Tranh cãi loài cá mập xuất hiện ở bờ vịnh Hạ Long

Google News

(Kiến Thức) - Trong khi Phó Viện trưởng Viện TN&MT biển cho rằng đây là loài cá mập mắt lợn thì chuyên gia Viện Nghiên cứu Hải sản lại xác định là cá mập bò mắt trắng.

Thông tin mới nhất liên quan vụ việc trên mạng xã hội có đăng tải hình ảnh một người dân cùng con cá, nghi là loại cá nhám hoặc cá mập (đã chết) trên bờ Vịnh Hạ Long, các chuyên gia bước đầu xác minh đây là cá mập. Tuy nhiên, có những tranh cãi về loài cá mập được phát hiện. 
Phó Viện trưởng Viện TN & MT biển xác định là cá mập mắt lợn
Thông tin từ Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Quảng Ninh sáng 20/9 cho biết: Dựa trên kết quả tổng hợp dữ liệu nghiên cứu trong nhiều năm về đa dạng sinh học cá vùng biển vịnh Hạ Long cùng với ảnh chụp loài cá này trên mạng xã hội (Tài khoản: Andy Nguyễn), Tiến sĩ Sinh học cá biển Nguyễn Văn Quân, Phó Viện trưởng Viện TN&MT biển cùng nhóm chuyên gia nghiên cứu về cá Mập thuộc Đại học Tổng hợp Hokkaido, Nhật Bản do Ts. Kazuhiro Nakaya đứng đầu đã đi tới kết luận đây là hình ảnh của loài Carcharhinus amboinensis (Müller & Henle, 1839) thuộc họ cá Mập Carcharhinidae có tên chuyển thể từ tiếng Anh là cá Mập mắt lợn, tên địa phương thường gọi là cá Nheo.
Loài cá Nheo mắt lợn có thân hình mảnh, phần vị trí phía trước của vây lưng thứ nhất cùng với bề mặt rộng của vây lưng thứ nhất đều không có màu đen nổi bật trên cơ thể cũng như các vây khác (trái với loài cá Mập đuôi đốm Carcharhinus sorrah vẫn gặp ở vịnh Hạ Long).
Tranh cai loai ca map xuat hien o bo vinh Ha Long
 
Trên thế giới, loài này phân bố rộng ở vùng biển Tây Thái Bình Dương bao gồm Biển Đông, xung quanh các đảo thuộc Indonexia và phía Bắc Australia. Theo kết quả nghiên cứu của các nhà ngư loại học trên thế giới, loài cá Nheo này đạt kích thước cơ thể tối đa là 1,9 – 2,5 m và không kết thành đàn lớn mà thành từng cặp lẻ tẻ. Thức ăn ưa thích của chúng là cá, giáp xác, động vật ở tầng đáy ở vùng cửa vịnh hoặc ngoài khơi. Chúng có thể di cư theo mùa vào các khu vực cồn, rạn san hô để sinh sản nhưng rất hiếm khi thấy xuất hiện ở sát bờ hoặc khu vực cửa sông.
Mặc dù, có một số loài thuộc giống Carcharhinus được xếp vào những loài tiềm tàng hoặc gây nguy hiểm trực tiếp cho con người, nhưng cho tới nay, có thể nhận định loài cá Nheo mắt lợn mà mạng xã hội đăng tải là an toàn với con người vì chưa có một công trình nghiên cứu nào trên thế giới thông báo về trường hợp loài này tấn công con người.
Do không có đủ dữ liệu về vị trí đánh bắt, mùa vụ xuất hiện, phạm vi phân bố của loài này cho nên chưa thể khẳng định được loài này có xuất hiện trong vịnh Hạ Long hay không. Tuy nhiên, từ kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước cho thấy không có sự xuất hiện của loài cá Mập tấn công con người nào đã xuất hiện ở khu vực như thông tin mạng xã hội đồn thổi và biển Hạ Long là an toàn cho các hoạt động du lịch, tắm biển của người dân.
Có ý kiến lại khẳng định đây là loại cá mập bò mắt trắng
Ông Phạm Xuân Phương - Trưởng phòng Bảo tồn biển, Vườn quốc gia Bái Tử Long đã gửi thông tin hình ảnh về con cá này đến Viện Nghiên cứu Hải sản. Kết quả xác minh ban đầu khiến nhiều người bất ngờ.
Theo ông Vũ Việt Hà – Viện Nghiên cứu Hải sản cho biết, căn cứ mẫu vật (02 mẫu chụp hình ảnh) gửi qua email chúng tôi xác định loài cá này là Cá mập bò mắt trắng (tên khoa học: Carcharhinus leucas (Valencienes)).
Tranh cai loai ca map xuat hien o bo vinh Ha Long-Hinh-2
 Hình ảnh con cá lạ bên vịnh Hạ Long được đăng tải lên mạng xã hội.
Cá mập bò mắt trắng phân bố ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, môi trường sống ở vùng nước gần bờ từ < 150 m nước ở vùng vũng vịnh, cửa sông. Loài cá này có thể sống trong môi trường nước biển và nước ngọt.
“Ở Việt Nam, loài cá này phân bố từ vùng biển vịnh Bắc Bộ đến Đông và Tây Nam Bộ. Tuổi trưởng thành từ 15-20 tuổi, tuổi thọ lớn nhất trên 32 tuổi. Kích thước trung bình khoảng 2,6 m, lớn nhất khoảng 3,4 m. Khối lượng bắt gặp lớn nhất là 400 kg. Thức ăn ưa thích là các loài giáp xác, cá xương, cá mập, rùa, cá đuối và thú biển. Đây cũng là một trong những loài cá mập sống gần bờ, kích thước lớn, có thể gây nguy hiểm cho con người”, ông Vũ Việt Hà cho biết.
Trước đó, liên quan vụ việc trên, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp Phòng Bảo tồn và Đa dạng Sinh học, Viện Tài nguyên và Môi trường biển (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) tiến hành xác minh ban đầu, đồng thời gửi thông tin đến các chuyên gia đầu ngành nghiên cứu về cá mập thuộc Đại học Tổng hợp Hokkaido Nhật Bản để xác minh thêm.
Theo số liệu điều tra trong nhiều năm của Viện Tài nguyên và Môi trường biển và Bảo tàng Khoa học Quốc gia Nhật Bản về đa dạng sinh học cá biển vùng vịnh Hạ Long cho thấy Họ cá Mập Carcharhinidae chỉ có 2 đại diện thường bắt gặp ở vùng nước ven bờ vịnh Hạ Long đó là: Loài cá Mập đuôi đốm Carcharhinus sorrah, vốn phân bố chủ yếu ở vùng ven đảo và cửa vịnh, ăn cá và giáp xác tầng đáy, hoàn toàn không gây hại cho con người và loài cá Nhám răng chếch đầu nhọn Scoliodon laticaudus phân bố ở vùng nước nông ven bờ ở khu vực cửa vịnh với thức ăn chính là cá và giáp xác, hoàn toán không tấn công con người.
Hơn thế nữa vùng Vịnh Hạ Long là vịnh nông, nằm ở khu vực cận nhiệt đới có mùa đông lạnh, nhiệt độ thấp so với các vùng biển khác nên rất ít khả năng phân bố của các loài cá mập ăn thịt, gây nguy hiểm cho con người như đã từng biết. Mặt khác, từ trước đến nay chưa ghi nhận bất cứ thông tin nào về tai nạn với cá mập trên vùng ven biển Quảng Ninh.
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)