Mới đây, một bé trai khoảng 5 tuổi là con của chủ kiot bán đồ chơi trẻ em trên đường Nguyễn Thái Học, thuộc chợ Dĩ An 1, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương đã nghịch lửa. Khi lửa cháy thì em này hoảng hốt vứt que lửa vào đống đồ chơi khiến lửa bùng lên rồi bốc cháy ngùn ngụt. Mặc dù người dân trong chợ chạy tới dập lửa tại chỗ nhưng bất thành. Do kiot chứa nhựa và các vật dụng dễ cháy nên chỉ trong ít phút, lửa đã bao trùm cả kiot và cháy lan qua kiot bán nệm ở bên cạnh.
Một cụ bà khoảng 70 tuổi mắc kẹt bên trong được lực lượng chức năng đập tường từ phía sau giải cứu ra ngoài, nhưng do ngạt khói nên phải chuyển đi cấp cứu. Bước đầu bé trai cho biết do chiếc xe đồ chơi của em đã cũ nên em châm lửa đốt để được ba tặng chiếc xe mới.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hoà (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự năm 2015, luật khác có liên quan quy định khác.
|
Hiện trường nơi xảy ra vụ cháy. |
"Đối với vụ việc này cháu bé 5 là người chưa chưa thành niên, được xác định là chủ thể đặc biệt. Do đó căn cứ Điều 586 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì trách nhiệm bồi thường thuộc về cha mẹ cháu bé. Cụ thể cha, mẹ cháu bé sẽ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại ngoài hợp đồng do hành vi của cháu bé gây nên. Nếu như tài sản của cha mẹ cháu bé không đủ bồi thường mà cháu bé có tài sản riêng thì dùng tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu", luật sư Tùng nói.
Cũng trao đổi với PV, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) chia sẻ, đây là một vụ hoả hoạn nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về tài sản và xuýt nữa tước đi mạng sống của người khác, nguyên nhân bước đầu xác định là từ một đứa trẻ năm tuổi. Cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ sự việc, làm rõ nguyên nhân của vụ hỏa hoạn để có kết luận về sự việc, làm cơ sở xác định trách nhiệm pháp lý theo quy định pháp luật.
Luật sư Cường cho biết, về nguyên tắc thì mọi hành vi gây thiệt hại, có lỗi thì đều phải bồi thường thiệt hại. Trường hợp người gây ra thiệt hại là trẻ em, chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm pháp lý thì cha mẹ, người giám hộ phải chịu trách nhiệm. Trường hợp người nào đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (từ 14 tuổi trở lên) mà thực hiện hành vi có lỗi cố ý hoặc vô ý xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác như gây cháy, nổ, gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên đối với người gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác mà chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì vấn đề trách nhiệm hình sự sẽ không được đặt ra, người gây thiệt hại hoặc người giám hộ phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.
|
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) |
"Theo quy định của pháp luật thì người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi, đối với những người này thì các quan hệ dân sự của họ phụ thuộc vào người giám hộ. Người giám hộ cũng có trách nhiệm quản lý, giáo dục và chịu trách nhiệm phần nào đối với hành vi do những người này gây ra. Bởi vậy, trường hợp người chưa thành niên gây ra thiệt hại thì người giám hộ có thể phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo Điều 586 bộ luật dân sự năm 2015.
Như vậy, căn cứ vào các quy định trên, có thể thấy pháp luật chia làm hai trường hợp đối với người chưa thành niên, bao gồm chủ thể từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi và chủ thể chưa đủ 15 tuổi. Trong đó nguyên tắc bồi thường đối với chủ thể từ chủ thể từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình", luật sư Cường cho hay.
Luật sư Cường phân tích, trong trường hợp chủ thể này không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ thì việc bồi thường do người giám hộ thực hiện bằng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.
Luật sư Cường phân tích thêm: "Còn đối với chủ thể chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu. Trong trường hợp người này không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha mẹ thì việc bồi thường sẽ do người giám hộ thực hiện bằng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.
Đối với người chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại trong trường học thì cần căn cứ vào yếu tố lỗi để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về nhà trường hay cha, mẹ, người giám hộ của người chưa đủ 15 tuổi; về nguyên tắc nếu nhà trường có lỗi thì nhà trường có trách nhiệm bồi thường, nếu nhà trường không có lỗi thì cha, mẹ, người giám hộ của người chưa đủ 15 tuổi bồi thường. Bởi vậy, trong trường hợp này nếu kết quả xác minh của cơ quan chức năng xác định thiệt hại do vụ hỏa hoạn và do cháu bé 5 tuổi gây ra thì cha, mẹ của cháu bé có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại cho gia đình nạn nhân".
>>> Xem thêm video: 2 người chết cháy trong nhà: Nghi tự thiêu do mâu thuẫn tình cảm
Nguồn: Đài Truyền Hình Đồng Tháp.