Phỏng vấn nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch, “bà trùm” hát Xoan duy nhất của tỉnh Phú Thọ trong những ngày sát lễ hội Đền Hùng thật khó, vì lịch biểu diễn của bà dày đặc.
“Tôi hát 3 ca mỗi ngày, hôm nào cũng từ sáng sớm tới 11 giờ đêm mới nghỉ, phục vụ cho cả ngàn du khách. Năm nay lượng du khách đông lịch sử, mệt nhưng thật vinh dự, hạnh phúc. Đêm khuya rồi mà du khách vẫn say mê, muốn nghe tiếp, tôi đành phải hẹn họ tới sáng mai”, nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch chia sẻ.
|
Nghệ nhân hát xoan Nguyễn Thị Lịch. |
“Bà trùm” hát Xoan duy nhất
Trò chuyện với PV Tri thức và Cuộc sống, bà Nguyễn Thị Lịch cho biết, bà sinh năm 1950 ở làng An Thái, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì (Phú Thọ) trong một gia đình 5 đời hát Xoan.
Ông nội và cha bà đều là những nghệ nhân, trùm Xoan nổi tiếng, còn mẹ bà là một cô đào nức tiếng trong vùng. Chú và các cô ruột bà cũng là những nghệ nhân có tiếng của phường Xoan xóm Chùa - An Thái thời kỳ trước cách mạng tháng Tám. Sống trong môi trường gia đình như vậy, từ nhỏ, những câu hát xoan đã thấm dần vào tâm hồn cô bé Nguyễn Thị Lịch, tình yêu trong bà với điệu hát cổ lớn dần.
|
Hát Xoan được các du khách quốc tế yêu thích. |
Từ khi còn rất nhỏ, cô bé Lịch đã được ông nội và cha truyền dạy làn điệu hát Xoan, và đưa đến các cuộc trình diễn hát Xoan trong các lễ hội ở đình làng. Năm 13 tuổi, bà trở thành đào nương trẻ tuổi của làng, thuộc hết 24 làn điệu. Không chỉ là đào Xoan, bà Lịch còn đảm nhiệm cả kép trống và dẫn cách khi trình diễn tại lễ hội đình của các địa phương.
Trong giai đoạn đất nước có chiến tranh, bà Lịch cùng mọi người trong phường Xoan vẫn kiên trì giữ điệu hát xoan của quê hương mình. Phường xoan không còn, nhiều gánh hát giải thể, nhưng những làn điệu xoan vẫn được tập luyện chăm chỉ, có khi chỉ là tranh thủ giờ nghỉ ngơi khi đi làm đồng, hay bên giếng nước, sân đình…
Trong hoàn cảnh thiếu thốn, vất vả, các lễ hội ngừng tổ chức, nhưng với tình yêu, lòng nhiệt huyết của bà Lịch cùng mọi người, mà mạch hát Xoan không bị đứt đoạn cùng với ước mơ ấp ủ gây dựng lại phường xoan.
|
Các nghệ sỹ hát Xoan biểu diễn phục vụ du khách trong khuôn khổ lễ hội đền Hùng. Ảnh: Pháp luật Việt Nam. |
Đất nước thống nhất, sau năm 1975, khi mới có 25 tuổi, bà Lịch đã thành lập một nhóm hát Xoan gồm 15 người ở nhiều độ tuổi. Là người am hiểu tường tận về hát Xoan, bà Lịch vừa truyền dạy kỹ năng hát dẫn, đánh trống của kép, vừa truyền dạy cả kỹ năng hát múa của đào.
Năm 1998, Câu lạc bộ hát Xoan An Thái - xã Phượng Lâu được thành lập, bà Lịch được bầu là Chủ nhiệm câu lạc bộ. Đây là thời kỳ phát triển mạnh của hát Xoan. Hát xoan không chỉ được trình diễn tại các đình làng mà còn vươn tới hội diễn văn hóa văn nghệ của tỉnh và quốc gia. Người theo học hát Xoan rất đông, nhiều tên tuổi nghệ nhân hát xoan sau này cũng ra đời từ đây.
Với những đóng góp to lớn, năm 2006, bà Nguyễn Thị Lịch được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian.
Năm 2006 được UBND tỉnh Phú Thọ công nhận trở lại tên phường là Phường Xoan An Thái, bà Lịch được bầu là Trùm phường, trở thành nữ trùm Xoan duy nhất của tỉnh Phú Thọ. Vậy là, bà đã thực hiện được ước mơ ấp ủ của mình với hát Xoan.
Năm 2021, nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch là một trong những cá nhân tiêu biểu được nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam.
Niềm hạnh phúc khi được hát xoan ở lễ hội Đền Hùng
Kể về lịch sử của hát Xoan, “bà trùm” Nguyễn Thị Lịch cho hay, hát xoan có từ thời vua Hùng dựng nước. Câu chuyện được kể lại, khi thắng giặc trở về, vua đưa quân và triều đình di du xuân, đến làng An Thái, xã Phượng Lâu bây giờ, vợ vua bị đau bụng. Bà đau khá lâu không sinh nở được. Có người tâu, trong làng, có người con gái tên là Quế Hoa múa dẻo hát hay. Nhà vua mừng rỡ bèn đón Quế Hoa đến hát.
|
Các cháu thiếu nhi tìm hiểu về hát Xoan được nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch giảng giải cặn kẽ. |
Không ngờ, khi Quế Hoa đến, giọng hát trong vắt như chim hót, đôi tay, đôi chân múa dẻo nhịp nhàng như bay như lượn, hát đến đâu vợ vua an thai tới đó. Nhà vua mừng rỡ đón Quế Hoa vào cung và đặt tên cho làng là An Thai. Khi đi đến xã Cao Mại huyện Lâm Thao, vợ vua sinh nở. Hát xoan vốn có tên là hát xuân, nhưng kỵ tên húy con vua lên đọc trại đi là hát Xoan. Làng An Thai sau này đổi thành An Thái.
Nghi lễ thờ cúng vua Hùng và hát xoan có sự gắn bó mật thiết với nhau. Hầu hết các di tích thờ cúng Hùng Vương trên địa bàn tỉnh đều có nghi lễ hát xoan. Hằng năm cứ đến tháng 3 âm lịch, mọi người lại đổ về Đền Hùng dâng hương tưởng nhớ ơn đức, tôn vinh công lao dựng nước của các vua Hùng và nghe các làn điệu xoan cổ được trình diễn trong khuôn khổ lễ hội.
Vào những ngày này, các nghệ nhân và thành viên của phường Xoan của bà trùm Nguyễn Thị Lịch lại bận rộn phục vụ đồng bào và du khách. “Hát từ sáng sớm tới đêm khuya, mệt, nhưng vui, tự hào và hạnh phúc lắm”, nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch chia sẻ.
Trăn trở của người giữ “hồn” hát Xoan cổ
Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch cho hay, gần trọn cuộc đời dành cho hát Xoan, nối nghiệp được tổ tiên giữ lại được di sản văn hóa phi vật thể này, để đến bây giờ không chỉ trong nước mà quốc tế đều biết đến, bà cảm thấy vô cùng hạnh phúc.
Cả 31 bài hát Xoan, bài nào bà cũng quý cũng yêu, nắm rất chắc về nghệ thuật. Để hát xoan tiếp tục được gìn giữ từ nhiều năm nay, bà Lịch đã tận tình truyền dạy cho các cháu thiếu nhi ở nhiều độ tuổi.
|
Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch truyền dạy hát Xoan cho các cháu thiếu nhi. Ảnh: NVCC. |
“Từ năm 2012 cho đến giờ, tôi đã dạy trên 143 lớp. Có những cháu bé, từ 3 tuổi ở đã hát Xoan rất tốt rồi, đó là điều tôi cảm thấy rất vui và yên tâm, bởi đã có thế hệ tiếp tục giữ “hồn” hát Xoan”.
Đam mê, nhiệt huyết với hát Xoan, nhưng khi được hỏi về trăn trở, giọng bà Lịch bỗng trầm xuống. Hiện nay bà Lịch là nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân cấp tỉnh, nhưng bà Lịch không có chế độ gì.
“Tôi mong muốn Nhà nước quan tâm hơn tới những nghệ nhân nhân dân như chúng tôi, để chúng tôi có thể thêm nguồn động viên để tiếp tục cống hiến, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc”, bà Lịch bày tỏ.
Hát Xoan của tỉnh Phú Thọ bao gồm hát, múa, gõ trống và phách. Hát Xoan gắn liền với việc thờ cúng Hùng Vương, một tín ngưỡng bắt nguồn từ việc thực hành thờ cúng tổ tiên của người Việt.
Những người lưu giữ và thực hành hình thành nên bốn phường Xoan, trong đó, Trùm nam và nữ đóng vai trò quan trọng nhất: họ giữ gìn các bài hát, lựa chọn đệ tử, truyền dạy phong cách hát và các tiết mục và tổ chức thực hành. Họ cũng tích cực giới thiệu và giảng dạy Hát Xoan tại các phường Xoan và trong các câu lạc bộ.
Là một nghệ thuật trình diễn cộng đồng, hát Xoan nuôi dưỡng sự hiểu biết văn hoá, sự gắn kết cộng đồng và tôn trọng lẫn nhau. Viện Âm nhạc Việt Nam đã sưu tầm được 31 bài hát Xoan và nhờ sự nỗ lực của một số nghệ nhân, nhiều phường Xoan đã được thành lập. Hát Xoan được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể.
Mời quý độc giả xem video nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch nói về nguồn gốc của hát xoan.