Thế nhưng, với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cấp ủy, chính quyền; sự đồng hành của lực lượng BĐBP, không ít “đệ tử của nàng tiên nâu” đã biết quay đầu làm lại cuộc đời. Sự bình yên đang đến với vùng đất biên viễn này.
|
BĐBP hướng dẫn bà con thôn Khe 5 trồng cây ăn quả. Ảnh: Thế Mạnh |
Tính đến thời điểm này, tổng số người nghiện, người nhiễm và chết vì căn bệnh thế kỷ HIV ở thôn Khe 5 ước tính khoảng gần 70 người. Trước thực tế khó khăn, với mong muốn giúp đỡ các đối tượng cai nghiện và hòa nhập cộng đồng, CLB Tình thương của xã Sơn Kim 1 đã được thành lập từ năm 2010 ngay tại địa bàn thôn.
Phó Chủ tịch UBND xã Phan Thanh Tùng nhớ lại những ngày đầu hoạt động của CLB: “Đó là những tháng ngày khó quên đối với chúng tôi trong việc vận động và tổ chức cho các đối tượng tập trung cai nghiện tại nhà. Vận động được người đi cai nghiện đã khó, để làm cho họ cắt cơn lại càng khó hơn. Các thành viên nhiều khi phải thường trực tận nhà các đối tượng cả tuần, vừa để tiêm truyền thuốc điều trị, vừa theo dõi diễn biến của người nghiện. Hầu hết, các đối tượng đều cắt được cơn. Thế nhưng, có người sau 1 tháng, có người chỉ sau vài ngày cắt cơn lại tìm đến thuốc. Nếu không kiên trì, thì rất khó thành công”.
Hoạt động của CLB Tình thương ở Sơn Kim 1 càng rõ nét và hiệu quả hơn khi có sự vào cuộc hỗ trợ của lực lượng BĐBP. Đó là sự động viên kịp thời về tinh thần, vật chất, tạo điều kiện cho các đối tượng và những thành viên trong gia đình vươn lên thay đổi số phận.
|
Quân y Bộ đội Biên phòng kiểm tra sức khoẻ thành viên CLB Tình thương. |
Anh Phạm Quang Minh, Phó Chủ nhiệm CLB Tình thương - từng là “đệ tử của nàng tiên nâu” đã được cai nghiện, tâm sự: “Cứ tưởng cuộc đời mình sẽ chìm sâu vào những cơn phê của ma túy và đơn độc chống chọi với căn bệnh thế kỷ HIV. Thế nhưng, nhờ tham gia CLB Tình thương, được sự quan tâm của các thành viên; đặc biệt là được BĐBP xây nhà tình thương, tôi đã gượng dậy và đã tìm được ý nghĩa của cuộc sống”.
Còn chị Nguyễn Thị Thương không giấu nổi xúc động: “Chồng tôi mất vì căn bệnh thế kỷ, bỏ lại vợ con côi cút, không có việc làm. Thế nhưng, nhờ CLB Tình thương, sự quan tâm của bà con lối xóm nên tôi đã có thêm nguồn vốn để chăn nuôi. Cuộc sống đã bình yên trở lại”.
Ngoài chính sách tạo việc làm, cho vay vốn phát triển kinh tế, những năm qua, BĐBP đã triển khai chương trình hỗ trợ bò cho các gia đình có người nghiện. Từ 13 con bò hỗ trợ ban đầu, đến nay, các gia đình đã phát triển lên 42 con. Sự hỗ trợ này đã góp phần động viên, thu hút người nghiện tham gia CLB Tình thương xã Sơn Kim 1.
Chị Nguyễn Thị An - Chủ nhiệm CLB Tình thương cho biết: “CLB hiện có 47 thành viên, trong đó 15 người nghiện, nhiều người nhiễm HIV. Hoạt động của CLB cũng đã thu hút sự quan tâm của một số đối tượng nghiện ma túy ngoài địa bàn”.
Đời sống của thôn Khe 5 nói riêng và Sơn Kim 1 nói chung đã ngày càng thay da đổi thịt. Nhờ sự đỡ đầu của Bộ đội Biên phòng, sự quyết tâm của cấp uỷ chính quyền địa phương, hoạt động của CLB Tình thương, và quan trọng hơn cả là ý thức vươn lên làm lại cuộc đời của những mảnh đời lầm lỡ. Về Khe 5, câu chuyện mà chúng tôi nghe nhiều nhất chính là những kinh nghiệm phát triển trong chăn nuôi, quản lý bảo vệ rừng bền vững... Riêng anh Phạm Quang Minh đã trở thành ông chủ của 3,5ha rừng và trở thành một trong những điển hình trong phong trào phát triển kinh tế. Còn thành viên CLB Tình thương vừa chăm lo công việc bốc xếp tại của khẩu, vừa dành thời gian chăm lo đàn gà hay bảo vệ mạng lưới đất rừng trên địa bàn.
Chủ tịch UBND xã Trần Văn Hải không dấu nổi niềm vui. “Sơn Kim 1 nói chung và thôn Khe 5 nói riêng đã hoàn toàn thay đổi. Thay vào nỗi đau thương mất mát, sự bất ổn trước đây là sự trù phú, yên bình của một khu dân cư kiểu mẫu với thu nhập bình quân đầu người 35triệu đồng/người/năm. Sức mạnh để chúng tôi xây dựng nông thôn mới không chỉ từ sự hỗ trợ mà còn được làm nên từ nội lực, từ quyết tâm của những người dân biết vượt lên chính bản thân mình”.
Nỗ lực của cấp ủy, chính quyền xã Sơn Kim 1 và BĐBP đã góp phần quan trọng trong việc hạn chế tình trạng nghiện ngập trên địa bàn; đem lại cuộc sống bình yên cho vùng biên ải.