Chiều 7/11, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc Thủ tướng đã phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới, nhưng gần 4 năm Bộ Nội vụ vẫn chưa có văn bản, thông tư để hướng dẫn thực hiện, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân một lần nữa “xin nhận khuyết điểm.”
Theo Bộ trưởng, đây là quyết định về chính sách đối với cán bộ người dân tộc có từ tháng 3/2016 và Chính phủ đã giao cho Bộ Nội vụ 8 nhiệm vụ. Đến nay Bộ còn 4 nhiệm vụ chưa làm.
“Tôi sẽ làm bản tự kiểm gửi Thủ tướng tháng 12 năm nay (năm 2019), để nhận trách nhiệm về vấn đề này. Đây là thiếu sót của Bộ Nội vụ, trong đó có trách nhiệm của Bộ trưởng,” người đứng đầu ngành nội vụ thẳng thắn nói.
Không thể tuyển dụng chung người dân tộc với người Kinh
Liên quan đến vấn đề tuyển dụng nêu trên, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết Bộ Nội vụ đã làm việc với một số lãnh đạo của cơ quan liên quan bàn về vấn đề cơ cấu của người dân tộc sắp tới và biên chế đã được giao.
Theo đó, việc thi tuyển dụng công chức, viên chức, dứt khoát người dân tộc không thể tuyển dụng chung với người Kinh. Vì vậy, phải tuyển dụng riêng, tức là tuyển dụng người dân tộc với nhau, và người Kinh với nhau để đảm bảo cơ cấu.
|
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn các câu hỏi của đại biểu Quốc hội. (Nguồn ảnh: TTXVN)
|
“Nếu làm chung thì không được đâu. Kể cả về tiêu chuẩn, điều kiện bồi dưỡng người dân tộc, kể cả trình độ ngoại ngữ cũng phải tính khác chứ không thể tuyển dụng chung một mặt bằng,” Bộ trưởng nhấn mạnh.
Mặt khác, ông Tân cũng hy vọng trong nhiệm kỳ tới, nhất là Đại hội các cấp sẽ phải đảm bảo được tỷ lệ người dân tộc.
“Thực tế hiện nay, hầu hết các tỉnh đều đảm bảo được tỷ lệ người dân tộc trong cơ cấu công chức, viên chức ở cấp tỉnh, thậm chí có những tỉnh đạt tỷ lệ cao,” ông chia sẻ.
Liên quan đến nội dụng câu hỏi của đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ Cao Đình Thưởng, về việc một số cơ quan Trung ương bổ nhiệm chức danh hàm, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết tại Kỳ họp thứ hai của nhiệm kỳ này, Bộ trưởng Nội vụ đã khẳng định Đảng, Nhà nước không quy định “hàm.”
Theo ông Tân, để thực hiện chủ trương này, năm 2017, Chính phủ đã giao cho Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định về hàm thư ký, trợ lý, chuyên viên cao cấp.
Trong ăm 2018, Bộ Chính trị cũng đã giao cho Ban Tổ chức Trung ương chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ tiến hành xây dựng văn bản quy định về chuyên viên cao cấp, chức danh trợ lý, chức danh thư ký, chuyên gia cao cấp... để sớm trình Bộ Chính trị về các chức danh này.
Cũng theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, hiện nay, các Ủy viên Trung ương đều có thư ký nhưng không có chức danh, phụ cấp gì cả và chức danh “hàm” hiện nay có rất nhiều ở các bộ, các cơ quan của Đảng.
“Bây giờ Bộ đang xem xét để chuyển từ chức danh hàm qua thành chuyên gia cao cấp, còn hiện nay không có quy định chức danh hàm,” vị Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thi chuyên viên cao cấp đang gây ra nhiều bất tiện và tiêu cực
Bày tỏ quan ngại về việc tổ chức thi chuyên viên chính và chuyên viên cao cấp, đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ Cao Đình Thưởng cho rằng “không phù hợp và không cần thiết” vì “đang gây ra nhiều bất tiện và tiêu cực.”
Vị đại biểu dẫn chứng, nếu là đại biểu Quốc hội, chức vụ không bé, thậm chí sắp về hưu, đã học lớp học chuyên viên cao cấp lâu rồi, nhưng chỉ vì không có sáng kiến cấp tỉnh, cấp nhà nước nên không được thi.
“Vậy thì với đại biểu Quốc hội, xây dựng pháp luật có được xem là ngang với các đề tài kia không?” ông Thưởng băn khoăn.
Trả lời câu hỏi sau đó, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết từ năm 2021 sẽ thực hiện trả lương theo vị trí việc làm và trả lương theo vị trí chức danh chức vụ lãnh đạo. Cụ thể là, đối với những người có chức danh, chức vụ lãnh đạo, sẽ trả lương theo chức danh tương ứng để giữ ngạch công chức quy định.
“Còn đối với những công chức không giữ chức danh lãnh đạo, quản lý, hiện nay có hai luồng tư tưởng khác nhau. Một là, thi nâng ngạch để hưởng lương. Hai là thi theo vị trí việc làm để hưởng lương theo ngạch,” ông Tân thong tin.
Vị Bộ trưởng cũng cho biết cá nhân ông chọn thi theo vị trí việc làm để hưởng lương theo ngạch, vì đề án của chúng ta là đề án trả lương theo vị trí việc làm. Theo đó, tương đương với vị trí việc làm này sẽ hưởng ngạch chuyên viên cao cấp, tương đương với vị trí việc làm này sẽ hưởng ngạch chuyên viên chính.
"Chúng ta thi tuyển theo vị trí việc làm phù hợp hơn tiến hành thi ngạch. Thi ngạch rồi lại bổ nhiệm, sắp xếp vị trí cao hơn,” ông Tân khẳng định đây là vấn đề cần nghiên cứu kỹ để thể hiện trong Nghị định của Chính phủ sắp tới.
Người đứng đầu ngành Nội vụ cũng cho biết trong dự thảo Luật cũng đặt vấn đề là có hai hình thức, đó là xét hoặc thi. Theo đó, nếu xét trong điều kiện công chức không giữ chức danh quản lý nhưng có thâm niên công tác và có đủ tiêu chuẩn, điều kiện để nâng ngạch với một thời gian nhất định, thì có thể xét nâng ngạch.
"Còn nếu công chức muốn thi vào vị trí việc làm có ngạch cao hơn thì tổ chức thi vào vị trí việc làm để công nhận sẽ cao hơn," ông Tân chia sẻ.
Về đề nghị của đại biểu liên quan đến điều kiện thi chuyên viên cao cấp yêu cầu phải có sáng kiến, đề tài cấp tỉnh, cấp nhà nước được công nhận, ông Tân cho biết Bộ Nội vụ đã tiếp thu, chỉnh sửa lại trong hướng dẫn về vấn đề thi nâng ngạch.
Tuy nhiên, vị Bộ trưởng cũng khẳng định chỉ cần có tham gia đề tài cũng có thể thi chuyên viên cao cấp được. “Nhưng sắp tới, Bộ xin tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội theo hướng càng đơn giản hóa thủ tục hành chính càng tốt,” ông nói thêm.