Tranh cãi việc xử phạt tiền xe không đủ điều kiện vào làn ETC

Google News

"Phải công bằng, bên nào lỗi thì bên đấy bị phạt" - chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy nói và đề nghị, thu phí không dừng phải được áp dụng đồng bộ.

Theo Nghị định 123 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, các trường hợp không đủ điều kiện đi vào làn thu phí không dừng (ETC) sẽ bị phạt 1-2 triệu đồng, tước bằng lái 1-3 tháng. Quy định này đang giúp cho nhiều tuyến đường có trạm thu phí thông thoáng, giảm ùn ứ hơn tuy nhiên cũng đang vấp phải nhiều tranh cãi về những sự cố đi vào làn ETC.
Sự cố... tài xế chịu?
Theo phản ánh của anh Nguyễn T. N (Hoài Đức, Hà Nội), ngày 3/1/2022, trước khi di chuyển vào tuyến đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, anh đã thực hiện "lệnh" nạp 1 triệu đồng vào tài khoản giao thông VETC thông qua app điện thoại VETC. Tuy nhiên, khi đi vào làn ETC của trạm thu phí thì bất ngờ bị từ chối. Sau đó, anh bị lực lượng CSGT lập biên bản xử phạt 2 triệu đồng vì lỗi “Điều khiển xe không đủ điều kiện để thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng đi vào làn đường dành riêng thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng tại các trạm thu phí" theo khoản 3, Điều 2 Nghị định 123/2021.
"Không đồng tình với lỗi vi phạm của mình, tôi đã giải thích và làm việc với đại diện trạm thu phí. Sau một hồi tranh cãi, trạm thu phí đã kiểm tra hệ thống và thừa nhận lỗi thuộc về app tài khoản. Đại diện trạm đã xin lỗi và chấp nhận nộp số tiền phạt cho tôi. Dù vậy, tôi rất bức xúc vì vụ việc đã làm mất rất nhiều thời gian và bị nhỡ công việc" - anh N chia sẻ.
Tranh cai viec xu phat tien xe khong du dieu kien vao lan ETC
Thu phí không dừng vẫn đang mắc phải nhiều ý kiến trái chiều. 
Tương tự, ngày 9/1/2021, anh Nguyễn Hữu T (Nam Từ Liêm, Hà Nội) nạp 1 triệu đồng vào tài khoản giao thông VETC thông qua app VETC bằng tài khoản ngân hàng. Lập tức, tài khoản banking của anh gửi tin nhắn xác nhận giao dịch trừ 1 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền trong tài khoản giao thông của anh T lại không hiển thị số tiền 1 triệu đồng vừa nạp.
"Tin rằng mình đã nạp tiền và có thể hệ thống VETC sẽ cập nhật số tiền sau nên tôi tự tin đi vào làn đường ETC của trạm thu phí Liêm Tuyền thuộc tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Dù vậy, khi đến trạm, số tiền 1 triệu đồng tôi nạp vẫn không được cập nhật vào tài khoản giao thông. May mắn tôi vẫn còn đủ 65 nghìn đồng để đủ thanh toán cho chặng đi" - anh T nói và cho biết, đến tận ngày 10/1/2021, anh T bất ngờ nhận lại số tiền 1 triệu đồng thông qua tài khoản ngân hàng banking của mình mà không hề nhận được bất kỳ một thông báo hay lời xin lỗi, giải thích nào.
Bày tỏ quan điểm về việc xử phạt các phương tiện khi không đủ điều kiện đi vào làn ETC, tài khoản Facebook P.V.T nêu: "Không phủ nhận những tiện lợi của thu phí không dừng mang lại nhưng những động thái cứng rắn của các cơ quan chức năng khiến người đi ô tô cảm giác như bị cưỡng bức dùng dịch vụ và chỉ cần sơ suất nhỏ là phải trả giá bằng khá nhiều tiền".
Tài khoản này cho rằng, việc các xe bị phạt 1,5 triệu đồng nếu đi vào làn ETC khi không đủ điều kiện (không dán thẻ hay tài khoản VETC không đủ tiền) là quá nặng và cứng nhắc. Việc đi nhầm làn ETC chỉ gây chậm 1 chút cho các xe khác chứ không làm gia tăng nguy cơ gây tai nạn. Việc xử phạt nên chỉ ở mức độ đủ nhắc nhở chứ không nên ở mức như lỗi vi phạm luật giao thông. Theo mình các xe đi nhầm chỉ cần được nhanh chóng cho qua barie vào khu phạt và nộp tiền gấp đôi phí qua trạm là đủ.
Một tài khoản khác cũng bày tỏ: "Muốn sử dụng dịch vụ ETC bạn phải nạp tiền vào tài khoản ETC, nó giống như dùng thuê bao trả trước. Nếu so với các dịch vụ điện thoại, bạn trả trước được nhiều ưu đãi như chiết khấu tiền mua thẻ nạp, nhân đôi tài khoản... thì dùng ETC bạn lại mất thêm phí chuyển khoản từ tài khoản ngân hàng vào tài khoản ETC. Nếu tính bình quân 1 xe nạp trước 200 nghìn đồng là số tiền không lớn nhưng nhân với hơn 1 triệu xe đang lưu thông, số tiền mà các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ETC đang thụ hưởng của khách hàng là con số không hề nhỏ. Điều đó là không công bằng nếu xét trên góc độ quan hệ nhà cung cấp với khách hàng".
Tài khoản T.A cũng nêu ý kiến: "Điều bất công là khi khách hàng sơ ý thì bị phạt rất nặng nhưng khi nhà cung cấp bị lỗi dịch vụ thì không hề có sự đền bù. Ngược lại những xe qua trạm ETC chắn không tự động mở do lỗi dịch vụ, khách hàng phải nộp tiền mặt, lúc sau lại báo trừ tiền tài khoản ETC".
Phải có sự công bằng
Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy khẳng định: "Thu phí không dừng không những tiết kiệm được chi phí, thời gian, chống ùn tắc mà chống lợi ích nhóm, tiêu cực. Vì vậy, các cơ quan chức năng và người dân cần phải thực hiện nghiêm túc và sử dụng thu phí không dừng đúng quy định. Do đó, việc tài khoản VETC chưa nạp đủ tiền hay không đủ điều kiện đi vào làn ETC mà vẫn cố đi vào thì bị phạt là đúng".
Theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy, việc sử dụng và vận hành làn ETC đã được cơ quan chức năng hướng dẫn, tuyên truyền trong thời gian dài và đủ để áp dụng sử phạt đối với những người không tuân thủ theo quy định. Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận khách quan về việc lỗi xuất phát từ đâu và từ ai dẫn đến bị phạt.
Trường hợp lỗi hệ thống, lỗi do quản lý, vận hành thì đơn vị này phải chịu trách nhiệm và tài xế sẽ không bị phạt. Do đó, phải yêu cầu đơn vị cung cấp dịch vụ phải luôn đảm bảo máy móc, thiết bị, công nghệ chuẩn, không bị lỗi, không gây ra sự cố. Ngược lại, chính đơn bị này sẽ phải bị phạt.
"Phải công bằng, bên nào lỗi thì bên đấy bị phạt" - chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy nói và đề nghị, thu phí không dừng phải được áp dụng đồng bộ trên mọi tuyến đường có trạm thu phí để mang lại hiệu quả giao thông và chống tiêu cực, lợi ích nhóm.
Tranh cai viec xu phat tien xe khong du dieu kien vao lan ETC-Hinh-2
 Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy.
Chia sẻ trên Báo KTĐT, GS.TS Từ Sỹ Sùa – giảng viên cao cấp trường Đại học GTVT cho rằng, để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ ETC, trước hết các nhà cung cấp dịch vụ phải chứng minh dịch vụ của mình bảo đảm thuận tiện, lợi ích cho người sử dụng. “Các nhà cung cấp dịch vụ cần khẩn trương khắc phục triệt để những bất cập trong vận hành hệ thống, đồng thời các đường dây nóng phải thông suốt, kịp thời xử lý những bất cập, tránh gây bức xúc cho khách hàng” – GS.TS Từ Sỹ Sùa nói.
Được biết, mới đây Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu các nhà đầu tư bổ sung hệ thống, mua sắm trang thiết bị để hoàn thành việc tăng số làn theo quy định vào quý I/2022. Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhấn mạnh, sau thời hạn trên, dự án nào không thực hiện sẽ đóng các làn thu phí thủ công.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video:  Vì sao thu phí không dừng thất bại
Thiên Tuấn

>> xem thêm

Bình luận(0)