Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh diễn ra sáng 7/11, việc bán 34% cổ phần nước sạch Sông Đuống cho tỷ phú Thái Lan trở thành vấn đề nóng khi đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn.
Cụ thể, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) bày tỏ sự lo ngại về tình trạng nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần Công ty nước sạch Sông Đuống và nói rằng, nước là một cái vấn đề an ninh quan trọng thậm chí hơn cả lương thực. Do vậy, việc thoái vốn Nhà nước toàn bộ đến 100% là rất có vấn đề.
Đồng thời, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề cập đến việc tỷ phú Thái Lan mua đến 34% cổ phần của Nhà máy nước sạch Sông Đuống lớn nhất Việt Nam và cho rằng cần xem xét lại chủ trương này. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, không nên thoái vốn mà giữ cổ phần chi phối.
Dư luận đặt câu hỏi, việc doanh nghiệp nước ngoài mua cổ phần công ty nước sạch cụ thể là tỷ phú Thái Lan thâu tóm 34% vốn Nhà máy Nước mặt sông Đuống có thể sẽ mang lại những hệ lụy gì?
|
Nhà máy nước mặt Sông Đuống. |
Trao đổi với PV Kiến Thức về vấn đề này, Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, từ khi xảy ra vụ ô nhiễm nguồn nước sạch sông Đà gây ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn hộ dân của TP Hà Nội, tôi cho rằng, vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước để người dân cả nước sinh hoạt là điều cực kỳ tối quan trọng.
“Chúng ta có thể thiếu điện một trong hai ngày nhưng không thể thiếu nước sạch. Nước sinh hoạt đối với cuộc sống người dân là rất quan trọng, phải cần hàng ngày để sử dụng. Cho nên nếu nguồn nước bị ô nhiễm, thậm chí có kẻ xấu phá hoại đầu độc nguồn nước từ đầu nguồn thì hết sức nguy hiểm”, Đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết.
Do vậy đại biểu Hòa cho rằng, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào các nhà máy nước sạch như việc tỷ phú Thái Lan thâu tóm 34% vốn Nhà máy Nước mặt sông Đuống để đầu tư và cung cấp nước cho người dân, chúng ta cũng phải hết sức cảnh giác.
“Tôi cho rằng, vấn đề an ninh nguồn nước là cực kỳ quan trọng. Chúng ta phải bảo vệ tuyệt đổi để đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người dân. Việc doanh nghiệp nước ngoài đầu tư nước sạch để cung cấp cho người dân Việt Nam tôi cho rằng, các cơ quan chức năng cần phải quan tâm, giám sát, kiểm tra thật kỹ, không để xảy ra tình trạng phá hoại ảnh hưởng đến sức khỏe người dân”, Đại biểu Hòa nêu ý kiến.
Đại biểu Hòa cho rằng, chúng ta không nghĩ những doanh nghiệp nước ngoài đó là xấu, hơn nữa chúng ta đang kêu gọi đầu tư. Trong khi hiện nay nước sạch hầu như là độc quyền của một số doanh nghiệp để thực hiện nhiệm vụ đó.
“Tôi cho rằng, nếu có các doanh nghiệp đầu tư để cung cấp nước sạch cho người dân để có một sự cạnh tranh thì đó là việc tốt. Tuy nhiên, doanh nghiệp nào đầu tư, thực hiện ra sao thì phải hết sức cảnh giác để đảm bảo an ninh quốc gia, chủ quyền quốc gia và sức khỏe tính mạng, tài sản của người dân”, Đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết.
Trước đó, khi sự cố ô nhiễm nguồn nước sạch sông Đà còn chưa lắng dịu thì thông tin về việc Công ty WHA Utility and Power (thuộc sở hữu của Công ty WHA - Thái Lan) mua lại cổ phần tại Công ty CP Nước mặt sông Đuống thu hút sự chú ý của dư luận.
Cụ thể, thông tin từ Ủy ban chứng khoán Thái Lan cho biết, ngày 8/8/2019, Công ty Cổ phần đại chúng điện và nước WHA (gọi tắt là WHA) - một doanh nghiệp Thái Lan - đã cho phép Công ty WHA Utilities and Power Public Company Limited ký hợp đồng mua bán với ông Đỗ Tất Thắng - một cổ đông của Công ty Cổ phần Nước mặt sông Đuống để mua 33.986.774 cổ phần, tương đương với 34% tổng số cổ phần của Công ty Cổ phần Nước mặt sông Đuống.
Mức giá thỏa thuận giữa hai bên là khoảng 61.000 đồng/cổ phiếu, tương đương số tiền đại diện Thái Lan phải chi ra là hơn 2.073 tỷ đồng cho thương vụ. Chia sẻ từ đại diện doanh nghiệp cho thấy, thương vụ này là bước đi quan trọng của công ty trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh dịch vụ nước sạch ra nước ngoài, đặc biệt là các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Trước khi đại gia Thái này thâu tóm 34% cổ phần, Nhà máy nước sông Đuống có cơ cấu cổ đông sáng lập bao gồm: Công ty nước sạch Hà Nội 10%; Công ty TNHH MTV ứng dụng công nghệ mới và du lịch (Newtaco) 5%; CTCP Đầu tư Việt Nam - Oman (Nhà đầu tư ủy thác góp vốn) 27%; CTCP Nước Aqua One (Nhà đầu tư ủy thác góp vốn) 58%.
Dự án Nhà máy Nước mặt Sông Đuống nằm ở Khu vực xã Phù Đổng & Trung Mầu, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Đây là nhà máy có quy mô cấp nước vùng, với tổng công suất: 900.000 m3/ngày đêm; Tổng công suất dự kiến: 1.200.000 m3/ngày đêm.
Giai đoạn 1, dự án có vốn đầu tư là 5.000 tỷ đồng với các cổ đông sáng lập cụ thể như sau: Công ty nước sạch Hà Nội 10%; Công ty TNHH MTV ứng dụng công nghệ mới và du lịch (Newtaco) 5%; Công ty cổ phần Đầu tư Việt Nam - Oman (Nhà đầu tư ủy thác góp vốn) 27%; Công ty cổ phần Nước Aqua One (Nhà đầu tư ủy thác góp vốn) 58%.
Trên trang web chính thức của Công ty Công ty cổ phần Nước Aqua One (Nhà đầu tư ủy thác góp vốn) 58% cũng đã xác nhận việc danh sách cổ đông Công ty cổ phần Nước mặt Sông Đuống đã có sự xuất hiện của WHAUP (SG) 2DR PTE. LIMITED với 34% tỉ lệ sở hữu vốn điều lệ.
Video: Nước sạch sông Đà thu lãi khủng mỗi ngày