Từ ngày 23/8, toàn bộ người dân tại TP Hồ Chí Minh được “đi chợ hộ”

Google News

Người dân trên toàn TP Hồ Chí Minh thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo tinh thần "ai ở đâu thì ở đó", không đi ra đường, không đi mua hàng trực tiếp. Chính quyền địa phương đảm bảo phương thức phân phối hàng hóa, thực phẩm thiết yếu phù hợp đến người dân.

Người dân tại TPHCM không ra đường, không đi chợ từ 23/8
Ngày 22/8, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng vừa ban hành công văn khẩn về Kế hoạch đảm bảo cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm trong giai đoạn thực hiện biện pháp cấp bách trong phòng, chống dịch từ 23/8 đến 6/9.
Theo đó, người dân trên toàn TP Hồ Chí Minh thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo tinh thần "ai ở đâu thì ở đó", không đi ra đường, không đi mua hàng trực tiếp. Chính quyền địa phương đảm bảo phương thức phân phối hàng hóa, thực phẩm thiết yếu phù hợp đến người dân.
Tu ngay 23/8, toan bo nguoi dan tai TP Ho Chi Minh duoc “di cho ho”
 Từ 23/8, người dân trên toàn TP Hồ Chí Minh thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo tinh thần "ai ở đâu thì ở đó", không đi ra đường, không đi mua hàng trực tiếp. 
TP dự kiến phải cung cấp hàng thiết yếu cho 9,4 triệu dân. Nhu cầu tiêu dùng bình quân 1 ngày dự kiến là 10.964 tấn gồm gạo, lương thực chế biến khô, thịt gia súc, gia cầm, rau củ quả, muối, nước chấm, dầu ăn...
Nhu cầu tiêu dùng bình quân 1 tuần là 76.747 tấn. Nhu cầu tiêu dùng bình quân 15 ngày là 164.460 tấn. Ngoài ra, nhu cầu nước uống là 19 triệu lít/ngày; khẩu trang là 628.969 cái/ngày; nước sát khuẩn loại 0,5 lít là 239.596 chai/ngày.
Đặc biệt, theo công văn này, người dân ở “vùng xanh” sẽ không còn được đi chợ 1 lần/tuần như thông báo hôm 21/8.
Thay vào đó, tổ hậu cần địa phương, Tổ COVID-19 cộng đồng, lực lượng tình nguyện, công an, quân đội sẽ thực hiện "đi chợ hộ" cho người dân với tần suất 1 lần/tuần và phân phối trực tiếp đến người dân (người dân trả tiền). Đồng thời, người dân khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ được cấp phát túi an sinh miễn phí, đảm bảo không bỏ sót trường hợp khó khăn.
Theo đó, từ ngày 23/8, người dân ở “vùng xanh” TP HCM cũng sẽ không còn được đi chợ 1 lần/tuần như thông báo hôm 21/8.
Triệt để giãn cách xã hội
Ngày 22/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh thông tin về những việc cần triển khai trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Thành phố, từ ngày 22/8 đến ngày 6/9, trong đó tập trung đồng bộ các giải pháp, từ y tế cho đến an sinh xã hội. Cả hệ thống chính trị Thành phố đang dồn sức, dồn lực để kiểm soát, khống chế và hạn chế tối đa tử vong do dịch COVID-19 gây ra.
Theo đó, Thành phố sẽ thực hiện nghiêm “nhà cách ly nhà; tổ dân phố/tổ nhân dân cách ly tổ dân phố/tổ nhân dân; khu phố/ấp cách ly khu phố/ấp; phường, xã, thị trấn cách ly phường, xã, thị trấn”.
Trong ngày 22/8, Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng Sở Nội vụ, Công an Thành phố, Bộ đội Biên phòng Thành phố tham mưu Kế hoạch thành lập Tổ công tác đặc biệt tại các phường, xã, thị trấn có nguy cơ cao (vùng cam) và rất cao (vùng đỏ).
Sở Y tế phối hợp với Sở Tư Thành phố hướng dẫn UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức ra quyết định về việc tiếp tục tăng cường, nâng cao các biện pháp tương xứng với tính chất, mức độ lây lan của dịch bệnh đối với các phường, xã, thị trấn có “vùng cam”, “vùng đỏ”.
UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức ra quyết định về việc tiếp tục tăng cường, nâng cao các biện pháp tương xứng với tính chất, mức độ lây lan của dịch bệnh đối với các phường, xã, thị trấn có nguy cơ cao (“vùng cam”) và rất cao (“vùng đỏ”). UBND phường, xã, thị trấn ra quyết định thành lập các Tổ công tác đặc biệt tại những vùng có nguy cơ cao (“vùng cam”) và rất cao (“vùng đỏ”).
Tu ngay 23/8, toan bo nguoi dan tai TP Ho Chi Minh duoc “di cho ho”-Hinh-2
 
Ngày 22/8, TPHCM triển khai Công văn số 2796 ngày 21/8 của UBND TPHCM về việc tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Áp dụng các phương thức làm việc theo hướng cán bộ, công chức, người lao động của các cơ quan nhà nước làm việc tại nhà; riêng lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch và giải quyết các công việc khẩn cấp có thể áp dụng “3 tại chỗ” hoặc theo phân công luân phiên.
Đáng chú ý, bắt đầu từ ngày 23/8 - 6/9, Thành phố sẽ tiến hành các chốt kiểm tra, lực lượng tuần tra để kiểm tra và xử lý nghiêm những vi phạm.
Hạn chế tối đa tử vong
Đối với các giải pháp y tế, trong ngày 22/8, Trung tâm điều phối xét nghiệm TP Hồ Chí Minh bổ sung vào Kế hoạch xét nghiệm một số đối tượng sau: Nhân viên siêu thị, lái xe vận chuyển hàng hóa, nhân viên cửa hàng thuốc tây, nhân viên Công ty môi trường đô thị, công ty dịch vụ công ích thu gom rác, lực lượng trực các chốt, lực lượng hỗ trợ phòng, chống dịch, nhân viên tại các cửa hàng xăng dầu theo định kỳ 7 ngày/lần.
Đối với công tác tiêm chủng, Thành phố tổ chức tiêm vaccine ở “vùng đỏ” và “vùng cam”, đội tiêm vaccine di động đến tận nhà dân để tiêm, tổ chức đội tiêm ở địa điểm phù hợp, bên trong hoặc sát khu phong tỏa, mời bà con từng hộ gia đình. Tại khu chung cư sẽ tổ chức điểm tiêm, phối hợp với Ban quản lý chung cư, mời tuần tự các hộ cùng tầng ra tiêm, có thể tổ chức vào buổi tối.
Đối với điều trị F0 tại nhà, trong ngày 22/8 triển khai các trạm y tế lưu động, tiếp nối các trạm y tế lưu động đã được thành lập vào ngày 20/8 trước đó. Thành phố chia làm 2 giai đoạn thành lập các trạm y tế lưu động, trong đó giai đoạn 1 thành lập 135 trạm y tế của các quận, huyện gồm: Quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 11, 12, Bình Tân, Bình Chánh, Bình Thạnh, Nhà Bè, Tân Bình, Gò Vấp, thành phố Thủ Đức để đi vào hoạt động trước ngày 24/8.
Giai đoạn 2 thành lập 225 trạm y tế của 18 quận, huyện gồm: Quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Gò Vấp, thành phố Thủ Đức, huyện Nhà Bè, Hóc Môn để đi vào hoạt động trước ngày 27/8.
Từ ngày 22/8 đến ngày 25/8, TPHCM bổ sung đầy đủ cho các đối tượng còn thiếu trong gói hỗ trợ an sinh số 2, thực hiện các biện pháp hỗ trợ chủ nhà trọ (miễn, giảm tiền điện, nước). Sở LĐTBXH TPHCM phối hợp các quận, huyện và TP Thủ Đức triển khai thực hiện.
Từ ngày 22/8 đến ngày 23/8, TPHCM triển khai 500.000 túi an sinh, đảm bảo nguyên tắc không bỏ sót những trường hợp khó khăn; chuẩn bị các suất ăn dinh dưỡng cung cấp cho các trường hợp F0 có hoàn cảnh khó khăn. Hoạt động này được Trung tâm Tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch COVID-19 thực hiện. Tiếp đó, từ ngày 24/8 đến ngày 6/9, trung tâm này triển khai thêm 1,5 triệu túi an sinh.
Theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP Hồ Chí Minh, tính đến 6h ngày 22/8, Thành phố có 174.179 trường hợp mắc COVID-19 phát hiện được Bộ Y tế công bố. Hiện Thành phố đang điều trị 34.605 bệnh nhân, trong đó có 2.131 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.442 bệnh nhân nặng đang thở máy và 19 bệnh nhân can thiệp ECMO.
 >>> Mời độc giả xem thêm video Y bác sĩ Đà Nẵng kiệt sức giữa tâm dịch Covid-19:

Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp.

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)