Hút cát Sông Hồng
Công ty cổ phần Việt Xuân Mới (Công ty Việt Xuân Mới) được thành lập ngày 12/5/2014 với 5 cổ đông sáng lập gồm: Hồ Anh Tuấn, Ngô Thị Hoa, Nguyễn Thị Thanh Hiếu, Trình Trung Thành và Công ty TNHH Mùa Xuân Mới. Ngành nghề chính của doanh nghiệp này là buôn bán nhiên liệu rắn, lỏng, khi và các sản phẩm liên quan.
Đến tháng 6/2017, 4 trong 5 cổ đông sáng lập đã lần lượt thoái vốn khỏi Việt Xuân Mới.
|
Công ty Việt Xuân Mới được chọn làm đối tác mua lại 51% cổ phần của Vinalines tại Cảng Đình Vũ |
Công ty Việt Xuân Mới được biết đến là doanh nghiệp chuyên hút cát trên sông Hồng.
Theo thông tin trên báo Kinh tế đô thị, thời điểm cuối năm 2014 và đầu năm 2015 tại tuyến sông Hồng đoạn khu vực gần xã Minh Châu, Đông Quang, Chu Minh, Thị Trấn Tây Đằng “nóng” lên tình trạng khai thác cát trái phép.
Trước sự việc này, UBND huyện Ba Vì, Công an huyện và UBND các xã đã nhiều lần ra quân kiểm tra xác định ngoài Công ty CP Quảng Tây (trụ sở tại thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì) được cấp phép khai thác cát thì trên địa bàn còn có Công ty CP Việt Xuân Mới đã được Bộ Giao thông vận tải đồng ý về mặt chủ trương cho thực hiện dự án nạo vét luồng thủy Quốc gia, tận thu sản phẩm đoạn cạn Thọ Sơn - Cao Đại - Chu Minh.
Tại thời điểm kiểm tra tháng 1/2015, một số tàu của Công ty CP Việt Xuân Mới đang thực hiện hút cát ở vùng bãi nổi xã Minh Châu đã không xuất trình được giấy tờ liên quan đến dự án. Lực lượng chức năng yêu cầu đại diện Công ty CP Việt Xuân Mới dừng khai thác chờ hoàn thiện xong thủ tục mới được thực hiện dự án.
Cũng trên Sông Hồng, Việt Xuân Mới còn được Cục Đường thủy nội địa giao thực hiện dự án nạo vét duy tu đường thủy nội địa quốc gia kết hợp với tận thu sản phẩm đoạn từ Km184 đến Km188.
Tuy nhiên, ngày 30/12/2016, Cục Đường thủy nội địa đã có Văn bản số 2790 yêu cầu Công ty Việt Xuân Mới: "dừng toàn bộ hoạt động thi công nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa từ ngày 1/1/2017 và chuyển phương tiện, thiết bị khỏi khu vực công trường, tháo dỡ các công trình tạm (nếu có) thuộc phạm vi đê điều và luồng chạy tàu".
Tham gia thâu tóm loạt cảng dự án BOT
Là doanh nghiệp chuyên hút cát trên Sông Hồng, song Việt Xuân Mới lại “nổi tiếng” bằng việc được Vinalines chọn là đối tác bán thỏa thuận 51% cổ phần tại Cảng Đình Vũ.
Công ty cổ phần Cảng Vinalines Đình Vũ có số vốn điều lệ 200 tỷ đồng được thành lập năm 2011 trên cơ sở tiếp nhận chuyển giao từ Vinashin để triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng cảng tổng hợp tại cụm công nghiệp Đình Vũ.
Tính đến thời điểm 31/12/2015, các cổ đông đã góp đủ số vốn cam kết cho Công ty, trong đó Vinalines góp 51% vốn điều lệ (tương đương 10,2 triệu cổ phần). Đáng chú ý, khoáng sản Hợp Thành góp 24,27% vốn điều lệ (tương đương 4,8539 triệu cổ phần) tại cảng này.
Cụ thể, Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn được chuyển đổi từ Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn với vốn điều lệ 404 tỷ đồng. Sau thời điểm cổ phần hóa, Vinalines vẫn còn nắm giữ 75,01% vốn điều lệ công ty này. Số cổ phần ưu đãi của cán bộ công nhân viên trong công ty chiếm 4,81%; cổ phần của công đoàn công ty chiếm 0,19%. Ngoài ra, số cổ phần của nhà đầu tư chiến lược chiếm 12,45% và cổ phần của cổ đông đại chúng chiếm 7,54%. Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của công ty là ông Lê Hồng Thái.
Vào cuối tháng 12/2016, Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết toàn bộ 40,4 triệu cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) với mã QNP.
Đáng chú ý là ngay trước thời điểm niêm yết, Khoáng sản Hợp Thành đã thực hiện bán ra hơn 3,3 triệu cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu tại Cảng Quy Nhơn từ 86,23% xuống còn 78,03% (tương đương 31.533.292 cổ phần).
Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành có vốn điều lệ 460 tỷ đồng với 3 cổ đông là ông Lê Mạnh Sơn giữ 19%, bà Phạm Thị Ngân giữ 36% và ông Lê Hồng Thái giữ 45% còn lại. Người đại diện pháp luật của công ty này là bà Trần Thị Quỳnh Yên.
Bà Trần Thị Quỳnh Yên cũng đồng thời là người đại diện pháp luật của Công ty cổ phần dịch vụ Hàng không Việt Xuân Mới có vốn điều lệ 50 tỷ đồng; công ty này cổ đông lớn nhất giữ 65% cổ phần là Công ty Việt Xuân Mới.
Tháng 3/2017, khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiến hành kiểm tra, thanh tra việc cổ phần hóa tại cảng Quy Nhơn, thời điểm này ông Thái chuyển nhượng 45% vốn tại Công ty Hợp Thành cho bà Trần Thị Quỳnh Yên.
Ngoài việc có liên quan đến thâu tóm hai cảng biển, Công ty Việt Xuân Mới còn liên danh với một số doanh nghiệp khác để thực hiện nhiều dự án BOT khác như: dự án cao tốc Quốc lộ 3 mới đoạn Hà Nội –Thái Nguyên; Dự án BOT nhà ga hành khách quốc tế Cam Ranh.
Cả hai dự án BOT trên đều có bóng dáng của Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh – doanh nghiệp do cháu ông Đinh Ngọc Hệ làm chủ.