Vì sao ông Phan Văn Vĩnh bị đề nghị cách ly khỏi xã hội?

Google News

(Kiến Thức) - Trong vụ đánh bạc trực tuyến nghìn tỷ, HĐXX cho rằng bị cáo Phan Văn Vĩnh là Tổng cục trưởng đáng lẽ phải đấu tranh phòng chống tội phạm nhưng lại đồng tình cho phạm tội nên cần áp dụng biện pháp cách ly bị cáo khỏi xã hội.
 

Sau 3 tuần xét xử liên tiếp và nghị án, hôm nay (30/11) HĐXX phiên tòa xử ông Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa cùng 90 đồng phạm trong vụ đánh bạc trực tuyến nghìn tỷ sẽ tuyên án.
Trước khi công bố bản án đối với các bị cáo, HĐXX đã đưa ra những quan điểm đánh giá, nhìn nhận trong vụ án này.
Vi sao ong Phan Van Vinh bi de nghi cach ly khoi xa hoi?
Ông Phan Văn Vĩnh (áo đen) được đưa đến phiên xử sáng nay. Ảnh: TPO. 
Xử lý nghiêm, cách ly ông Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa ra khỏi xã hội
Theo Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Thị Thùy Hương, trong toàn bộ diễn biến xét xử tại phiên tòa, mới đầu ông Nguyễn Thanh Hóa không thừa nhận CNC là Công ty bình phong của C50; bản ghi nhớ giữa mình ký với Nguyễn Văn Dương không có giá trị... nên ông Nguyễn Thanh Hóa cho rằng không phải chịu trách nhiệm về hành vi tổ chức đánh bạc.
Gần hết quá trình xét hỏi, ông Hóa bất ngờ thừa nhận hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và giải thích việc phản cung do sức khỏe không tốt ảnh hưởng tới thần kinh.
Nguyễn Thanh Hóa đã bị tước quân tịch, khai trừ Đảng, dù bị cáo có các tình tiết giảm nhẹ, nhưng cần phải xử lý thật nghiêm minh, bình đẳng cần buộc bị cáo phải chịu hình phạt tù giam.
Tòa cho rằng, việc vợ bị cáo Nguyễn Thanh Hóa đã nộp lại 700 triệu đồng thay cho C50 không thuộc trường hợp được hưởng tình tiết giảm nhẹ khắc phục hậu quả nhưng đã thể hiện ý thức của bị cáo đối với hành vi phạm tội.
Đối với ông Phan Văn Vĩnh, có động cơ cá nhân, vụ lợi và đã khiến nhân dân bất bình, giảm uy tín của cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn chưa chứng minh được bị cáo Vĩnh có động cơ vụ lợi.
Phan Văn Vĩnh là Tổng cục trưởng đáng lẽ phải đấu tranh phòng chống tội phạm nhưng lại đồng tình cho phạm tội nên hành vi của bị cáo là đáng lên án nhất so với các bị cáo khác, cần áp dụng biện pháp cách ly bị cáo khỏi xã hội.
Tòa án xét thấy, hậu quả vụ án ngày hôm nay thuộc một phần trách nhiệm của bị cáo nên cần áp dụng biện pháp bổ sung là phạt tiền với Phan Văn Vĩnh mức cao nhất 100 triệu đồng là hợp lý.
Chủ tọa đánh giá, bị cáo Phan Sào Nam cho rằng đã không tính trước việc hệ thống game bài phát triển quá mạnh như trong vụ án. Phan Sào Nam thành khẩn khai báo, thừa nhận hành vi phạm tội và tích cực nộp tiền khắc phục hậu quả.
Đa số các bị cáo còn lại đều nhận tội, không tranh luận với quan điểm của VKSND tỉnh Phú Thọ và mong muốn được giảm nhẹ hình phạt.
Vi sao ong Phan Van Vinh bi de nghi cach ly khoi xa hoi?-Hinh-2
Các bị cáo đứng dậy nghe tòa đưa ra những quan điểm đánh giá, nhìn nhận trong vụ án này.
Nguyễn Văn Dương được miễn tội "đưa hối lộ"
Trong vụ án này, năm 2015, Phan Sào Nam (nguyên Chủ tịch HĐQT công ty VTC online) đề nghị và được Nguyễn Văn Dương (nguyên Chủ tịch HĐTV công ty Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC) đồng ý cùng phát hành phần mềm đánh bạc trực tuyến bằng hình thức game bài, có thể đổi tiền thật thành tiền ảo và ngược lại.
Tổng cộng, sau 28 tháng vận hành game bài, các bị cáo đã xây dựng một hệ thống gồm 25 đại lý cấp 1 và 5.877 đại lý cấp 2 để lôi kéo gần 43 triệu tài khoản tham gia đánh bạc trực tuyến, thu lời bất chính hơn 9.853 tỷ đồng.
Cơ quan truy tố xác định, Dương chỉ đạo nhóm của mình vận hành, đối soát sản lượng doanh thu từ hành vi tổ chức đánh bạc, thu lời bất chính hơn 1.655 tỷ đồng. Số tiền này, Dương khai đã mua cho Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao - C50 một phần mềm trị giá 30.000 USD và tặng 850 triệu đồng; biếu ông Nguyễn Thanh Hóa 22 tỷ đồng; biếu ông Phan Văn Vĩnh 27 tỷ đồng và hơn 1,7 triệu USD…
Vi sao ong Phan Van Vinh bi de nghi cach ly khoi xa hoi?-Hinh-3
Các bị cáo Vĩnh, Hóa, Nam, Dương ngồi hàng ghế đầu.
Theo cơ quan truy tố, Phan Sào Nam giữ vai trò chỉ huy nhóm đối tượng thuộc công ty VTC Online và công ty Nam Việt vận hành game bài tổ chức đánh bạc, thu lời hơn 1.475 tỷ đồng. Có tiền Nam chuyển lòng vòng qua nhiều nấc trung gian sau đó gửi tiết kiệm, đầu tư dự án, mua nhà đất… để “rửa” số tiền do phạm tội mà có. Đến nay, bị cáo đã giao nộp hơn 90% tiền thu lời bất chính.
Qua vụ án, các nhà mạng được hưởng lợi hơn 1.232 tỷ đồng bằng việc phát hành thẻ cào điện thoại gồm Viettel hơn 913 tỷ đồng, Vinaphone hơn 147 tỷ đồng, Mobifone hơn 171 tỷ đồng.
Đối với ông Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa cơ quan tố tụng cho biết, hai ông này có vai trò quyết định việc sống còn của game đánh bạc do Dương và đồng phạm xây dựng. Hành vi của 2 cựu tướng Công an có dấu hiệu bảo kê, nhận hối lộ; trong đó ông Vĩnh có vai trò chỉ huy, ông Hóa là người thực hành tích cực. Nhưng cơ quan chức năng chưa đủ căn cứ khẳng định ông Vĩnh, ông Hóa hưởng lợi cá nhân trong vụ án, hành vi của 2 người dừng ở mức lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Thực hiện chính sách khoan hồng của nhà nước, VKSND tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự cho Nguyễn Văn Dương về tội "Đưa hối lộ".
Các lời khai của Nguyễn Văn Dương cùng những vi phạm của một số tổ chức khác sẽ được tiếp tục làm rõ để xử lý ở giai đoạn sau của vụ án.
Phiên tòa sáng nay làm việc tới 11h30 thì tạm nghỉ. Tới 13h30 hôm nay, HĐXX tiếp tục đánh giá hành vi phạm tội của các bị cáo thuộc đại lý Rikvip và người đánh bạc trực tuyến.
Bản án cụ thể cho ông Phan Văn Vĩnh cùng 91 bị cáo sẽ được tuyên vào chiều nay.
Bảo Ngân

>> xem thêm

Bình luận(0)