẩn bị và việc này diễn ra một năm trước đó. Việc bị cáo trả lại tiền để không bị mang tiếng và chứng minh mình không lấy tiền của Nhà nước, nghĩ những người liên quan vụ án sẽ được nhẹ trách nhiệm hơn. Đồng thời, theo bị cáo Vũ, số tiền đưa cho các bị cáo Son, Tuấn, Trà, Hải là "tiền của cá nhân bị cáo từ các hoạt động kinh doanh khác từ trước đó".
Tại tòa chiều ngày 17/12, bà Kolmakova Ekaterina Valerievna, vợ ông Phạm Nhật Vũ cho biết, ông Vũ đã nhận thức pháp luật, về nhà động viên vợ con, gia đình, khắc phục, không để cho nhà nước thiệt hại. Ông Vũ không trốn tránh, không bỏ trốn và việc khắc phục tiền cho nhà nước để chứng minh mình không lấy tiền của nhà nước, của người dân. Để khắc phục số tiền trên, hiện vợ chồng ông Vũ và bà Kolmakova vẫn mang nợ số tiền gần 1000 tỷ đồng.
Vu AVG-Mobifone: Ong Pham Nhat Vu khong de Nha nuoc thiet hai, thanh khan... co duoc “khoan hong dac biet“?
 Các bị cáo tại phiên xét xử.
Cho rằng, việc chồng dám chịu trách nhiệm, đã rất thành tâm, quyết tâm sửa chữa những sai lầm đã làm, bà Kolmakova Ekaterina Valerievna mong HĐXX xem xét chính sách khoan hồng thật đặc biệt vì ông Vũ đã chủ động khắc phục hậu quả, chịu trách nhiệm.
Dư luận đặt câu hỏi, ông Phạm Nhật Vũ không để Nhà nước thiệt hại, thành khẩn... có được "khoan hồng đặc biệt"?
Trong bản Kết luận điều tra số 73/C03-P14 ngày 31/8/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã đề nghị: “quá trình truy tố, xét xử xem xét các tình tiết giảm nhẹ, áp dụng chính sách hình sự đặc biệt phù hợp khi lượng khung hình phạt đối với bị can Phạm Nhật Vũ”.
Tại Cáo trạng số 89/CTr-VKSTC-V3 ngày 17/10/2019, Viện KSND Tối cao không nêu về việc này song ghi nhận Phạm Nhật Vũ có "những tình tiết giảm nhẹ đáng kể", cần áp dụng đầy đủ, triệt để các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 để quyết định mức hình phạt cho bị can Vũ.
Cụ thể, mặc dù không phải chịu trách nhiệm chính về các hậu quả thiệt hại của MobiFone do hành vi phạm tội vi phạm về đầu tư công của Nguyễn Bắc Son và đồng phạm gây ra, nhưng trước khi khởi tố vụ án, Phạm Nhật Vũ đã chủ động, tích cực khắc phục toàn bộ số tiền thiệt hại cho MobiFone gồm 8.445 tỷ đồng tiền chuyển nhượng cổ phần và 329 tỷ đồng là số tiền lãi phát sinh chi phí liên quan đến dự án.
Đồng thời, Phạm Nhật Vũ đã tích cực phối hợp cung cấp tài liệu để Cơ quan điều tra làm rõ hành vi của các bị can vi phạm về đầu tư công, cũng như hậu quả của vụ án. Do đó, không xử lý trách nhiệm của Phạm Nhật Vũ về hành vi này.
Trong quá trình điều tra vụ án đưa và nhận hối lộ, Phạm Nhật Vũ đã có đơn tự nguyện khai báo và đầu thú về hành vi phạm tội, nhận thức rõ và ăn năn hối lỗi về hành vi phạm tội; tích cực khai báo và hợp tác với Cơ quan điều tra, Viện KSND Tối cao để làm rõ hành vi phạm tội của các bị can nhận hối lộ, giúp cho cơ quan tố tụng sớm kết thúc điều tra vụ án. Ngoài ra, bị can Phạm Nhật Vũ có nhiều hoạt động từ thiện và đóng góp cho hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội và các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Cao Bằng có đơn đề nghị xem xét cho Phạm Nhật Vũ được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.
Với những tình tiết giảm nhẹ đáng kể như trên, Viện Kiểm sát xác định, cần áp dụng đầy đủ, triệt để các quy định tại Điều 3, khoản 1, điểm d – Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về nguyên tắc xử lý “khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, ăn năn, hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra”. Đồng thời, cần áp dụng Điều 51, khoản 1, 2 (về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự) và các quy định khác của Bộ luật Hình sự năm 2015 để xem xét quyết định mức hình phạt tương xứng với những tình tiết giảm nhẹ nêu trên của bị can Phạm Nhật Vũ.
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, theo nội dung vụ án, bị cáo Phạm Nhật Vũ đã bị khởi tố, truy tố và đưa ra xét xử về tội đưa hối lộ theo quy định tại khoản 4 điều 364 Bộ luật hình sự năm 2015.
Trong quá trình xét xử, bị cáo Phạm Nhật Vũ sẽ được Tòa án xem xét các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ để ra phán quyết cuối cùng. Điều này ảnh hưởng đến hình phạt áp dụng đối với bị cáo.
“Tình tiết giảm nhẹ trong hình sự hay người dân thường gọi là chính sách khoan hồng là các chi tiết được cân nhắc để giảm nhẹ mức xử phạt khi xử lý các hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Pháp luật hình sự Việt Nam hiện nay không có khái niệm và quy đinh nào về “khoan hồng đặc biệt” mà chỉ có quy định về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự”, Luật sư Tùng cho biết.
Theo quy định tại Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về các tình tiết giảm nhẹ bao gồm 21 tình tiết giảm nhẹ từ điểm a) đến điểm x). Trong đó, có các tình tiết giảm nhẹ tiêu biểu như người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả; người phạm tội tự thú; người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải…
Ngoài ra, tại Khoản 2 Điều 51 cũng quy định mở rộng hơn về việc xác định và áp dung tình tiết giảm nhẹ như sau: Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.
Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, ngoài các tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 thì vẫn có thể áp dụng các tình tiết khác, tuy nhiên việc này phụ thuộc và sự xem xét và nhận định của HĐXX vụ án. Khi áp dụng tình tiết giảm nhẹ ngoài khoản 1 Điều 51 thì Tòa án xét xử phải ghi rõ lý do trong bản án hay chính là công bố và giải thích khi áp dụng tình tiết đó.
Hiện nay, chưa có quy định cụ thể để xác định tình tiết giảm nhẹ khác là gì, nhưng tại Công văn 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019 về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử, trong đó hướng dẫn áp dụng một số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong Bộ luật Hình sự 2015 thì có hướng dẫn tham khảo nghị quyết số 01/2000 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về vấn đề này.
“Đối với bị cáo Phạm Nhật Vũ thành khẩn khai nhận, tự nguyện chủ động khắc phục hậu quả để giảm bớt thiệt hại cho Nhà nước thì sẽ được hưởng các tình tiết giảm nhẹ theo quy nêu trên. Nếu trong quá trình xét xử bị cáo Vũ, Tòa án có những chứng cứ khác và có nhận định tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Vũ theo tinh thần của nghị quyết số 01/2000 cuảt HĐTP TANDTC thì có thể được xem xét thêm”, Luật sư Hoàng Tùng cho biết.
>>> Mời độc giả xem video Xét xử thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG:

Nguồn VTC1.

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)