Tuổi thọ Luật Đất đai cao nếu xuất phát từ thực tiễn

Google News

GS.TS Phạm Văn Điền, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp nhận định, Luật có tuổi thọ cao khi xuất phát và giải quyết được các tình huống từ thực tiễn.

Cần xem lại việc sử dụng từ ngữ
Tại Hội nghị "Lấy ý kiến các tổ chức, nhà khoa học về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)", GS.TS Phạm Văn Điền, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp nhận định, Luật có vào được cuộc sống hay không là do nó có phải là cuộc sống hay không. Khi Luật xuất phát từ thực tiễn và giải quyết tất cả các tình huống khác nhau của thực tiễn thì Luật sẽ có tuổi thọ cao.
Tuoi tho Luat Dat dai cao neu xuat phat tu thuc tien
 GS.TS Phạm Văn Điền, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp.
Góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), GS.TS Phạm Văn Điền cho rằng, việc sử dụng từ ngữ rất quan trọng. Dự thảo Luật còn tồn tại một số điểm bất cập, chưa hợp lý. Cụ thể, tại Khoản 2, điều 3 có nêu: “Bản đồ hiện trạng sử dụng đất là bản đồ thể hiện sự phân bố các loại đất tại một thời điểm xác định, được lập theo từng đơn vị hành chính”. Trong khi thực tiễn sử dụng đất có thể đúng theo quy hoạch hoặc không theo quy hoạch. Cho nên, đây điều không hẳn đúng với thực tiễn, cần phải xem lại.
Hoặc tại điều 10, về Phân loại đất, chia làm 3 nhóm gồm: Đất nông nghiệp (khoản 1), Đất phi nông nghiệp (khoản 2), Đất chưa sử dụng (khoản 3). Vậy khi khoản 1, khoản 2 đã nói rõ rồi, thì khoản 3 (Đất chưa sử dụng) trước hết sẽ phải là: Không thuộc một trong hai loại đầu, sau đó mới có các quy định thêm, để các quy định không “va” vào nhau.
Chẳng hạn, có thể ghi là: Nhóm đất chưa sử dụng là nhóm đất không thuộc quy định tại khoản 1 hoặc 2 của điều này…
Còn bất hợp lý trong các quy định
Về quyền đại diện người chủ sở hữu, GS.TS Phạm Văn Điển cho rằng, Luật Đất đai sửa đổi vẫn còn một số điều bất hợp lý.
Cụ thể, điều 14 “Quyền của Nhà nước là đại diện chủ sở hữu về đất đai” và điều 15 “Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai” về cơ bản đã có những nét đã rõ, nhưng chưa logic với điều 155, 156.
Cụ thể, tại điều 14 và 15, Nhà nước thực hiện quyền đại diện quyền chủ sở hữu về đất đai, trong đó có Quốc hội, HĐND các cấp, Chính phủ, UBND các cấp. Tuy nhiên, ở điều 155, 156 lại chỉ giao cho UBND các cấp quyết định giá đất. Như vậy, quyền của những chính thể kia chưa rõ.
Một điều bất hợp lý nữa, theo ông Điển là UBND cấp tỉnh thành lập hội đồng giá đất, mà không có đại diện HĐND.
Nhà nước với vai trò đại diện chủ sở hữu nhưng lại giao cho cơ quan hành chính nhà nước quyết định chứ không phải do cơ quan đại diện cho dân (Quốc hội, hội đồng nhân dân) quyết định hoặc được tham gia thành phần hội đồng thẩm định giá đất là không hợp lý.
Ông Điển đề nghị, tách riêng quyền đại diện chủ sở hữu giao cho Quốc hội, HĐND; quyền quản lý hành chính Nhà nước thì giao cho Chính phủ, UBND các cấp. Điều này đảm bảo tính độc lập, khách quan và hạn chế quyền lực tập trung vào cơ quan quản lý hành chính như hiện nay.
Một điểm bất hợp lý nữa, theo ông Điền, đó là tại khoản 2, Điều 5 quy định về người sử dụng đất. Với đối tượng là “hộ gia đình”, dự thảo đã làm rõ các nội hàm khái niệm “hộ gia đình sử dụng đất” gồm những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình; có quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, theo Luật Dân sự và Luật Cư trú thì “hộ gia đình” không nhất thiết phải chung quyền sử dụng đất.
“Chẳng hạn giờ nhà có 4 người, cấp theo sổ hộ khẩu thì cả 4 người phải vào sổ đỏ hay mang tính cá nhân? Tôi cho rằng, chúng ta phải xem xét thật kỹ”, ông Điển cho hay.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có phạm vi tác động rộng, liên quan nhiều ngành, lĩnh vực, các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, gắn với toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội.
Qua 10 năm thực hiện, bên cạnh những tác động tích cực, Luật Đất đai cũng bộc lộ những bất cập, do đó, việc sửa đổi toàn diện nhằm khắc phục những bất cập, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Sửa luật để phát triển kinh tế, xã hội, bảo phát huy được nguồn lực, phòng, chống tiêu cực, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai.
“Với tinh thần từ sớm, từ xa, Quốc hội luôn đồng hành với Chính phủ, các cơ quan chuyên môn của Quốc hội phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Chính phủ cùng với các chuyên gia trong từng lĩnh vực để tham gia sửa đổi Luật Đất đai lần này”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nói.
Mời quý độc giả xem video: Quản lý đất đai, chỗ nào cũng sai. Nguồn: VTC Now.

Mai Nguyễn

>> xem thêm

Bình luận(0)