'Nhân viên phục vụ' nhỏ tuổi
Quán bột chiên vỉa hè tại góc đường Phùng Khắc Khoan - Điện Biên Phủ (phường Đakao, quận 1, TP.HCM) đang đông khách.
Hết bàn, nhiều người phải đứng chờ. Một đứa bé bê từng chiếc ghế đặt vào chiếc bàn đang trống. "Con mời cô chú ngồi", cậu bé 4 tuổi nở nụ cười thơ ngây nói với khách.
Chủ quán là một người đàn ông lớn tuổi đang đứng bếp. Ông đang cặm cụi chiên từng mẻ bột. Thằng bé đứng sau lưng ông cầm chiếc khay nhỏ.
Xong mẻ bột nào ông cho ngay vào đĩa rồi đặt lên khay. Cậu bé bồi bàn bê thẳng đến chỗ có người đàn bà đang đứng đợi. Bà bỏ vào đĩa bột một gắp đủ xắt sợi, thằng bé lại tiếp tục đưa đến cho khách đang ngồi chờ.
|
Ông Nguyễn Văn Sắt, 70 tuổi, chủ quán đảm trách việc chiên bột. |
Chúng tôi ngồi ở một góc khuất quan sát. Quán chỉ có 3 người, 2 người lớn và thằng bé. Nó gọi 2 người lớn bằng ngoại. Ông ngoại chiên bột và bà ngoại chế biến gỏi đu đủ khô bò. Nó còn rất bé. Gương mặt nó rất hiền và thơ ngây. Giọng nói nó nhỏ nhẹ và lễ phép...
Khách tiếp tục vào. Những đĩa bột chiên nóng hổi, đĩa gỏi bò khô đều được thằng bé mang đến cho khách. Không những thế, nó còn mang cả nước chấm, đũa muỗng phục vụ khách một cách chu đáo tận tình. Dường như nó là người chạy bàn của quán này.
Ông Nguyễn Văn Sắt (70 tuổi), chủ quán bột chiên cho chúng tôi biết: "Nó là cháu ngoại tôi. Nó tên Nguyễn Thanh Tuấn, năm nay hơn 4 tuổi. Hàng ngày nó theo vợ chồng tôi ra đây buôn bán. Nó xin chúng tôi cho nó được bưng bê cho khách.
Khách cần gì nó lấy. Khách muốn gì nó đáp ứng. Chưa có ai phàn nàn gì về nó mà ngược lại từ ngày nó phụ giúp, chúng tôi toàn nhận được nhiều lời khen hơn".
|
Tuấn múc nước tương để giao cho khách. |
Những lúc quán ế, cậu bé này lấy xe đạp chạy trên các lề đường gặp ve chai thì nhặt về đưa cho bà ngoại dồn lại bán. Tuấn cũng biết đến các nơi có các chú bảo vệ hỏi thăm có chú nào ăn gì nó mang đến.
Tuấn còn nhỏ nhưng rất siêng năng và nhiều sáng tạo. Hàng ngày, cứ 3 giờ chiều cậu bé theo ông bà ra bán hàng đến 10 giờ đêm. Bán xong Tuấn còn phụ bà ngoại rửa chén bát, dụng cụ nấu nướng rồi mới trở về nhà.
Ông Sắt kể tiếp: "Có lần nó nghịch ngợm gì đó bà ngoại định phạt nó. Nó bù lu bù loa, ôm lấy bà ngoại mếu máo nói: "Ngoại ơi, con không có mẹ con không có cha. Con chỉ có ngoại thôi, ngoại đừng phạt con nghe". Nghe nó nói thế bà ngoại nào mà nỡ phạt nó. Bà cháu ôm nhau cùng khóc".
|
Cậu bé bê đồ ăn cho khách. |
Tuấn ở với vợ chồng ông Sắt khi còn đỏ hỏn. Mẹ nó bỏ đi. Cha nó không nhìn. Nó lớn lên trong tình thương của ông bà. Họ rất thương nó vì nó là một đứa trẻ rất ngoan. Nó nhỏ nhưng nó hiểu được nỗi khổ của ông bà nên khi làm gì được là nó làm ngay. Hết hè này nó sẽ tiếp tục đi học và nó chỉ có thể phụ ông bà sau khi tan học.
"Nhìn thằng bé trong lòng chúng tôi xót xa vô cùng. Tuổi này là tuổi ăn, tuổi chơi, chưa có ý thức vậy mà nó hiểu. Nó biết đỡ đần cho ông bà, trở thành người phục vụ bàn nhỏ tuổi nhất thành phố", ông Sắt cho biết.
Công dưỡng nặng hơn công sinh
Quán đã vơi khách. Ông Sắt tiếp tục câu chuyện. Ông kể, ông vốn là cán bộ quân đội, ra quân năm 1988. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Liên Hoa công tác trong ngành xăng dầu. Vợ chồng ông có 2 con trai.
Năm 1990, ông và 2 người bạn hợp nhau mở quán bột chiên này. Hồi ấy, mới mở nhưng đông khách vô cùng. Hàng ngày, 7 chảo cùng đỏ lửa một lần. Nhưng sức bán ngày càng giảm, 2 người bạn tách ra riêng. Còn ông bây giờ một mình một chảo.
|
Tuấn đứng sau cầm khay chờ ông. |
Một đêm nọ trong lúc bán hàng bất chợt ông nhìn thấy dưới gốc me có một người đàn bà bế đứa bé ngồi nhìn ra đường. Người ấy có ý định bỏ đứa bé tại đây, ai nhặt về nuôi thì nhặt. Ông bà tìm đến xem thì đó là một bé gái 9 tháng tuổi. Bà vốn không con gái nên rất thích đứa bé này và nhận nuôi nó.
Đứa bé được ông bà đặt tên Nguyễn Thị Thùy Dương và nuôi lớn cho ăn học. Thế nhưng càng lớn Thùy Dương càng không thích học. Đến năm lớp 11, bà Hoa phát hiện Dương có triệu chứng bất thường. Khi hỏi ra thì biết cô gái đã có thai 6 tháng. Cha đứa bé cũng là bạn cùng lớp với Dương nhưng nhà trai phủ nhận trách nhiệm.
Đứa bé ấy là Tuấn. Tuấn được 15 tháng tuổi, mẹ cậu bé bỏ đi biệt tích. Vợ chồng ông Sắt vừa buôn bán vừa nuôi cháu rất cực khổ. Hai năm trước, mẹ Tuấn có về nhưng đứa trẻ không chịu gần gũi. Mẹ cậu bé tiếp tục đi biền biệt đến nay.
Tuấn lên 2 bị suy dinh dưỡng, vợ chồng ông Sắt phải gửi cháu vào Trung tâm bảo trợ trẻ em thiệt thòi trong suốt 2 năm. Mỗi tuần họ đón cháu về 2 ngày thứ 7 và chủ nhật. Gần đây Tuấn đã khỏe và đã học xong lớp chồi. Cháu được cho về và ông Sắt tiếp tục xin cho cậu bé vào lớp lá gần nhà.
"Tuấn là một đứa bé rất ngoan, chăm chỉ. Chúng tôi để cháu phụ việc vào những lúc nghỉ học chỉ để cháu quen với lao động, bớt thời gian rảnh rỗi tránh thói hư tật xấu", ông Sắt nói.
Chúng tôi hỏi Tuấn:
- Con biết mẹ không?
- Dạ, không, thằng bé trả lời.
- Con biết ba không?
Tuấn lắc đầu.
- Con thương mẹ thương ba không?
- Dạ, có.
- Thương ngoại không?
- Dạ, thương.
Dù không cùng huyết thống nhưng ông bà Sắt đã thương yêu Tuấn, nuôi dưỡng cháu như một đứa cháu ruột. Công dưỡng nặng hơn công sinh. Nhìn Tuấn bây giờ, chúng tôi tin cháu sẽ nên người, sẽ không phụ lòng ông bà đã thương yêu cháu.