Tổng thầu Trung Quốc đòi 50 triệu USD: Chủ tịch Hà Nội nói gì?

Google News

Ông Nguyễn Đức Chung cho biết tổng thầu dự án Cát Linh - Hà Đông đòi thêm 50 triệu USD để hoàn thành nghiệm thu công trình, trả công cho chuyên gia, đơn vị tư vấn.
 

Tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) ngày 19/6, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã giải đáp nhiều thắc mắc, nguyện vọng của người dân thủ đô về các vấn đề như xuống cấp khu vực hồ Hoàn Kiếm; kế hoạch dãn dân phố cổ.
Đặc biệt, ông Chung dành nhiều thời gian nói về vụ việc nhà thầu Trung Quốc đòi 50 triệu USD tại dự án Cát Linh - Hà Đông đang được người dân quan tâm.
Chỉ tiếp nhận dự án khi nghiệm thu đảm bảo an toàn
Dự án khởi công từ năm 2008 đến nay đã 12 năm rồi và đã có tới 4 lần lỗi hẹn đưa vào vận hành, song, Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh chỉ tiếp nhận công trình khi đã được nghiệm thu và bàn giao an toàn theo đúng quy định, quy chuẩn. Ông cũng cho hay thành phố đã thành lập hẳn một công ty chuyên môn sẵn sàng tiếp nhận, vận hành dự án này.
Về thắc mắc của cử tri liên quan đến khoản tiền 50 triệu USD nhà thầu Trung Quốc yêu cầu, ông Chung cho rằng đây là kinh phí nằm trong dự toán của gói thầu. Nhưng trong quá trình thi công, Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán và xuất toán, Bộ GTVT không thanh toán cho nhà thầu.
"Do vậy nhà thầu yêu cầu, muốn nghiệm thu, hoàn thành họ cần lượng tiền để trả công cho chuyên gia, đơn vị tư vấn", ông Chung lý giải.
Tong thau Trung Quoc doi 50 trieu USD: Chu tich Ha Noi noi gi?
Dự án Cát Linh - Hà Đông triển khai trong 12 năm vẫn chưa hoàn thành. Ảnh: Việt Linh. 
Chủ tịch Hà Nội nói Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ rất quan tâm đến việc này. Thành phố thành lập 1 tổ công tác cùng với Tổ công tác của Bộ GTVT, cùng nhà thầu Trung Quốc, Kiểm toán Nhà nước khắc phục, đẩy nhanh tiến độ dự án này. Trước khi khai thác, dự án cần nghiệm thu độ an toàn, chất lượng cả hệ thống; sau nghiệm thu có 20 ngày chạy thử nghiệm trước khi bàn giao cho Hà Nội.
Hiện nay, tại Hà Nội có 3 nhóm dự án, thứ nhất là nhóm của các bộ, ngành Trung ương triển khai, như Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, chủ đầu tư là Bộ GTVT còn TP Hà Nội là đơn vị thụ hưởng. Tiếp đó là dự án thuộc các Ban Quản lý dự án của thành phố và dự án thuộc các quận huyện triển khai.
Ông Chung nói trách nhiệm kiểm tra, giám sát trước hết của chủ đầu tư, tiếp đó là các đoàn kiểm tra của bộ, ban, ngành Trung ương, thành phố; đoàn giám sát của HĐND. Về quản lý nhà nước, UBND thành phố phân công cho chủ tịch, phó chủ tịch UBND TP kiểm tra, đôn đốc tiến độ hàng tuần.
Xem xét duy trì cấm hàng quán không thiết yếu mở cửa trước 9h
Cử tri Nguyễn Thành Hưng (phường Hàng Đào) kiến nghị thành phố xem xét, điều chỉnh thời gian cho phép mở cửa hàng để tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh tăng thu, có điều kiện nộp thuế cho Nhà nước.
Ông cho rằng các hộ kinh doanh đang khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, chỉ được phép mở cửa sau 9h hàng ngày để hạn chế tiếp xúc, giảm mật độ giao thông tại khu vực đô thị.
Ông Nguyễn Đức Chung nói TP đã cân nhắc rất kỹ về thời gian mở cửa hàng cũng như các cơ sở kinh doanh, cuối cùng đi đến quyết định, tất cả cửa hàng không thiết yếu đều phải mở cửa hàng sau 9h.
Yêu cầu này nhằm mục tiêu chính là phòng chống dịch bệnh. Tính đến nay, đã qua 64 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng. Nhưng dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp. Tỷ lệ số người nhiễm không có triệu chứng lên đến 86-90%.
“Thành phố thí điểm đến 31/12, nhưng nếu tình hình dịch bệnh còn kéo dài thì đây sẽ trở thành quy định vĩnh viễn. Bên cạnh đó còn là giải pháp giảm ùn tắc giao thông. Rất mong cử tri quận Hoàn Kiếm cũng như trên địa bàn thủ đô đồng tình giải pháp này, chúng tôi tin việc ảnh hưởng là không lớn”, Chủ tịch UBND Hà Nội bày tỏ.
Giải đáp về tiến độ dãn dân phố cổ vẫn rất chậm chạp sau hàng chục năm triển khai, ông Chung thông tin UBND thành phố đã duyệt 20 ha đất cho dự án này. UBND quận Hoàn Kiếm đang lựa chọn chủ đầu tư để xây. Bên cạnh đó, thành phố cũng chủ trương nâng mức tiền đền bù để người dân tự mua nhà, đẩy nhanh tiến độ dãn dân.
Tại báo cáo gửi Thủ tướng về tiến độ dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho hay vấn đề bất đồng lớn nhất giữa chủ đầu tư và tổng thầu là việc tổng thầu đòi 50 triệu USD (hơn 1.100 tỷ đồng) để vận hành hệ thống và thanh toán toàn bộ trước khi bàn giao.
Trả lời Zing về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định “chỉ thanh toán theo đúng điều khoản hợp đồng". Ông Đông cho rằng tổng thầu phải chạy thử, đánh giá xong thì mới được thanh toán tiếp. Bộ không thể thanh toán theo nhu cầu vì làm như vậy là trái với hợp đồng.
Theo Sơn Hà/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)