Bộ Quốc phòng huy động 377.000 người ứng phó bão số 3
Để ứng phó bão số 3, Đại tá Nguyễn Anh Dũng, trưởng Phòng phòng chống thiên tai - Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) cho biết, tổng số lực lượng quân đội trực từ Thanh Hoá, Nghệ An trở ra là hơn 337 nghìn cán bộ chiến sĩ và dân quân tự vệ, hơn 2.300 lượt phương tiện các loại sẵn sàng hỗ trợ cấp uỷ chính quyền và nhân dân các địa phương.
Đại diện của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, các đơn vị tuyến biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hoà đã tổ chức bắn pháo hiệu báo bão tại 38 điểm theo quy định.
Đồng thời phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho hơn 70 nghìn phương tiện; 757 tàu du lịch, tàu khách; 218 tàu vận tải… biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động di chuyển phòng tránh và thoát khỏi khu vực nguy hiểm.
|
Bộ Quốc phòng huy động 377.000 người ứng phó bão số 3. |
Ngoài ra, bộ đội biên phòng các tỉnh thành trong khu vực trên duy trì thường trực 6.884 cán bộ chiến sĩ với 300 phương tiện sẵn sàng xử lý tình huống khi có yêu cầu.
Quảng Ninh điều phương tiện đặc chủng ứng phó bão
Để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của bão số 3, lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh đã chủ động phương án "4 tại chỗ" xử lý mọi tình huống xấu có thể xảy ra khi bão đổ bộ.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện đơn vị đã nhanh chóng triển khai cho các đơn vị thực hiện các biện pháp sẵn sàng ứng phó với bão số 3.
Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh duy trì nghiêm chế độ trực phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra các khu vực có thể xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt nở đất đá, các khu vực bãi thải than; sẵn sàng lực lượng, phương tiện giúp địa phương di dời nhân dân ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
Khi có tình huống phức tạp ảnh hưởng do bão gây ra trên địa bàn, các đơn vị chủ động hiệp đồng với các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn sử dụng lực lượng, phương tiện theo kế hoạch tham gia cứu hộ, cứu nạn; kiểm tra chặt chẽ kho tàng, doanh trại, đặc biệt chú ý kho vũ khí, đạn, thuốc nổ, xăng dầu, khí tài, khu kỹ thuật...
|
Lữ đoàn 170 chủ động làm công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 3. Ảnh: Quangninh.gov.vn
|
Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh đã sẵn sàng lực lượng cơ động ứng phó tổng số 2.744 nghìn người, gồm 450 cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực và 2.294 đồng chí dân quân tự vệ, phương tiện tổng số 41 chiếc, gồm 29 ô tô, 3 tàu và 9 xuồng cứu hộ, kiên quyết không để xảy ra bị động bất ngờ trước mọi phương án.
Đối với các đơn vị của Bộ Quốc phòng, Quân khu 3 đóng quân trên địa bàn huy động 550 cán bộ, chiến sĩ, 34 xe máy, 09 tàu xuồng; Biên phòng tỉnh huy động 155 lượt phương tiện/672 lượt cán bộ, chiến sĩ, 38 phương tiện, bắn pháo hiệu báo bão tại 3 vị trí Vĩnh Thực, Cô Tô, hạ Mai;
Đồng thời, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các đồn biên phòng phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương chủ động, khẩn trương triển khai các phương án phòng, chống bão nhằm hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về con người và tài sản cho nhân dân; vận động tuyên truyền, vận động, kêu gọi tàu, thuyền vào khu tránh trú bão theo quy định, kiên quyết không để người dân ở lại trên tàu thuyền, lồng bè trên biển.
Đồng thời, tăng cường kêu gọi tàu, thuyền đánh bắt ngoài khơi xa vào bờ hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm; tổ chức thông báo, kiểm tra, hỗ trợ bà con ngư dân chằng buộc tàu, bè… Tính đến 10h, ngày 1/8, đơn vị đã tổ chức kêu gọi 8.956/9.040 phương tiện vào vị trí neo đậu tránh bão; 84 phương tiện còn lại cũng đang di chuyển về khu vực neo đậu.
BĐBP tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức bắn pháo hiệu báo bão tại 3 vị trí: Vĩnh Thực, Cô Tô, Hạ Mai, đồng thời, triển khai 155 lượt phương tiện với 672 lượt CBCS phối hợp với chính quyền địa phương triển khai công tác phòng, chống bão.
Lữ đoàn 170 khi nhận lệnh của Bộ tư lệnh Hải quân và Vùng 1 đã khẩn trương chuẩn bị lương thực, thực phẩm, các vật chất cần thiết để ứng phó với cơn bão số 3.
Đúng 08h sáng toàn bộ lực lượng tàu của Lữ đoàn đồng loạt nhổ neo cơ động ra vị trí trú bão của đơn vị. Tại đây, các tàu làm công tác chuẩn bị cho tàu vào neo đậu đúng vị trí quy định, làm tốt công tác chuẩn bị sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn khi có lệnh.
Trên hướng bờ, lực lượng còn lại tiến hành chằng buộc nhà cửa, kho tàng, nhà xe, trạm xưởng, chuẩn bị một trung đội cơ động 30 đồng chí cùng 2 phương tiện sẵn sàng cơ động giúp dân trên địa bàn khu vực Hạ Long.
Ngoài ra, chính quyền các địa phương, doanh nghiệp trong tỉnh cũng đang tích cực thực hiện nghiêm công điện hỏa tốc của UBND tỉnh Quảng Ninh triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với Bão số 3 có thể đổ bộ vào địa phương này.
Ngày 1/8, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã ban hành Công điện 09/CĐ-TWPCTT chỉ đạo ứng phó khẩn cấp bão số 3.
Theo đó, Ban Chỉ đạo Trung ương yêu cầu: Đối với trên biển, tiếp tục rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển để hướng dẫn di chuyển, tránh trú an toàn (kể cả đối với các tàu vận tải và du lịch).
Căn cứ tình hình cụ thể tại địa phương thực hiện việc cấm biển.
Hướng dẫn neo đậu tàu thuyền, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại nơi tránh trú; tổ chức (không để người ở lại trên tàu thuyền khi bão đổ bộ vào).
Tổ chức, hướng dẫn di chuyển, gia cố bảo đảm an toàn giảm thiệt hại đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản, hải sản.
Thứ hai, đối với khu vực ven biển, đồng bằng và đô thị: Rà soát, chủ động sơ tán, di dời dân cư tại các khu vực nguy hiểm, nhất là tại khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở, trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản.
Triển khai các phương án bảo vệ sản xuất, chống úng ngập bảo vệ công trình kết cấu hạ tầng, khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy, kho hàng, hầm lò, các dự án đang thi công ven biển, các công trình cột tháp cao, bãi thải khai thác khoáng sản; bảo vệ đê điều, nhất là các đoạn đê bị sự cố, công trình đang thi công; đảm bảo an toàn hệ thống điện, thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, vật tư để ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố.
Thứ ba, đối với khu vực miền núi, trung du: Rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu khi mưa lớn để chủ động sơ tán, di dời đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
Kiểm tra, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, đang thi công và hồ thủy điện nhỏ.
Chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.