Ca nô bị nạn là tài sản của Biên phòng
Vụ án Chìm ca nô ở huyện Cần Giờ, TP HCM từng được Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an TP HCM đề nghị ra quyết định chuyển vụ án cho Cơ quan điều tra Hình sự của Bộ Quốc phòng.
Trong vụ án này, hai ông Vũ Văn Đảo – Giám đốc Công ty Việt Séc và Đinh Văn Quyết – Giám đốc Công ty Vũng Tàu – Maria bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn.
|
Ông Vũ Văn Đảo khẳng định mình vô tội, bị truy cứu trách nhiệm hình sự oan sai. |
Văn bản số 460/CV-CSĐT-PC44 ngày 14/5/2014 cho biết, những căn cứ xác định thuộc thẩm quyền điều tra vụ án của Cơ quan điều tra hình sự thuộc Bộ Quốc phòng.
Theo đó, công tác điều tra đến nay đã chứng minh được hành vi phạm tội của hai bị can Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết nhưng còn nhiều tình tiết liên quan đến thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra quân đội mà Cơ quan CSĐT không có chức năng điều tra xác minh.
Đó là, ca nô bị nạn BP 12-04-02 là tài sản của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và đang được Ban chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa – Vũng Tàu quản lý.
Ca nô BP 12-04-02 được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mua bằng hợp đồng kinh tế, được Công ty Việt Séc bàn giao cho Biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa – Vũng Tàu vào ngày 10/6/2013, thanh toán tiền qua ngân hàng vào ngày 11/6/2013, được cơ quan đăng kiểm Quốc phòng cấp giấy chứng nhận đăng kiểm và số hiệu BP 12-04-02 là của binh chủng Bộ đội Biên phòng.
Sau khi bàn giao, ca nô BP 12-04-02 thường xuyên neo đậu tại cầu phao của Công ty Việt Séc mà không có văn bản nào của Biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa – Vũng Tàu giao lại cho công ty Việt Séc. Đến ngày 4/8/2013, sau khi xảy ra tai nạn, Biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa – Vũng Tàu mới lập văn bản bàn giao cho Công ty Việt Séc sửa chữa.
Hành vi sử dụng tài sản Quốc phòng là phương tiện tuần tra vào việc vận chuyển hành khách, gây thiệt hại cho quân đội cần được điều tra làm rõ để xử lý.
Ca nô BP 12-04-02 đã được Phòng Đăng kiểm Hải quân cấp giấy chứng nhận đăng kiểm ghi sai tên vật liệu kết cấu thân tàu. Hành vi sai phạm trong việc đăng kiểm ca nô BP12-04-02 không thể tách rời khi xử lý hành vi phạm tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn”.
Sau khi xác định vụ án hình sự thuộc thẩm quyền điều tra của Bộ Quốc phòng, Cơ quan điều tra Công an TP HCM quyết định đề nghị chuyển vụ án sang Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng.
Tuy nhiên, Cơ quan điều tra hình sự của Bộ đội Biên phòng không tiếp nhận vụ án. Sau đó, vụ án lại được chuyển cho Cơ quan điều tra Hình sự Hải quân.
Ngày 16/1/2015, Cơ quan điều tra hình sự Hải quân đã có văn bản gửi Cơ quan CSĐT Công an TP HCM khẳng định việc đăng kiểm ca nô BP12-04-02 không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả vụ tai nạn chìm ca nô trên biển Cần Giờ nên quyết định không khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật.
Như vậy, khi cơ quan điều tra hình sự Hải quân không khởi tố vụ án hình sự liên quan đến hành vi đăng kiểm phương tiện thì theo quy định của pháp luật Cơ quan điều tra Công an TP HCM cũng cần đình chỉ điều tra vụ án về hành vi đã khởi tố bị can vì không có vụ án Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, trong bản kết luận điều tra bổ sung mới đây, cơ quan điều tra lại cho rằng, ca nô mang ký hiệu của biên phòng là BP 12-04-02 là tài sản của Công ty Việt Séc (?!). Và hai bị can tiếp tục bị truy tố tội Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn.
Để xoay chuyển chủ sở hữu vật chứng liên quan đến vụ án - ca nô bị nạn, cơ quan điều tra phải mất hơn 3 năm.
Nhưng điều kỳ lạ, vật chứng vụ án đang được cơ quan điều tra Công an TP HCM thu giữ và đưa vào tài liệu tố tụng chỉ là “một chiếc áo phao đã qua sử dụng”.
Vậy phải chăng, ca nô BP 12-04-02 đang là tài sản của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (?!). Và nếu là tài sản của quân đội, ông Vũ Văn Đảo liệu có khả năng để điều động phương tiện này?.
Bị can kêu oan ngay từ khi bị khởi tố
Trong vụ án này, ngay từ khi khởi tố, bị bắt tạm giam, ông Đảo đã kêu oan. Ngay trong biên bản bắt giữ người ngày 24/10/2013, ông Đảo đã nêu ý kiến rằng, mình không phạm tội theo điều 214, Bộ Luật hình sự.
|
Bản tường trình phân tích hành vi của điều 214, Bộ luật hình sự bị bỏ ngoài tai. |
Trong quyết định gia hạn tạm giam ngày 28/5/2014, phần nêu ý kiến, ông Đảo tiếp tục kiến nghị: “Tôi không phạm tội, tôi đề nghị Viện Kiểm sát hủy bỏ quyết định này và cho tôi được tại ngoại. Tôi cũng đề nghị các cơ quan tố tụng cho tôi quyền khiếu nại và chứng minh vô tội theo quy định của Hiến pháp và pháp luật tố tụng hình sự”.
Trước đó, ngày 20/1/2014, ông Vũ Văn Đảo cũng có bản tường trình gửi cơ quan điều tra Công an TP HCM.
Ông Đảo khẳng định rằng, quyết định khởi tố bị can của cơ quan CSĐT đối với ông và Đinh Văn Quyết theo điều 214 Bộ luật hình sự là chưa đúng pháp luật. Vì tại nạn giao thông là hành vi “vô ý” không ai mong muốn xảy ra. Ông Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết không thể có cùng ý chí để thực hiện một hành vi “vô ý” gây ra vụ tai nạn chìm ca nô trên biển Cần Giờ.
Bên cạnh đó, hành vi phạm tội quy định tại điều 214, Bộ Luật hình sự là hành vi “Cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy rõ ràng không bảo đảm an toàn”.
Chủ thể của tội danh này là chủ phương tiện hoặc người đăng kiểm phương tiện mới có quyền cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông.
Các bị can không phải là chủ phương tiện, cũng không phải là người đăng kiểm phương tiện nên không có quyền “cho phép đưa vào sử dụng phương tiện” quy định tại điều 214, Bộ Luật hình sự.
Tuy nhiên, mọi phân tích của ông Đảo đều bị cơ quan điều tra “bỏ ngoài tai”. Sau hơn 5 năm xảy ra vụ án, cơ quan điều tra Công an TP HCM vẫn cho rằng, ông Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết phạm tội.