Thông tư 15/2020 của Bộ Công an (có hiệu lực từ 30/3) cho phép cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, CSGT, công an cấp xã từ chối làm việc đối với người có biểu hiện dùng chất kích thích, mặc phản cảm hoặc có lời nói, hành vi không chuẩn mực.
Nhiều ý kiến đồng tình việc cấm người có hành vi mặc phản cảm, ăn nói thiếu chuẩn mực đến làm việc ở nơi công quyền. Tuy nhiên, không ít người thắc mắc luật hiện hành quy định thế nào là ăn mặc phản cảm?
"Phải định nghĩa rõ thế nào là ăn mặc phản cảm để tránh trường hợp mơ hồ, tạo kẽ hở cho tiêu cực phát sinh", độc giả Minh Bạch cho biết.
Một bạn đọc khác cho rằng cảm xúc của mỗi người khác nhau. Với người lớn tuổi thế hệ trước không chấp nhận lối ăn mặc phản cảm, nhưng thế hệ trẻ hiện nay coi đó là bình thường vì không có thước đo. Do đó, cần xác định rõ ăn mặc ở mức độ nào thì phảm cảm.
Theo luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật Chính Pháp), hiện rất nhiều quy định sử dụng khái niệm “hành vi phản cảm, ăn mặc phản cảm”. Trong đó, ăn mặc phản cảm mang nhiều cách hiểu khác nhau, có thể gây tranh cãi nếu như đưa vào quy định pháp luật.
Để xử lý hành vi ăn mặc phản cảm cần có hướng dẫn chi tiết thế nào là phản cảm. Tuy nhiên, luật sư chỉ ra hiện nay chưa có một khái niệm chính thống nào từ hệ thống luật định nghĩa cụm từ này.
"Đây là vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa, tinh thần nên khó đưa ra được định lượng như số đo đối với trang phục hay số lượng trang phục mặc ở mức nào là phản cảm", luật sư đánh giá.
Theo luật sư Cường, trước đây khoản 1, Điều 10 Nghị định 73/2010 quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền tối đa 100.000 đồng đối với người không mặc quần, áo hoặc mặc quần áo lót ở nơi hội họp, điểm văn hóa, tín ngưỡng hay trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức.
Còn khoản 1, Điều 16 Nghị định 75/2010 cũng có quy định người mặc trang phục, hóa trang gây phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục sẽ bị phạt tiền 2-5 triệu. Tuy nhiên, sau khi Nghị định 167/2013 thay thế, đã bỏ các nội dung trên.
Có cùng quan điểm trên, luật sư Nguyễn Tiến Dũng (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng đến nay, khi áp dụng các văn bản pháp luật trên vẫn còn gây nhiều tranh cãi bởi chưa giải thích được thế nào là ăn mặc phản cảm, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục.
Ngoài ra, việc sử dụng từ phản cảm thường gắn với các sự kiện, hoạt động liên quan đến thuần phong, mỹ tục nên khó định lượng. Hiện chưa có các văn bản dưới luật hướng dẫn rõ ràng về các hành vi cụ thể.
"Đôi khi mặc hở ít lại phản cảm hơn là hở nhiều, với người này thì mặc như thế là phản cảm, nhưng với người khác thì không, thậm chí có thể là đẹp", luật sư nêu quan điểm.