Biệt thự “khủng” sai phép ở Hải Phòng: Đập bỏ hay phạt cho tồn tại?

Google News

Công trình biệt thự xây dựng tại phường Anh Dũng xây dựng sai với giấy phép được cấp vượt 2 tầng nhưng 5 năm qua, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng chưa xử lý triệt để, chủ công trình vẫn ngang nhiên hoàn thiện.

Công trình biệt thự xây dựng sai phép tại phường Anh Dũng (quận Dương Kinh, Hải Phòng) của ông Nguyễn Sỹ Tuấn, trú tại tổ dân phố Ninh Hải 4 được UBND quận Dương Kinh cấp giấy phép xây dựng có thời hạn 1 năm (hiệu lực từ ngày 17/5/2016 đến 17/5/2017) với tổng diện tích sàn 270m2 và chỉ được phép làm 2 tầng. Tuy nhiên, chủ công trình đã tự ý xây vượt thành 4 tầng, sai phép, sai với thiết kế trình cơ quan chức năng.
Biệt thự “khủng” xây vượt 2 tầng…bị đình chỉ vẫn “lén lút” hoàn thiện
Thanh tra Sở Xây dựng Hải Phòng cho biết, đơn vị đã có văn bản số 1330/SXD ngày 12/5/2017 về việc xử lý công trình vi phạm của hộ ông Nguyễn Sỹ Tuấn. Trong đó nêu rõ, công trình được cấp giấy phép xây dựng 2 tầng, nhưng đã xây dựng sai với giấy phép được cấp vượt 2 tầng. Do đó, Sở Xây dựng đề nghị UBND quận Dương Kinh chỉ đạo UBND phường Anh Dũng đình chỉ tuyệt đối việc thi công công trình xây dựng vi phạm, yêu cầu chủ đầu tư tự phá dỡ bộ phận công trình sai phạm.
Biet thu “khung” sai phep o Hai Phong: Dap bo hay phat cho ton tai?
Biệt thự vi phạm về xây dựng vượt 2 tầng nhưng vẫn đang được hoàn thiện. 
Đáng chú ý, trao đổi với báo chí, cán bộ địa chính phường Anh Dũng cho biết, chính quyền địa phương từng lập nhiều biên bản vi phạm của công trình. UBND phường Anh Dũng đề xuất xử phạt vi phạm hành chính số tiền 7,5 triệu đồng, yêu cầu chủ công trình tự phá dỡ phần xây dựng vi phạm.
Ngay trong bản cam kết ngày 7/2/2017, ông Nguyễn Sỹ Tuấn cũng đã thừa nhận "quá trình xây dựng bị sai phép với giấy phép xây dựng'' đồng thời cam kết dừng thi công.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, chủ đầu tư công trình vẫn lén lút làm và đang dần hoàn thiện công trình, một số hạng mục đã thi công xong.
Đại diện phòng Quản lý đô thị quận Dương Kinh khi trao đổi với báo chí cho biết, quận đang yêu cầu chính quyền phường tiếp tục xử lý bằng hình thức không cho hoàn thiện các hồ sơ. Giấy phép xây dựng cấp cho ông Tuấn chỉ có giá trị trong thời hạn 1 năm và hết hạn từ 2017. Công trình này vi phạm trật tự xây dựng, tuy nhiên để tháo dỡ như yêu cầu của Sở Xây dựng thì quận chưa có kế hoạch.
Đập bỏ hay phạt cho tồn tại?
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho rằng, hành vi của ông Nguyễn Sỹ Tuấn đã vi phạm các quy định về trật từ xây dựng, cụ thể xây dựng vượt quá 2 tầng, không đúng nội dung theo giấy phép xây dựng đã được cấp.
“Việc tháo dỡ các tầng vi phạm là cần thiết và phải được thực hiện. Trường hợp không thực hiện, cơ quan chức năng sẽ tiến hành cưỡng chế tháo dỡ theo quy định. Tuy nhiên, công trình trên để 5 năm vẫn chưa được xử lý, tháo dỡ phần vi phạm là trách nhiệm xử lý cuả cơ quan chức năng ở địa phương. Việc lơ là, không xử lý dứt điểm dẫn đến người dân tiếp tục vi phạm, không khắc phục được hậu quả, chấm dứt vi phạm. Do đó, cũng cần xem xét việc kỷ luật các cán bộ đã lơ là công việc”, luật sư Tùng nêu ý kiến.
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, thông tin trên cho thấy, công trình xây dựng sai phép trên đã được cơ quan chức năng phát hiện nhưng việc xử lý không triệt để dẫn đến tình trạng công trình tiếp tục tồn tại và hoàn thiện để đưa vào sử dụng.
Theo quy định của pháp luật, chủ đầu tư công trình phải xây dựng đúng với giấy phép và trong thời hạn giấy phép còn hiệu lực. Trường hợp xây dựng sai giấy phép phải dừng thi công công trình để các cơ quan chức năng xem xét xử lý. Công trình vi phạm sẽ bị đình chỉ thi công để hoàn thiện hồ sơ, trường hợp không được phép hoàn thiện hồ sơ do không phù hợp với quy hoạch hoặc không thực hiện việc hoàn thiện hồ sơ theo quy định của pháp luật phải đình chỉ thi công và buộc tháo dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng.
Biet thu “khung” sai phep o Hai Phong: Dap bo hay phat cho ton tai?-Hinh-2
 
Theo luật sư Cường, công trình trên được xây dựng từ năm 2016 và cơ quan chức năng đã phát hiện sai phạm. Theo quy định, UBND cấp quận, huyện sẽ ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đình chỉ thi công và buộc tháo dỡ phần công trình xây dựng sai giấy phép.
Trường hợp chủ đầu tư công trình không tự nguyện tháo dỡ, Chủ tịch UBND cấp quận, huyện có quyền ban hành quyết định cưỡng chế tháo dỡ và yêu cầu lực lượng chức năng tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình theo quy định của pháp luật.
Do đó, trong vụ việc này cần làm rõ là các văn bản xử lý vi phạm hành chính của cơ quan có thẩm quyền đã được ban hành và thực hiện như thế nào. Trong trường hợp trong phạm vi thẩm quyền của mình mà các cơ quan, người có thẩm quyền không ban hành các quyết định, không xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng theo đúng trình tự thủ tục, đúng thẩm quyền phải xem xét trách nhiệm của cán bộ, cơ quan có liên quan.
“Trường hợp có quyết định cưỡng chế tháo dỡ công trình đối với phần công trình xây dựng trái phép, cần làm rõ tại sao việc tổ chức tháo dỡ công trình lại không được triển khai theo đúng kế hoạch. Trong vụ việc này chứng cứ về việc sai phạm đã rõ”, luật sư Cường nêu ý kiến.
Dẫn công văn 579 của Bộ Xây dựng ngày 24/2/2021 gửi Sở Xây dựng Hải Phòng hướng dẫn xử lý cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng, luật sư Cường cho biết, khoản 7, Điều 1, Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định:
“Trường hợp vụ việc vi phạm vừa có hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản, vừa có hành vi vi phạm không thuộc thẩm quyền xử phạt hoặc vượt quá thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản, thì người đó vẫn phải tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với tất cả các hành vi vi phạm và chuyển ngay biên bản đến người có thẩm quyền xử phạt để tiến hành xử phạt theo quy định tại khoản 3 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính”.
Theo quy định nêu trên và theo thông tin trong văn bản số 260, Thanh tra Sở Xây dựng Hải Phòng ngoài việc lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm trật tự xây dựng còn phải lập biên bản đối với hành vi vi phạm không thuộc thẩm quyền xử phạt. Sau đó chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm bao gồm các biên bản vi phạm hành chính đã lập và các tài liệu khác có liên quan vụ việc vi phạm (nếu có) đến người có thẩm quyền xử phạt theo quy định.
Trường hợp đã ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả nhưng đối tượng vi phạm không tự nguyện chấp hành, theo quy định tại khoản 63 Điều 1, Luật Xây dựng 2020 (trước đây là khoản 1 Điều 164, Luật Xây dựng 2014), UBND cấp chịu trách nhiệm về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Ngày 10/6/2019, UBND thành phố Hải Phòng đã ban hành Quyết định số 19/2019/QĐ-UBND ban hành Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Do đó, Thanh tra Sở Xây dựng Hải Phòng căn cứ Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn đã ban hành để thực hiện cưỡng chế công trình vi phạm theo quy định.
 >>> Mời độc giả xem thêm video Nhiều lo ngại về công trình xây 4 tầng hầm tại Hà Nội:

Nguồn: VTV 24

Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)