Tràn lan hình thức lừa đảo mùa bão lũ

Google News

Những ngày qua, hàng loạt thông tin sai sự thật đang lan truyền trên mạng xã hội nhằm gây hoang mang dư luận, thậm chí xuất hiện cả hình thức lừa đảo.

Hiện tại, tình hình mưa lũ tại miền Bắc đang thu hút sự quan tâm mạnh mẽ trên mạng xã hội, với hàng loạt thông tin được chia sẻ rộng rãi. Tuy nhiên, bên cạnh những thông tin chính thống từ cơ quan chức năng, một số kẻ xấu đã lợi dụng tình hình mưa lũ để tung tin giả, thậm chí giả mạo tổ chức cứu trợ để lừa đảo quyên góp
Tran lan hinh thuc lua dao mua bao lu
 Fanpage trên mạng xã hội Facebook giả mạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ninh để lừa đảo bằng cách kêu gọi quyên góp, ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Một trong những thông tin giả phổ biến trên mạng xã hội Facebook xuất hiện gần đây có nội dung: “Người dân ở vùng bão lũ mất điện, không có wifi có thể nhập theo cú pháp gửi 191 và áp dụng cho thuê bao mạng Viettel”. Theo bài đăng này, người dùng có thể nhập tất cả các cú pháp như 3ST4G gửi 191, 4G gửi 191, 5GBKM gửi 191, 5GKM gửi 191, ZP15 gửi 191, ST15 gửi 191, ST15N_4G gửi 191, để có mạng.

Để bài viết tăng thêm tính thuyết phục, các đối tượng chèn thêm các từ khóa như “hỗ trợ bão lũ, “chỉ thuê bao ở vùng bão lũ mới đăng ký được” và nhận hàng nghìn lượt tương tác và chia sẻ trên mạng xã hội.

Ngay sau đó, ngày 11/9, Viettel Telecom đã đăng bài phủ nhận về những thông tin trên. Đồng thời khuyến cáo người dùng không nên làm theo để tránh phát sinh không mong muốn.

Lợi dụng tình hình thiên tai, nhiều fanpage giả mạo đã được lập ra để kêu gọi quyên góp từ thiện. Ngày 7/9, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ninh đã cảnh báo về các fanpage giả mạo trên Facebook, mạo danh tổ chức để thu hút sự ủng hộ từ cộng đồng. Dù đã có nhiều báo cáo và tin tức trên báo chí, các trang giả mạo này vẫn tiếp tục tồn tại và lừa đảo người dùng bằng cách yêu cầu chuyển tiền từ thiện.
Ngày 11/9, một fanpage giả mạo khác đã giả danh Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ), kêu gọi quyên góp để hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng bởi sự cố sập cầu Phong Châu. Ông Nguyễn Mạnh Toàn, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Lâm Thao, đã khẳng định thông tin trên fanpage là không chính xác và cảnh báo người dân không chuyển tiền vào tài khoản cá nhân trên trang giả mạo này.
Hay một số cá nhân đã bị lừa đảo khi chuyển hàng triệu đồng cho một người mua áo phao để gửi đến Tuyên Quang. Sau khi chuyển tiền, người này đã biến mất mà không giao hàng như cam kết. Đây là một ví dụ điển hình về việc lợi dụng tình hình thiên tai để chiếm đoạt tiền từ thiện.
Vừa qua, mạng xã hội cũng lan truyền nhiều tin giả về tình hình thiệt hại cơ sở hạ tầng, như việc vỡ đê ở Yên Lập (Phú Thọ), vỡ thủy điện ở Bát Xát (Lào Cai), và các sự cố tương tự. Các cơ quan chức năng đã pphát đi cảnh báo rằng các thông tin này là không đúng sự thật và yêu cầu người dân không tin theo.
Trong thời gian bão số 3 xảy ra, nhiều cơ quan báo chí đã liên tục phát đi các cảnh báo về tin giả nhằm giúp người dân không bị hoang mang, ngăn chặn gián đoạn công tác cứu trợ và bảo vệ niềm tin của cộng đồng vào các cơ quan chức năng.
Việc lan truyền tin giả như trên không chỉ vô tình gây hoang mang dư luận mà còn ảnh hưởng đến nỗ lực cứu trợ tại các khu vực bị ảnh hưởng. Trong khi đó, không chỉ dừng ở việc đăng thông tin sai sự thật, một số kẻ xấu còn lợi dụng nỗi đau của người dân vùng bão lũ để kêu gọi từ thiện trái phép để trục lợi.
Chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu cho biết rằng các đối tượng lừa đảo đang sử dụng hình ảnh đáng thương được tạo ra bằng AI để lừa người dùng chuyển tiền từ thiện. Những hình ảnh này được thiết kế để tạo ra sự cảm thông giả tạo, từ đó khiến người dùng dễ dàng bị lừa đảo.
Trong thời điểm thiên tai như bão số 3 và mưa lũ lịch sử, việc thông tin sai lệch trên mạng xã hội là một thách thức lớn đối với công tác ứng phó và khắc phục hậu quả.
Do đó, việc kiểm chứng thông tin, tăng cường tuyên truyền và xử lý nghiêm khắc các hành vi phát tán thông tin sai lệch là vô cùng cần thiết.
Trước thực trạng tin giả, sai sự thật nói trên, Bộ Công an mới đây phát cảnh báo, người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, không gửi tiền quyên góp, ủng hộ vào các tài khoản không rõ nguồn gốc. “Hiện nay không chỉ các đối tượng gọi điện kêu gọi quyên góp mà các đối tượng còn tạo các trang giả mạo trên các nền tảng xã hội để kêu gọi từ thiện, người dân phải hết sức tỉnh táo, bảo vệ mình trước các hành vi lừa đảo,” thông báo của Bộ Công an lưu ý.
>>> Mời độc giả xem thêm video Nhiều người bị công an triệu tập vì tung tin giả về bão lũ:
 
Bình Nguyên

>> xem thêm

Bình luận(0)