Vì sao hai “ông trùm” giang hồ chết bởi lời kích tướng của đàn bà?

Google News

Trong giai đoạn khó khăn nhất của Năm Cam là phải gồng gánh cho cô vợ bé ở khu gia binh căn cứ Sóng Thần của Thuỷ Quân lục chiến.

Y lui tới các sòng bạc để trổ chút ngón nghề đã học được của anh Bảy Huê Kỳ và cũng tạm sống được. Ba Trình, một chủ sòng lâu đời ở khu Thị Nghè, vốn nổi danh trọng nghĩa khinh tài đã tìm cách giúp đỡ Năm Cam.
Cũng tại sòng bạc này, ông trùm giang hồ Năm Cam đã chú ý đến một tên giang hồ mới lớn chuyên gác sòng cho Ba Trình là Luông “điếc”. Mối quan hệ của Năm Cam với tên này, về sau hết sức chặt chẽ, do Năm Cam phát hiện ra máu liều lĩnh của Luông “điếc” cộng thêm sự trung thành của Luông đã thử thách qua nhiều lần để tỏ ra tin cậy được.
Khôn ngoan cũng thể đàn bà
Báo chí thời ấy cũng ghi lại rằng, Trúc “mẫu hậu” đã sinh cho Năm Cam đứa con thứ năm, một đứa con trai. Về sau, chính Trương Hiền Bảo, tên đứa con này, là đứa con được Năm Cam kỳ vọng sẽ đủ bản lĩnh và thủ đoạn để có thể tiếp quản sự nghiệp giang hồ của mình.
Chỉ vì tin vào lời gái vũ trường mà 2 "ông trùm" giang hồ thanh toán lẫn nhau.(Ảnh minh họa) 
Đó là chuyện sau này, còn lúc bấy giờ, gánh nặng năm đứa con với Trúc, Thọ - con chị Tư Xẩm và hai đứa con với Mai, đã làm cho Năm Cam phải xoay sở đủ các kiểu hầu có thể duy trì được cuộc sống tạm gọi là sung túc cho cả ba gia đình.
Ông trùm Năm Cam đã thôi là một tên anh chị có máu liều lĩnh từ lúc rút ra được các bài học nhãn tiền của các bậc đàn anh. Y nghiệm ra được một điều, để có thể tiến lên vị trí số 1 của giang hồ không khó, nhưng có thể giữ được sự an toàn cho bản thân ở vị trí ấy, tất cả những kẻ đi trước đã không làm được.
Vụ bắn nhau giữa băng người nhái và băng nhảy dù đã làm cho Năm Cam quyết định sẽ không bao giờ trực tiếp đối đầu với bất kỳ ai, dù có ở vị thế kém cỏi hơn y.
Lúc đó, khoảng hơn 30 quán bar ở đường Tự Do (Đồng Khởi bây giờ) và dọc mé sông Sài Gòn, đều phải đóng hụi chết cho nhóm người nhái, một đơn vị lính đánh thuê của Hải quân, do Châu Nhị cầm đầu. Hàng loạt tên tuổi dưới trướng của Châu Nhị đều là tay dữ dội: Tầm nhái, Tòng bác sĩ, Trọng Tấn..v..v.
Sở dĩ bọn này có thể tác yêu tác quái vì một lý do đơn giản: Nguyễn Cao Kỳ, phó tổng thống, đã sử dụng Châu Nhị, một võ sĩ huyền đai nhị đẳng Thái Cực Đạo, làm cận vệ. Máu của anh chàng du đãng trường Bưởi đã làm cho Kỳ, dù đã được đỉnh cao của quyền lực, vẫn thích vai trò của một người hùng theo kiễu giang hồ du đãng.
Quyền lợi của băng người nhái do băng Châu Nhị cầm đầu, bòn rút từ các sàn bar nhan nhản ở khu trung tâm Sài Gòn, từ các đầu mối buôn bán heroin cho lính Mỹ và sau này là do giới dân chơi thủ đô, từ những phi vụ đổi tiền dolla xanh đỏ. Số tiền kiếm được đủ để cho toàn bộ những tay máu mặt giang hồ này ăn chơi trụy lạc và bao nhân tình là các cô vũ nữ, chiêu đãi viên sàn bar hoặc những cô tiểu thư con nhà gia thế nhưng thích một cuộc sống thiêu thân.
Băng nhảy dù tôn Hợi “điên” lên làm người cầm trịch vì y gan dạ, liều mạng một cách rất du côn. Tuy lực lượng có phần bùng hậu hơn, vì tập trung được những tên nhảy dù xem mạng sống như trò đùa, nhưng quyền lợi của băng Hợi “điên” không được như băng người nhái.
 "Trùm giang hồ" Năm Cam và đồng bọn.
Có hai lý do cho việc này: Băng nhảy dù, từ lúc được đương kim tổng thống tin cậy, rút về luân phiên bảo vệ dinh Độc Lập với quân số cả tiểu đoàn, mới có cơ hội tiến công vào khu trung tâm Sài Gòn với toàn bộ những thứ ăn chơi thời thượng dành cho những kẻ lắm tiền dư thì giờ.
Trâu chậm uống nước đục, những nơi béo bở đã lọt hết vào những tay anh chị đứng chân từ lâu, còn lại Hợi “điên” và các chiến hữu, chỉ còn những xương xẩu vụn vặt.
Kế đến, lực lượng hải kích tức là người nhái hải quân, với đặc trưng của công việc, đều được cấp súng gắn để lúc nào cũng kè kè bên hông, đủ để làm nản lòng những tay anh chị khét tiếng vốn thành danh từ mã tấu, dao lê. Trong khi đó, những đơn vị tác chiến trực tiếp, kể cả binh chủng nhảy dù vốn được xem là con cưng của quân đội miền Nam, cũng chỉ được cấp Colt 45 với cỡ nòng 11 ly 42, cho cấp chỉ huy đại đội và quản lý khá chặt chẽ. Chẳng lẽ mỗi khi có chuyện đụng độ lại vác M79 hoặc M16 đi thanh toán nhau ngoài phố xá!
Ả giang hồ đưa hảo hán khoác áo lính vào chỗ chết
Như bao chàng trai tứ chiếng khác, Hợi “điên” cũng có cho mình một ả giang hồ gọi là bà vợ. Và cũng theo thói thường, ả suốt ngày ca cẩm với Hợi về việc “thua chị kém em”.
Hợi điên lao vào cuộc tranh chấp không ngừng nghỉ với các hảo hán khác cũng vì một phần về việc này. Sự so kè tranh chấp ngấm ngầm quyền lợi các băng tuy chưa xảy ra vụ đụng độ nào lớn nhưng cũng làm cho tất cả những tay giang hồ khoác áo lính phải cảnh giác.
Cuối cùng thì tất cả vui vẻ chấp nhận một giải pháp ôn hoà. Hợi “điên” đồng ý sẽ đi gặp Châu Nhị để cùng nhau chia chác quyền lợi. Mảnh đất Sài Gòn quá màu mỡ và quá rộng lớn, đủ để nuôi sống toàn bộ giới giang hồ, vấn đề là phải có phương pháp thương lượng, phân chia sao cho sòng phẳng mà thôi!
Nhưng người đàn bà giang hồ của Hợi lại là kẻ duy nhất phản đối biện pháp thương lượng hoà bình. Ả ngon ngọt nỉ non với gã trung uý nhảy dù khét tiếng táo tợn, hung bạo:
- Bọn người nhái đâu phải là đối thủ của anh? Anh nhận chia chác với bọn nó làm gì? Bọn nó sợ băng của anh mới phải lùi bước, sau này có cơ hội, dễ gì bọn nó tha anh? Thằng Châu Nhị, anh tin được ở nó sao?
Nghe “con cáo trên cành táo” ton hót, Hợi “điên” đâm ra nghĩ ngợi. Thấy có vẻ chồng đã xuôi tai, ả bồi luôn một chiêu “khích tướng” :
- Chi bằng, bây giờ bọn nó tưởng anh đồng ý hòa hoãn sẽ mất hết cảnh giác, anh đem lực lượng của anh lên tẩy sạch bọn nó là xong! Đất Sài Gòn này, ai dám đứng ra đối đầu với anh? Lúc đó, anh tha hồ vùng vẫy để trở thành “đệ nhất giang hồ Sài Thành”…
Đúng vào cái ngày định mệnh điên khùng ấy, Hợi “điên” khoác lên mình chiếc áo giáp chống đạn và mang theo khẩu súng tiểu liên tiến công CAR15, thường được lính miền Nam gọi là M18.
Theo Hợi “điên” trên chiếc xe có gắn đại liên M60 có đầy đủ mặt đám đàn em cộm cán lính dù: Kha, Tám, Thanh… Sau khi cho trinh sát đi thực tế trước để báo lại vị trí của “địch”, Hợi xộc luôn vào phòng trà Tự Do của ca sĩ Khánh Ly làm chủ, chĩa luôn khẩu súng tiểu liên về phía tay trùm người nhái Châu Nhị xiết cò!
Châu Nhị đang ngồi tán gẫu cùng cô thâu ngân với ly whisky trước mặt, vừa thấy Hợi “điên” xộc vào đằng đằng sát khí vội thò tay vào bụng rút khẩu rulaeu nòng trung ra toan chống trả. Loạt đạn 5ly 56 đã quất Châu Nhị gục xuống tại chỗ trên tay còn lăm lăm khẩu súng ngắn!
Vừa nghe đạn nổ, Trọng Tấn và băng người nhái đang ngồi ở bàn gần bar vội lăn luôn xuống đất. Hợi “điên” diệt xong đối thủ vội quay ra cửa… Trọng Tấn, phó tướng của Châu Nhị, với bộ thần kinh bằng thép và phản xạ của một người lính thiện chiến, đã rút kịp súng ngắn giấu trong chiếc áo mưa trên ghế, nã luôn vào gáy của Hợi.
Áo giáp của Mỹ đã không che được phần đầu của gã trung uý nhảy dù, gã ngã xuống trong vòng tay Kha và Thanh. Vừa dìu được chủ tướng ra xe Jeep, Kha phải ngậm ngùi vuốt mắt cho Hợi. Gã sĩ quan nhảy dù khét tiếng du côn đã chết trên tay của đồng bọn bởi một viên đạn rulaeu duy nhứt phá nát phần hậu não.
Thế là ngay trong một ngày, giang hồ Sài Gòn mất “hai con cọp dữ” bởi một nguyên nhân hết sức khôi hài ngớ ngẩn: Vì lời khích tướng của một ả đàn bà giang hồ! Vụ thanh toán đẫm máu ấy của băng nhảy dù và băng người nhái đã làm Năm Cam thức ngộ được nhiều điều.
Y hiểu rằng, đất Sài Gòn màu mỡ có đủ chỗ cho mọi dân giang hồ, nếu còn có thể xử lý ôn hòa để cùng sống, cùng chia chác vẫn tốt hơn thanh toán đối thủ. Khi không còn con đường nào khác, việc sử dụng biện pháp mạnh, phải hết sức khéo léo và phải đến nơi đến chốn mới không bị trả đũa. Thứ hai, y cho rằng: Là một đàn anh, dứt khoát không để lung lạc, sai khiến.
Theo Người Đưa Tin

Bình luận(0)