Phật giáo đẩy mạnh... diệt HIV/AIDS

Google News

Các cơ sở chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS tại một số Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo đã được thành lập

 - Trong nhiệm kỳ VI (2007-2012) của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chư tăng/ni thuộc các cấp giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn chú ý đến các hoạt động chăm sóc sức khỏe, nuôi trẻ mồ côi và đặc biệt kêu gọi phòng chống HIV/AIDS.
 
Đại đức Thích Đồng Nguyện, tư vấn về việc phòng chống HIV cho công nhân ở các nhà máy (ảnh minh họa)
Đại đức Thích Đồng Nguyện, tư vấn về việc phòng chống HIV cho công nhân ở các nhà máy (ảnh minh họa)
 
Theo đó, các cơ sở chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS tại một số Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo đã được thành lập văn phòng tư vấn, cơ sở chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS.
 
Điển hình như TP Hồ Chí Minh có Chùa Kỳ Quang (quận Gò Vấp), chùa Diệu Giác (quận 2); TP Hà Nội có chùa Pháp Vân, chùa Hiển Quang, chùa Thanh Am; TP Hải Phòng có chùa Bảo Quang; TP Đà Nẵng có chùa Quang Minh (quận Liên Chiểu); 
 
Riêng tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Ban trị sự tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp dạy châm cứu, 2 lớp dưỡng sinh cho nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân HIV tại chùa Hải Đức…
 
Không chỉ có như thế, các tỉnh thành còn chú trọng mở các phòng tư vấn sức khoẻ, tổ chức nhiều khóa tập huấn cho Tăng Ni, Phật tử, tham gia những cuộc hội thảo, hội nghị, tham quan học tập phòng chống HIV/AIDS ở trong và ngoài nước…  
 
Các hệ thống Tuệ Tĩnh Đường, phòng chẩn trị Y học dân tộc, phòng khám Đông, Tây y cũng được chú ý xây dựng. 
 
Hiện nay, trong toàn Giáo hội có 165 Tuệ Tĩnh đường, và hàng trăm phòng chẩn trị y học dân tộc, châm cứu, bấm huyệt, vật lý trị liệu, khám và phát thuốc nam, thuốc bắc; có trên 10 phòng khám Tây y, Đông - Tây y kết hợp đã khám và phát thuốc từ thiện cho hàng trăm ngàn lượt bệnh nhân, với kinh phí lên đến hàng chục tỷ đồng.
 
Bên cạnh những hoạt động về y tế, Phật giáo còn chú trọng công tác nuôi dạy trẻ mồ côi và người già neo đơn. Hiện nay trong phạm vi cả nước có trên 1.000 lớp học tình thương, 36 cơ sở nuôi dạy trẻ mẫu giáo bán trú, nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật,... với trên 20.000 em. 
 
Việc nuôi dạy trẻ mồ côi cũng được Ban trị sự Phật giáo các tỉnh, thành chú ý
Việc nuôi dạy trẻ mồ côi cũng được Ban trị sự Phật giáo các tỉnh, thành chú ý
 
Nổi bật là Cô nhi viện Đức Sơn (201 em), Ưu Đàm (34 em) tại Thừa Thiên Huế; ở TP Hồ Chí Minh có Trường nuôi dạy trẻ khuyết tật Quận 4 với 102 em,  Kỳ Quang 2 (quận Gò Vấp) 120 em, chùa Long Hoa (quận 7) 100 em, chùa Diệu Giác (quận 2) 100 em, chùa Pháp Võ (huyện Nhà Bè) 160 em. 
 
Còn tại các chùa Bồ Đề Bình Dương, mái ấm tình thương tỉnh Vĩnh Long, cơ sở Sen Hồng thuộc Tịnh xá Ngọc Lộ (Quảng Trị) lại tổ chức chăm sóc và vật lý trị liệu cho trẻ em bị nhiễm chất độc màu da cam v.v… 
 
Trên 20 cở sở nhà dưỡng lão, nuôi dưỡng trên 1000 cụ già. Tại TP. Hồ Chí Minh, có các nhà dưỡng lão thuộc các chùa Pháp Quang, chùa Pháp Lâm (quận 8), chùa Kỳ Quang 2 (quận Gò Vấp), chùa Diệu Pháp (quận Bình Thạnh), chùa Hoằng Pháp (huyện Hóc Môn)… nuôi dưỡng trên 500 cụ già; Còn ở Thừa Thiên Huế có nhà dưỡng lão Tịnh Đức (60 cụ), Diệu Viên (25 cụ), chùa Bồ Đề… nuôi dưỡng gần 100 cụ già.
 
Bên cạnh việc nuôi dạy trẻ và chăm sóc người già neo đơn, vấn đề mở các Trường dạy nghề miễn phí cũng được chú trọng. Một số Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội đã tổ chức nhiều trường, lớp dạy nghề miễn phí cho con em gia đình Phật tử, gia đình lao động nghèo, người khuyết tật. 
 
Hiện nay theo thống kê sơ bộ có khoảng 10 Trường dạy nghề miễn phí gồm các nghề may, điện gia dụng, tin học, sửa xe, hớt tóc… như Trường dạy nghề tại các tỉnh Thừa Thiên Huế; Quảng Trị, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai… đã đào tạo và giới thiệu cho hàng ngàn học viên có được việc làm ổn định.
 
Hoài Lương 
[links()]
 

Bình luận(0)