Truy tố Phùng Anh Lê: Những cán bộ CA quận Tây Hồ trong...“tầm ngắm“?

Google News

Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã bóc tách vụ án "Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội" để tiếp tục xem xét, xử lý đối với một số cán bộ.

Cơ quan điều tra VKSND Tối cao vừa đề nghị truy tố ông Phùng Anh Lê, cựu Trưởng Công an quận Tây Hồ, Hà Nội về tội Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù. Cùng bị đề nghị truy tố tội danh trên còn có cựu Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Nguyễn Đức Châu, cựu đội phó Vũ Công Ngọc và Lê Đình Trung, cựu Đội phó Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp.
Ông Phùng Anh Lê và 3 bị can trên đã không xử lý hình sự nhóm cướp tài sản, tha trái pháp luật cho Nguyễn Hữu Tài (29 tuổi, trú phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội).
Truy to Phung Anh Le: Nhung can bo CA quan Tay Ho trong...“tam ngam“?
Phùng Anh Lê khi còn đương chức. 
Tiếp tục xem xét, xử lý đối với một số cán bộ có liên quan
Cơ quan điều tra VKSND Tối cao bóc tách vụ án "Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội" để tiếp tục xem xét, xử lý đối với một số cán bộ có liên quan khác.
Trong đó, ông Phan Tất Hùng, điều tra viên Đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an quận Tây Hồ bị xác định có dấu hiệu của tội "Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án tù". Tuy nhiên, xét tính chất, mức độ thấy không cần thiết phải xử lý hình sự Hùng trong vụ án này, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã tách vụ án để điều tra, xem xét xử lý đối với Hùng nếu có căn cứ liên quan đến vụ án "Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội".
Liên quan vụ án trên, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao xác định, ông Phạm Quý Hải, Phó trưởng Công an quận, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Tây H) là người ký quyết định tạm giữ với Nguyễn Hữu Tài. Khi ông Phùng Anh Lê chỉ đạo cấp dưới thả Tài, ông Hải không có mặt tại công an quận, cũng không được báo cáo. Ông Hải chỉ biết việc Tài được tha, nên không có căn cứ xác định là đồng phạm trong vụ án. Tuy nhiên, với vai trò là Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra, ông Hải chưa thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ dẫn đến sai phạm của nhiều cán bộ chiến sĩ. Do đó, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định.
Đối với ông Lê Sinh Hùng, Phó trưởng Công an quận, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an quận Tây Hồ - người được phân công bảo đảm an ninh, an toàn tại Nhà tạm giữ. Kết luận nêu rõ, đêm 22/9/2016, dù không phải ca trực nhưng khi nhận được cuộc gọi của bị can Lê Đình Trung báo có Đội Cảnh sát hình sự đến nhận Tài theo chỉ đạo của ông Lê, ông Hùng đã trao đổi rằng việc tiếp nhận đối tượng phải làm theo quy định nên không có căn cứ xác định là đồng phạm. Cơ quan điều tra VKSND Tối cao cho rằng, với vai trò là người đứng đầu cơ quan thi hành án hình sự, phụ trách nhà giam giữ để xảy ra sai phạm, nên kiến nghị xem xét xử lý hành chính ông Hùng.
Ông Nguyễn Quang Huy, Đội trưởng Đội thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp Công an quận Tây Hồ khi nhận điện thoại của bị can Trung báo cáo về việc Đội Cảnh sát hình sự đến nhận người, Huy đã nói với Trung "sếp đã chỉ đạo thì phải nghe thôi, quận này của sếp cả, muốn làm gì chả được", và không yêu cầu Trung thực hiện theo quy định. Do quá trình điều tra, không thu được tài liệu, chứng cứ thể hiện việc Huy biết ông Lê chỉ đạo thả người nên không có căn cứ xác định là đồng phạm trong vụ án. Cơ quan điều tra cũng kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý hành chính Huy.
Đối với ông Nguyễn Văn Thuận, cán bộ quản giáo trực Nhà tạm giữ, là người trực tiếp bàn giao Tài cho bị can Ngọc nhưng Thuận không biết việc bàn giao Tài cho Ngọc để làm gì, cũng không biết việc thả Tài là chỉ đạo từ Trưởng công an quận. Cơ quan điều tra cũng kiến nghị xử lý hành chính.
Phùng Anh Lê chủ mưu, không thành khẩn, khó hưởng giảm nhẹ
Kết luận điều tra nêu rõ, cựu Trưởng Công an quận Tây Hồ Phùng Anh Lê không khai nhận hành vi phạm tội và đổ lỗi cho các bị can khác. Tuy nhiên, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao cho rằng, căn cứ vào lời khai của các bị can và những người liên quan khác, đủ cơ sở khẳng định ông Lê đã phạm vào tội tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ. Ông Lê là chủ mưu, các bị can còn lại giữ vai trò đồng phạm giúp sức.
Đối với lời khai của người nhà Tài về việc đưa 110 triệu đồng cho ông Lê để giúp hòa giải, do đến nay ông Lê vẫn không thừa nhận nên cơ quan điều tra đã tách hành vi có dấu hiệu đưa hối lộ, nhận hối lộ và môi giới hối lộ để tiếp tục điều tra.
  
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, với thái độ khai báo như vậy, ông Phùng Anh Lê có thể sẽ không được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Đây là tình tiết quan trọng để quyết định đến mức hình phạt trong trường hợp tòa án kết tội các bị can.
Theo quy định pháp luật, bị can không nhận tội không phải là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nhưng sẽ cho thấy bị can không thành khẩn, không ăn năn nên sẽ không được hưởng tình tiết giảm nhẹ. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định rất rõ ràng: Người phạm tội không có nghĩa vụ chứng minh mình vô tội, không có nghĩa vụ phải đưa ra bằng chứng để chống lại mình. Nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc trách nhiệm của cơ quan điều tra, việc bị can nhận tội chỉ là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Bởi vậy, việc bị can Phùng Anh Lê không nhận tội cũng không làm ảnh hưởng nhiều đến kết quả giải quyết vụ án. Cơ quan điều tra có nghĩa vụ chứng minh bị can đã thực hiện hành vi phạm tội và sẽ căn cứ vào các chứng cứ hợp pháp mà cơ quan điều tra đã thu thập được trong quá trình giải quyết vụ án để làm căn cứ buộc tội đối với các bị can. Trường hợp bị can Lê không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng nếu có lời khai của các bị can khác, những lời khai đó phù hợp với hiện trường vụ án, phù hợp với các dấu vết, vật chứng mà cơ quan điều tra thu thập được thì cũng sẽ là căn cứ để buộc tội đối với bị can này.
Luật sư Cường cho rằng, cần phải làm rõ nguyên nhân, động cơ của hành vi phạm tội. Bởi bắt được tội phạm, phá được án là chiến công và cũng là nhiệm vụ, đạo đức cán bộ. Việc lãnh đạo, cán bộ điều tra thỏa hiệp, tha tội cho đối tượng bị bắt nếu không có động cơ thì không thể xảy ra chuyện này.
“Thông thường, việc công an tha tội phạm, không xử lý là vì vụ lợi, bị mua chuộc hoặc vì động cơ cá nhân, vì yếu tố vị thân. Nếu người được tha khỏi nơi giam giữ không phải là người thân, ruột thịt của người có chức vụ này rất có thể sẽ bị tác động bởi vật chất.”, ông Cường nói.
Nêu ý kiến về việc bị can Lê đã nhận số tiền 110 triệu đồng của gia đình đối tượng được tha, luật sư Cường cho rằng, có thể đây là nguyên nhân, là động cơ của sự việc. Tuy nhiên, đến nay bị can Lê không thừa nhận hành vi này và chưa đủ căn cứ pháp lý vững chắc nên cơ quan điều tra tạm thời tách rút để xử lý sau. Có thể do hết thời hạn điều tra nên sẽ xử lý tội danh này trước, sau đó sẽ tiếp tục khởi tố thêm tội đưa hối lộ, tội nhận hối lộ và tội môi giới hối lộ đối với những người có liên quan khi tài liệu được củng cố.
Trường hợp bị kết tội về 2 tội danh là tội tội Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam và tội nhận hối lộ, cựu trưởng Công an quận Tây Hồ này sẽ phải đối mặt với hình phạt cao nhất có thể tới 18 năm tù cho cả 2 tội danh. Vấn đề này cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ để có kết luận xử lý theo quy định của pháp luật.
Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)