Việt Nam sẵn sàng đối phó kịch bản xấu của dịch Covid-19

Google News

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ở các nước láng giềng, Việt Nam đứng trước nguy cơ rất lớn.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định tình hình dịch Covid-19 trên thế giới và khu vực khiến nguy cơ SARS-CoV-2 xâm nhập vào Việt Nam rất lớn. Bộ Y tế đã chủ động, quyết liệt chỉ đạo khu vực Tây Nam bộ tăng cường phòng, chống dịch. Mục tiêu là khống chế, kiểm soát và không luống cuống, bối rối khi xảy ra dịch.

Dịch xuất hiện sẽ tàn khốc hơn

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết trong 24 giờ qua, nhìn bức tranh tổng thể của dịch Covid-19 trên toàn cầu, nhất là tại các nước trong khu vực, ông rất lo lắng.

Trong 24 giờ qua, Ấn Độ đã phát hiện thêm 340.000 ca nhiễm mới. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, bức tranh và bối cảnh dịch bệnh tại Ấn Độ hết sức đáng quan ngại.

Viet Nam san sang doi pho kich ban xau cua dich Covid-19

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long trong chuyến công tác kiểm tra tình hình thực tế tại khu vực Hà Tiên, Kiên Giang. Ảnh: Hoàng Giám.

Tại Campuchia, 600 trường hợp mắc Covid-19 mới được phát hiện. Còn tại Lào, ca nhiễm phát hiện trong 24 giờ qua vượt số lượng cao nhất từ trước đến nay của Việt Nam.

Có thể thấy trên thế giới, tất cả đợt dịch xảy ra lần sau thường lớn hơn, mạnh hơn và tàn khốc hơn lần trước. Với Việt Nam, chúng tôi xác định phải hết sức cảnh giác, tập trung triển khai tất cả biện pháp phòng, chống dịch, tích cực chủ động để làm sao kiểm soát tốt tình hình".

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long

"Nhìn vào bức tranh về tình hình lây nhiễm hiện nay, có thể thấy trên thế giới, tất cả đợt dịch xảy ra lần sau thường lớn hơn, mạnh hơn và tàn khốc hơn lần trước. Với Việt Nam, chúng tôi xác định phải hết sức cảnh giác, tập trung triển khai tất cả biện pháp phòng, chống dịch, tích cực chủ động để làm sao kiểm soát tốt tình hình", Bộ trưởng nói.

Trước tình hình này, trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo và Bộ Y tế liên tục có những cảnh báo việc có thể xuất hiện đợt dịch thứ 4 ở Việt Nam. Bộ Y tế nhận định đây là nguy cơ hiện hữu.

"Chúng ta cũng chuẩn bị các kịch bản trong tình huống dịch xuất hiện ở địa phương hoặc lan rộng. Với khu vực Tây Nam bộ, Bộ Y tế liên tục có những chỉ đạo khẩn, để kiểm soát tốt tình hình dịch tại Việt Nam. Trong đó, người đứng đầu địa phương có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát lây nhiễm trong cộng đồng", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nhiều người chủ quan không đeo khẩu trang

Bộ trưởng Long nhận định Tây Nam bộ là khu vực trọng điểm vì tình hình lây nhiễm SARS-CoV-2 ở Campuchia, khả năng xâm nhập ca bệnh vào Việt Nam. Mặc dù kiểm soát biên giới đường bộ chúng ta đã làm tốt, biên giới trên đường biển lại là thách thức đối với tất cả tỉnh tại khu vực này.

"Vì thế, khi khảo sát Kiên Giang, đặc biệt Hà Tiên, Bộ Y tế thấy phải thành lập bệnh viện dã chiến khu vực này để có thể chủ động và tích cực ứng phó với dịch bệnh khi có kịch bản xấu xảy ra", ông Long cho hay.

Ông cũng nhấn mạnh từ Hà Tiên về TP Rạch Giá cách nhau 100 km, việc đi lại khó khăn. Hà Tiên đang điều trị số ca mắc Covid-19 khá lớn. Ngoài ra, Kiên Giang còn có nguy cơ xâm nhập dịch bệnh từ Campuchia về Việt Nam. Vì thế, Bộ Y tế quyết định thành lập bệnh viện dã chiến tại khu vực này để có thể kiểm soát và điều trị kịp thời các ca bệnh.

Viet Nam san sang doi pho kich ban xau cua dich Covid-19-Hinh-2

Lực lượng chức năng ngày đêm thắt chặt canh giữ biên giới Hà Tiên (Kiên Giang) với Campuchia. Ảnh: Hoàng Giám.

Bộ trưởng Y tế cho biết ông đang rất lo lắng về nguy cơ bùng phát dịch tại khu vực Tây Nam bộ. Vì thế, Bộ Y tế đã thành lập 5 đoàn công tác do Bộ trưởng và 4 Thứ trưởng đến tất cả tỉnh, thành trong khu vực này để rà soát các vấn đề ứng phó với dịch Covid-19 tại từng địa phương.

"Chúng tôi đã chuẩn bị các kịch bản nếu khu vực này xuất hiện ca nhiễm trong cộng đồng; có ca lây nhiễm mà chúng ta không biết; xuất hiện lây nhiễm mạnh trong cộng đồng. Tất cả kịch bản này chúng tôi đều rà soát, đánh giá lại và khuyến cáo các địa phương điều chỉnh trong quá trình kiểm tra", ông Long nhấn mạnh.

Chúng tôi lo lắng, nguy cơ lây nhiễm từ ngoài vào Việt Nam cộng thêm việc một bộ phận người dân lơ là, mất cảnh giác với việc lây nhiễm Covid-19.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long

Bộ trưởng cho biết nguy cơ đáng lo là các biến chủng SARS-CoV-2 tại Ấn Độ và Anh ở Campuchia xâm nhập vào Việt Nam mà chúng ta không biết. Do đó, việc lây nhiễm cộng đồng có thể xảy ra và nguy cơ rất lớn. Ổ dịch nhỏ sẽ trở thành ổ dịch lớn.

Bộ trưởng nhấn mạnh một trong những bài học thành công trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở Việt Nam là sự tham gia chủ động, tích cực của người dân. Tuy nhiên, một tháng qua, Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc Covid-19 tại cộng đồng. Do đó, chúng ta có yếu tố lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Trong đó, nhiều người ra đường không đeo khẩu trang và thực hiện biện pháp 5K của Bộ Y tế.

Viet Nam san sang doi pho kich ban xau cua dich Covid-19-Hinh-3

Bộ trưởng Y tế kêu gọi các địa phương tăng cường kiểm soát, phát hiện nguy cơ dịch lây lan trong cộng đồng. Ảnh: Hoàng Giám.

"Chúng tôi lo lắng, nguy cơ lây nhiễm từ ngoài vào Việt Nam cộng thêm việc một bộ phận người dân lơ là, mất cảnh giác với việc lây nhiễm virus gây Covid-19", Bộ trưởng nói.

Người dân cần thực hiện triệt để 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trong đó, 2 yếu tố quan trọng có thể quyết định làm giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19 là đeo khẩu trang và sát khuẩn tay. Người thuộc nhóm được tiêm vaccine Covid-19 nên tiêm đầy đủ các mũi.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân nếu phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép, cần lập tức báo với chính quyền địa phương. Bởi người nhập cảnh trái phép mắc Covid-19 không được phát hiện ra kịp thời, nguy cơ lây lan ra cộng đồng rất lớn. Điều này hết sức nguy hiểm.

"Chúng tôi cũng đề nghị các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca nhiễm. Càng phát hiện sớm bao nhiêu, càng kiểm soát dịch nhanh chóng bấy nhiêu. Ngoài ra, chúng ta cần chuẩn bị các kịch bản xấu như dịch lan tràn trong cộng đồng trong thời gian rất ngắn để sẵn sàng ứng phó, không lúng túng, bị động", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Laotian Times, tính đến ngày 25/4, tổng số người mắc Covid-19 ở Lào là 247, không có trường hợp nào tử vong. Trong đó, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 88 trường hợp mắc mới, thủ đô Vientiane có số bệnh nhân nhiều nhất (84). Đây là mức kỷ lục kể từ khi dịch bùng phát vào ngày 11/4.

Tiến sĩ Phouthon Muongpak, Thứ trưởng Bộ Y tế Lào, cho biết biến chủng gây đợt bùng dịch lần này có nguồn gốc từ Anh. Biến chủng này có khả năng lây lan mạnh và nguy cơ tử vong cao hơn. Đến nay, 7 tỉnh, thành của Lào bị phong tỏa gồm thủ đô Vientiane, tỉnh Vientiane, Xieng Khouang, Xayaboury, Bolikhamxay, Bokeo, và Phongsaly.

Theo Khmer Times, tính đến ngày 25/4, Campuchia đã ghi nhận tổng cộng 9.359 người mắc Covid-19 tại 22 tỉnh, thành với số người tử vong do đại dịch của nước này là 71. Trong ngày 24/4, nước này ghi nhận 600 ca mắc mới. Cùng ngày, 10 ca tử vong đánh dấu mức kỷ lục về số người chết do mắc Covid-19 ở nước này kể từ khi ca tử vong đầu tiên được xác nhận vào ngày 11/3.

Đợt bùng dịch mới tại Campuchia bắt đầu từ ngày 20/2 xảy ra khi 4 người Trung Quốc nhiễm SARS-CoV-2 trốn cách ly khỏi khách sạn Sokha ở thủ đô Phnom Penh, đi tới nhiều địa điểm, làm lây lan cho nhiều người. WHO xác nhận biến chủng xuất hiện tại Campuchia đợt dịch này là B117, lần đầu được phát hiện ở Anh. Biến chủng này lây lan dễ hơn, có thể gây bệnh nghiêm trọng hơn ở Campuchia.

Theo Bích Huệ và Mai Phương/Zingnews

>> xem thêm

Bình luận(0)