Tuyên vô tội đối với 2 nữ tiếp viên hàng không bị bắt ở Hàn Quốc

Google News

Hai nữ tiếp viên bị nghi ngờ giấu cần sa dạng lỏng trị giá 300 triệu won (hơn 5,4 tỷ đồng) trong các hộp đựng mỹ phẩm và mang vào Hàn Quốc từ tháng 4/2023.

Ngày 24/11, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng, chống tội phạm ma túy, Trung tướng Nguyễn Văn Viện (Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an) chia sẻ về vụ việc 2 nữ tiếp viên hàng không Việt Nam bị cảnh sát Hàn Quốc bắt giữ hồi tháng 9.
Tuyen vo toi doi voi 2 nu tiep vien hang khong bi bat o Han Quoc
Trung tướng Nguyễn Văn Viện.
Trung tướng Nguyễn Văn Viện cho biết, theo thông tin ông nắm bắt được, tòa án cấp sơ thẩm tại Hàn Quốc đã tuyên vô tội đối với 2 nữ tiếp viên này. Tuy nhiên, nội dung chi tiết về vụ án chưa được thông tin. Trước đó, ngày 6/9, đài MBC (Hàn Quốc) cho biết, Sở Cảnh sát TP Incheon đã bắt giữ 2 nữ tiếp viên trong số 4 thành viên phi hành đoàn của một hãng hàng không Việt Nam vì nghi vấn mang ma túy.
Tuyen vo toi doi voi 2 nu tiep vien hang khong bi bat o Han Quoc-Hinh-2
Sở cảnh sát Incheon. Ảnh: MBC 
Hai nữ tiếp viên bị nghi ngờ giấu cần sa dạng lỏng (tinh dầu cần sa) trị giá 300 triệu won (hơn 5,4 tỷ đồng) trong các hộp đựng mỹ phẩm và mang vào Hàn Quốc từ tháng 4/2023. Khai nhận tại cơ quan cảnh sát, 2 nữ tiếp viên cho biết họ chuyển hàng hộ từ Việt Nam sang Hàn Quốc với tiền công khoảng 68.000 won đến 150.000 won (từ khoảng 1,2 triệu đến 2,7 triệu đồng) cho mỗi lần chuyển hàng, họ chỉ nhận vận chuyển hàng mà hoàn toàn không biết bên trong là cần sa.
Trả lời câu hỏi của báo chí về sự việc, hãng hàng không Bamboo Airways cho biết sự việc không liên quan đến hãng. Hãng hàng không Vietjet Air cho biết 2 tiếp viên trong phản ánh trên không thuộc phi hành đoàn của hãng.
Cục Hàng không Việt Nam đã ban hành Chỉ thị về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại trong hoạt động của nhân viên hàng không, trong đó yêu cầu các doanh nghiệp có nhân viên hàng không phải quy định trách nhiệm và xử lý kỷ luật người đứng đầu đơn vị và người phụ trách triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả khi để xảy ra vụ việc.
Các doanh nghiệp cần quán triệt sâu sắc đến các nhân viên hàng không thông qua việc huấn luyện về văn hóa an toàn an ninh hàng không về tác hại đối với hình ảnh của đất nước, của doanh nghiệp từ hành vi tiếp tay hoặc tham gia vào vi phạm pháp luật; chủ động tăng cường công tác kiểm soát an ninh nội bộ đối với nhân viên hàng không; quán triệt toàn bộ các nhân sự tham gia dây chuyền vận chuyển hàng không dân dụng nguyên tắc "làm đúng quy trình".
Ngoài ra, hãng bay cần tăng cường công tác truyền thông để mọi người hiểu đúng, hiểu rõ, không tham gia, tiếp tay, giúp sức cho buôn lậu; mạnh dạn tố giác tội phạm về buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại. Cục Hàng không Việt Nam cũng yêu cầu các hãng hàng không Việt Nam tăng cường kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất hành lý của tổ bay trước và sau khi kết thúc chuyến bay, xử lý nghiêm theo quy định, theo nguyên tắc "kiên quyết, kiên trì, thường xuyên và không có vùng cấm" khi phát hiện vi phạm.
Khi có vụ việc xảy ra, hãng hàng không phải chủ động bình giảng vụ việc, đánh giá, rút kinh nghiệm và phổ biến rộng rãi tới tất cả cán bộ, nhân viên trong toàn hệ thống làm bài học để cảnh tỉnh, nâng cao ý thức chấp hành quy định về phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại, đồng thời qua đó rà soát, bổ sung các quy định, kế hoạch để bịt kín lỗ hổng nếu có.
>>> Xem thêm video: Hộp bánh trung thu chứa heroin và muôn kiểu ngụy trang ma túy của tội phạm
  
Gia Đạt

>> xem thêm

Bình luận(0)