Thảo luận tại Quốc hội sáng 4/11, về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019, Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã đề cập tới thảm kịch 39 người thiệt mạng trong xe container ở Anh mới đây, đặc biệt trong số đó các nạn nhân có người Việt Nam.
Đại biểu Cường nói rằng, cả thế giới bàng hoàng trước vụ 39 người chết trong container ở Anh. Càng đau xót hơn khi biết trong số các nạn nhân có công dân Việt Nam và cũng có thể tất cả 39 người đều là người Việt Nam. Đồng thời, vị đại biểu tỉnh Quảng Bình gửi lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình nạn nhân và bày tỏ sự căm phẫn đối với những kẻ phạm tội buôn bán người; tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép.
|
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình.
|
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh,nạn buôn người, đưa người qua biên giới trái phép là vấn nạn chung của toàn thế giới và không dễ giải quyết.
“Trong sự việc này, các cơ quan chức năng Việt Nam đã kịp thời có hành động khởi tố vụ án và phối hợp với nước sở tại để xử lý các công việc liên quan, động viên, chia sẻ gia đình các nạn nhân. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn những kẻ phạm tội phải bị xử lý kịp thời. Phải có những nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc, rút ra bài học kinh nghiệm để không còn những vụ việc tương tự xảy ra", Đại biểu Cường nhấn mạnh.
Ông Cường cũng nêu lên thực tế, nguyên nhân dẫn tới sự việc đau lòng vừa qua là do hành vi lôi kéo, dụ dỗ của những kẻ trong đường dây buôn người, đưa người qua biên giới trái phép cũng như nhận thức hạn chế của các nạn nhân, đồng thời cũng cho rằng, còn có nguyên nhân từ hạn chế trong thực hiện trách nhiệm, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước.
Khẳng định thực trạng người Việt Nam đi lao động chui ở nước ngoài không phải vấn đề mới, Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường chỉ rõ, công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nhằm phổ biến, nâng cao nhận thức cho người dân về mức độ nguy hiểm của những đường dây buôn người, đưa người trái phép qua biên giới còn hạn chế và trách nhiệm này là của chính quyền địa phương.
Bên cạnh đó, Đại biểu cũng cho rằng, việc quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, an ninh biên giới, xuất - nhập cảnh, giải quyết việc làm cho người lao động, tổ chức đưa người dân đi lao động ở nước ngoài theo con đường chính thức... cũng còn hạn chế. Từ đó, Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đề nghị các cơ quan tư pháp trung ương làm rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước trong vụ việc này, đồng thời, cần rút ra bài học kinh nghiệm nhằm kịp thời khắc phục hạn chế, bất cập trong quản lý nhà nước.
|
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An.
|
Tranh luận lại với ý kiến của Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, cho biết đây là sự việc đau lòng, một thảm họa nhân đạo gây chấn động quốc tế trong thời gian qua và nhấn mạnh, đây là vụ việc xảy ra tại nước Anh, do vậy, kết luận về tội danh gì, do nước Anh quy định. Còn ở pháp luật Việt Nam thì hành vi này không phải là buôn người mà là hành vi "tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép" quy định tại điều 349 của Bộ luật Hình sự.
“Hiện nay, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an tỉnh Nghệ An tiến hành khởi tố vụ án và đến ngày 3/11, Công an tình này đã bắt giữ 8 đối tượng có liên quan đến đường dây. Chúng tôi sẽ làm nghiêm và thực hiện theo đúng ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và Quốc hội”, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu nói.
Tranh luận với đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, luật sư Nguyễn Văn Chiến – Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, trường hợp nghi phạm tổ chức đưa người ra nước ngoài trái phép, có thể nhằm mục đích cung cấp những người này cho những nhóm buôn người theo đặt hàng từ trước. Nếu như có hành vi móc nối, thông đồng như vậy là đã có dấu hiệu của hành vi buôn người. Còn nếu không có yếu tố buôn người để thực hiện những loại tội phạm khác như cung cấp cho thị trường lao động bất hợp pháp, thị trường mại dâm, ma túy, mua bán nội tạng thì đó là hành vi tổ chức đưa người ra nước ngoài trái phép.
|
Đại biểu Nguyễn Văn Chiến, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội.
|
Theo luật sư Chiến, dù là buôn người hay tổ chức đưa người ra nước ngoài trái phép, vừa qua, Công an tỉnh Nghệ An cũng đã có biện pháp mạnh mẽ, bắt giữ 8 người có dấu hiệu vi phạm về tổ chức đưa người ra nước ngoài để điều tra. Đây là hành động rất tích cực của cơ quan Công an để ngăn chặn các hành vi buôn người hay tổ chức đưa người ra nước ngoài lao động trái phép.
“Tuy nhiên, vấn đề cả xã hội đang quan tâm và đang đặt ra là trách nhiệm của cơ quan công an thế nào? Trách nhiệm của cơ quan du lịch thế nào, đặc biệt là trách nhiệm của chính quyền địa phương nơi mà những nạn nhân này cư trú, tại sao người dân ra nước ngoài mà không quản lý được. Ngoài ra, cũng đặt ra vấn đề là phải tăng cường phối hợp mạnh mẽ hơn đối với cả các cơ quan chức năng, trong đó có cơ quan công an và đặc biệt cơ quan du lịch, nếu đưa người ra nước ngoài phải quản lý để không xảy ra những vụ việc tương tự”, Đại biểu Nguyễn Văn Chiến nêu ý kiến.
Ngày 4/11, trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội về vụ 39 người chết ở Anh, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, hiện đoàn Việt Nam đã sang đến nơi, đang khẩn trương làm việc với cơ quan chức năng sở tại để khớp nối thông tin, từ đó mới xác nhận được chính xác trường hợp nào đúng, trường hợp nào sai.
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, theo thông tin phản ánh qua Tổng đài Bảo hộ Công dân, trường hợp báo thân nhân mất tích vẫn dừng ở 14 trường hợp.
Đồng thời, nói rằng, một trong những khó khăn của cơ quan chức năng là không phải toàn bộ các nạn nhân đều đi từ Việt Nam, mà nhiều người đi từ nước thứ 3, một số đã đi lao động ở nước khác rồi tìm đường sang Anh, nên kết nối thông tin với thân nhân rất khó.
Về tiến độ xác minh thông tin của phía Anh, ông Bùi Thanh Sơn cho hay, phía bạn rất tích cực và phía Việt Nam cũng vậy. Cảnh sát Essex đã ra thông báo cho biết họ "tin rằng các nạn nhân là người Việt" và phía Việt Nam cũng "thống nhất cao" với khả năng đó. Nhưng để chính xác nhất vẫn phải xác nhận được danh tính, nhân thân của từng người và đây là việc các cơ quan chức năng ưu tiên số một để thực hiện.
"Đoàn Việt Nam phải sang để khớp lại xem có chính xác từng trường hợp không. Không khớp được thì cả hai bên đều không dám công bố", Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nói và cho biết, thực hiện yêu cầu của Thủ tướng là báo cáo vụ việc vào ngày 5/11, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan đang khẩn trương tiến hành, nhưng còn phụ thuộc vào tiến độ thực hiện của cả phía Việt Nam và Anh.
"Thủ tướng đã chỉ đạo bộ Ngoại giao phối hợp với các cơ quan liên quan, trong đó có Bộ Công an, sang để phối hợp với bạn xác minh, thẩm tra, nếu chính thức khớp được thông tin thì sẽ công bố", Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết.
Về tiến độ xác định danh tính các nạn nhân, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, không thể khẳng định được chính xác vì phụ thuộc vào số lượng hồ sơ 2 bên Anh – Việt cung cấp với nhau. Có những trường hợp mà thông tin sinh trắc học chưa thể khẳng định thì phải đối chiếu, xem xét bằng ADN, mức độ phức tạp sẽ cao hơn.