Vụ 18 y bác sĩ phơi nhiễm HIV: Câu chuyện y đức

Google News

(Kiến Thức) - Sau vụ 18 y bác sĩ phơi nhiễm HIV có thể thấy đa số các cán bộ y tế vẫn hi sinh thầm lặng, tận tụy với nghề...

Thời gian vừa qua, vẫn còn nhiều lời phàn nàn về y đức của người thầy thuốc, nhưng sự thiếu trách nhiệm trong công tác và sự xuống cấp về đạo đức của người thầy thuốc chỉ là một bộ phận nhỏ “con sâu làm sầu cả ngành”.
Thực tế, đa số các cán bộ y tế vẫn tâm huyết, tận tụy với nghề, với sự nghiệp hi sinh thầm lặng vẻ vang của mình. Những người thầy thuốc đã trở thành những người chiến sĩ áo trắng trên mặt trận đấu tranh giành lại niềm tin, sức khỏe và tính mạng cho người bệnh.
Điều này, chúng ta cảm nhận rõ nhất từ sau vụ 18 y bác sĩ phơi nhiễm HIV lúc mổ cấp cứu giành giật sự sống cho một nữ bệnh nhân đang nguy kịch vì chảy máu âm đạo khi không biết bệnh nhân bị HIV.
Vu 18 y bac si phoi nhiem HIV: Cau chuyen y duc
 Sức khỏe bệnh nhân được 18 y bác sĩ cấp cứu đang dần hồi phục.
Ca cấp cứu đặc biệt này diễn ra vào ngày 4/7 tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Bệnh nhân đang trên đường cùng con trai 11 tuổi từ Quảng Ninh về thăm quê ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Vừa đến bến xe thì chị có biểu hiện xuất huyết âm đạo và ngất xỉu nên được đưa vào Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cấp cứu.
Theo bác sĩ Lưu Quốc Khải (Trưởng khoa Đẻ A2, người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật), bệnh nhân được chuyển đến trong tình trạng da vàng nhợt, mạch nhỏ khó bắt, huyết áp tụt không đo được, tim rời rạc gần như ngừng đập. Bệnh viện phải huy động 18 y bác sĩ từ các khoa phòng xuống phòng cấp cứu để giành giật sự sống cho bệnh nhân.
Sau khi được ép tim ngoài lồng ngực, hồi sức cấp cứu; bệnh nhân có dấu hiệu sống, tim đập trở lại nhưng máu từ âm đạo vẫn chảy. Vì vậy, các bác sĩ quyết định mổ cắt toàn bộ tử cung bệnh nhân ngay tại phòng cấp cứu, không kịp chuyển đến phòng phẫu thuật. Tử cung của bệnh nhân đã bị hoại tử nên chỉ có cách này mới bảo toàn được tính mạng người bệnh.
Khi cả ê kíp đang tiến hành phẫu thuật thì bộ phận xét nghiệm cho biết bệnh nhân bị nhiễm HIV. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, tình trạng bệnh nhân rất nguy kịch, cấp cứu chậm 1-2 phút có thể không cứu được nên cả ê kíp vẫn tiếp tục hoàn thành nốt ca mổ để cứu bệnh nhân. Do không trang bị phòng hộ nên đã cả 18 y bác sĩ bị phơi nhiễm virus căn bệnh thế kỷ.
Việc làm của các 18 y bác sỹ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thật đáng khâm phục. Họ đã không ngần ngại vì lo cho bản thân mà đánh mất cơ hội cứu sống một con người. Đó không chỉ là bản năng mà còn là lương tâm đạo đức, trách nhiệm ngành nghề của người thầy thuốc.
Có thể nói, nghề y là một nghề vất vả với những nguy cơ tiềm ẩn về bệnh nghề nghiệp cao. Hàng ngày, hàng giờ, các y bác sỹ phải đối mặt với các loại bệnh tật, với ranh giới giữa sự sống và cái chết, với những người bệnh đau đớn và mệt mỏi.
Sự hi sinh trong ngành y là sự hi sinh thầm lặng, những người thầy thuốc âm thầm với những ca trực, căng thẳng trong các phòng mổ nhưng đôi khi bất khả kháng khỏi tử thần. Chỉ những ai đã từng đi khám bệnh hoặc đi chữa bệnh ở các cơ sở y tế mới thấy được câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Lương y như từ mẫu” quan trọng đến nhường nào.
Những sự cố của ngành Y trong thời gian gần đây chỉ là phần rất nhỏ bên cạnh sự hy sinh, cống hiến của đông đảo những người thầy thuốc để giành giật sự sống, chăm sóc sức khỏe cho người bệnh. Do vậy, chúng ta cần có sự khách quan, công bằng và thiện cảm hơn với ngành Y tế.
Thủy Vũ

>> xem thêm

Bình luận(0)