Sáng 25/7, đoàn Việt Nam dự Olympic Toán quốc tế (IMO) đã về đến sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội. Năm nay, cả 6 chàng trai đều đoạt giải, trong đó có 4 huy chương vàng.
Chàng trai 35 điểm có cách giải Toán chân phương
Chia sẻ với Zing.vn sau khi đặt chân xuống sân bay Nội Bài, TS Lê Bá Khánh Trình - Phó trưởng đoàn Olympic Toán Việt Nam, người đạt điểm tuyệt đối 40/40 của kỳ IMO năm 1979 - nhận xét: “Các em trong đội tuyển toán thi năm nay rất ngoan, đoàn kết, có tính tự lập tốt. Các em không chỉ học tập mà còn biết giải trí, thư giãn đúng lúc”.
Thầy Trình kể Hoàng Hữu Quốc Huy (THPT chuyên Lê Quý Đôn, Bà Rịa - Vũng Tàu), nam sinh đạt 35 điểm - đứng đầu trong số 600 thí sinh tham gia khi ôn thi vẫn vô tư chơi game. Theo thầy Trình, Quốc Huy là người biết hài hòa giữa làm việc, học tập và giải trí.
Huy cũng là chàng trai khiến thầy Lê Bá Khánh Trình ấn tượng. Thầy giáo này bày tỏ trong số các bạn vào đội tuyển, 9X không phải người nổi bật nhất, thậm chí so với các bạn, em học ít hơn.
Tuy nhiên, kỳ thi mang đẳng cấp quốc tế không cần các em phải nhớ nhiều mà đòi hỏi sự nhạy bén, có sức bật. Khi giáo viên đưa ra bài tập nào, Huy thường có lời giải hay và chân phương.
“Khi chấm bài thi, hội đồng khen thí sinh có lời giải hay ở câu hình học. Chỉ cần đọc lời giải, tôi biết đó là Huy. Vì không học trước hay gò bó trong kiến thức nên em có tư duy nhạy bén và đột phá”, thầy Trình nhận xét.
Theo thầy phó trưởng đoàn, trong đội tuyển, hai em Hoàng Hữu Quốc Huy và Lê Quang Dũng (Thanh Hóa) thường có lời giải hay nhất. Vị tiến sĩ nói ông sẽ ghi lại cách dạy lần này để truyền đạt cho những thế hệ sau.
Người từng đoạt huy chương vàng Toán quốc tế tâm sự ông bất ngờ bởi khi dự thi, thầy chỉ hy vọng các em đạt thành tích "vừa vừa". Tuy nhiên, các em đã có sự nỗ lực vượt trội.
"Tôi cho rằng đạt được thành tích này phần lớn do phong trào học tập ở các trường, cộng thêm sự nỗ lực của cá nhân các em, vừa có tinh thần chiến đấu, vừa lạc quan, không nản chí", TS Trình nêu quan điểm.
PGS.TS Lê Anh Vinh - Trưởng đoàn - nhận xét điều đặc biệt nhất của đội tuyển Toán Olympic quốc tế năm nay là các em có tinh thần học tập tốt.
Thầy Vinh nói với Zing.vn: “Trong quá trình gần 3 tháng, tuần nào, các em cũng học từ 10-11 buổi. Sau nửa thời gian, khi tôi đến gặp, các em không cảm thấy mệt mỏi. Những năm trước, học sinh thường nói với giáo viên giảm bớt số buổi học".
Ngoài ra, suốt thời gian ở Brazil, các em biết cân bằng giữa học tập và nghỉ ngơi để có thể lực và tinh thần tốt.
Nhận định về học trò trong đội tuyển thi Olympic quốc tế, thầy Vinh không khỏi tự hào: “Đề thi năm nay không thuộc sở trường của đội tuyển, nhưng các em đã rất xuất sắc. Cụ thể, sở trường của các em là hình học và đại số, nhưng phần này chỉ có 2 bài. 4 bài khác trong đề thi thuộc về số học”.
Người từng đoạt huy chương bạc Toán học quốc tế thông tin sau khi hội đồng IMO 2017 thống nhất đề thi, ông lo lắng bởi về chuyên môn, kỳ thi năm nay có đề khó nhất. Hai bài khó nhất của kỳ thi là bài số 3 và số 6 mang hướng hiện đại của toán cao cấp. Chính vì vậy, ngưỡng điểm chuẩn của các huy chương của năm nay đều thấp hơn so với các năm trước nhiều.
Từ những điều đó cho thấy đội tuyển Toán Việt Nam đạt thành tựu như hôm nay rất đáng tự hào.
|
PGS.TS Lê Anh Vinh nhận hoa từ ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT. Ảnh: Hoàng Hiệp. |
Những băn khoăn phía sau tấm huy chương
Thành tích của đội tuyển Toán thi Olympic năm nay đứng thứ 3 thế giới, cao nhất trong lịch sử Việt Nam. Những năm trước, thành tích cũng rất đáng ngưỡng mộ, cho thấy chất lượng Toán học Việt Nam đang tăng lên đáng kể.
Tuy nhiên, phía sau tấm huy chương vàng Olympic quốc tế, nhiều nhà chuyên môn bày tỏ sự lo lắng về Toán học ứng dụng khi trong nước đào tạo Toán ứng dụng hầu như chưa có.
Huyền thoại Toán học Lê Bá Khánh Trình cho rằng để phát triển tốt ngành Toán học ứng dụng cần có định hướng, trợ giúp của các ngành kinh tế, sản xuất, môi trường…
“Nước ta còn nghèo, chúng ta không thể đòi hỏi quá nhiều. Tôi cho rằng để phát triển được, chúng ta cần tổng hợp sự hỗ trợ, quan tâm từ nhiều phía”, thầy Trình nêu quan điểm.
Trước băn khoăn về hướng đi cho học sinh đoạt giải Olympic Toán quốc tế, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT cho rằng: Nhiều năm nay, Bộ GD&ĐT có chính sách cụ thể cho học sinh đoạt giải quốc tế. Ngoài việc tôn vinh, tuyên dương, Bộ GD&ĐT có các đề án như Học bổng nghiên cứu sinh 911, đề án đi học ở nước ngoài 599. Các chương trình này hỗ trợ thí sinh đi học ở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước để vun đắp tài năng.
“Bộ GD&ĐT đang xây dựng phát triển nguồn nhân lực phát triển cao, trong đó có chính sách phát triển học sinh đoạt giải Olympic quốc tế, phục vụ cho kinh tế xã hội trong tương lai, đặc biệt là nền cách mạng 4.0”, ông Trinh nêu.
Trước những câu hỏi của xã hội về phong trào học tập Toán sẽ phát triển, học tập Toán đi đâu về đâu, PGS.TS Lê Anh Vinh chỉ muốn nhắn nhủ học trò: "Đi theo Toán học vất vả, các em cần sự ủng hộ và quan tâm từ phía gia đình".
TS Lê Bá Khánh Trình cũng gửi gắm đến "những chàng trai vàng" rằng để đi theo Toán học, quan trọng nhất là luôn giữ được đam mê.
TS Lê Bá Khánh Trình sinh năm 1962 tại Huế. Năm 1979, tại cuộc thi Olympic toán quốc tế ở Anh, ông giành giải nhất với số điểm tuyệt đối, đồng thời đoạt giải đặc biệt về lời giải độc đáo trong kỳ thi này.
Ông cũng là học sinh Việt Nam duy nhất đoạt giải đặc biệt trong một kỳ thi toán quốc tế. Bấy giờ, ông được mệnh danh là "Cậu bé vàng của Toán học Việt Nam".
TS Lê Bá Khánh Trình được tuyển thẳng vào khoa Toán - Cơ, Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva mang tên Lomonosov và làm nghiên cứu sinh dưới sự hướng dẫn của viện sĩ Andrey Alexandrovich Gontrar, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga. Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, TS Khánh Trình trở về Việt Nam.
Hiện nay, TS Trình làm giảng viên khoa Toán - Tin, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM. Ông nhiều lần là trưởng đoàn, phó đoàn đưa đội tuyển dự thi Olympic Toán học quốc tế.