Tổng bí thư, Chủ tịch nước: Không cho phép ai làm trái đường lối của Đảng

Google News

Tổng bí thư yêu cầu ngành nội chính phải ‘gác gôn’ cho Đảng, không cho phép ai làm trái Cương lĩnh, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng.

Phát biểu tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành Nội chính Đảng sáng nay, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá, ngành đã có nhiều nỗ lực, hoạt động ngày càng có hiệu quả, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, nhất là trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Tong bi thu, Chu tich nuoc: Khong cho phep ai lam trai duong loi cua Dang
 
Bước tiến mạnh trong phòng chống tham nhũng
Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước, trong năm qua, ngành Nội chính Đảng đã làm tốt nhiệm vụ, tích cực, chủ động tham mưu góp phần hiện thực hoá và khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".
Công tác phòng chống tham nhũng đòi hỏi sự phối hợp rất nhịp nhàng, thống nhất, vì đây là lĩnh vực phức tạp, đụng chạm đến lợi ích, con người.
"Lợi ích ở đây là lợi ích nhóm, liên quan chằng chịt với nhau, ở các cấp, các ngành, rất lắt léo, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải thực sự có bản lĩnh, có kiến thức, kinh nghiệm, đặc biệt là phải trong sáng, liêm khiết, phối hợp chặt chẽ”, Tổng bí thư nhấn mạnh.
Tổng bí thư bày tỏ rất mừng là Ban Nội chính TƯ cùng các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, công an, kiểm sát, toà án đã phối hợp rất tốt. Nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp được điều tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng quy định.
Công tác phòng, chống tham nhũng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội 12 đến nay có bước tiến mạnh, tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Trong thành tích chung đó, có phần đóng góp quan trọng của ngành Nội chính nói chung và Ban Nội chính TƯ nói riêng.
Tổng bí thư cũng ghi nhận, trong năm qua, Ban đã đề xuất Ban chỉ đạo thành lập 40 đoàn kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế và công tác phòng, chống tham nhũng tại 15 cấp uỷ, bộ, ngành TƯ và 63 tỉnh uỷ, thành uỷ.
"Gác gôn" cho Đảng
Bên cạnh đó, Tổng bí thư đề nghị ngành Nội chính nghiêm túc nhìn thẳng vào những hạn chế; tập trung thảo luận, phân tích rõ nguyên nhân và đề ra giải pháp.
Tổng bí thư yêu cầu, năm 2019, với vai trò là "tai mắt" của Đảng về lĩnh vực phòng chống tham nhũng, trọng trách của ngành là phải phối hợp tham mưu để đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đồng thời siết chặt kỷ luật, kỷ cương, không cho phép ai làm trái quan điểm, cương lĩnh, đường lối của Đảng.
Tổng bí thư nhấn mạnh 6 nội dung cần tập trung trong năm nay. Đó là làm tốt công tác tham mưu để bịt kín những "khoảng trống", "kẽ hở" để "không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không muốn tham nhũng".
Chủ trì và phối hợp nghiên cứu, đề xuất đưa ra được những quan điểm, định hướng lớn về lĩnh vực công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp để phục vụ việc chuẩn bị dự thảo văn kiện Đại hội 13 của Đảng và đại hội đảng bộ các cấp; tham mưu, đề xuất các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng và kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng…
Bên cạnh việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng chống tham nhũng, cần tham mưu kiểm tra, giám sát việc xây dựng, ban hành, thực thi pháp luật có đúng đường lối, quan điểm của Đảng không, có bị tác động, hướng lái chính sách theo giá trị "tự do, dân chủ" của các thế lực thù địch, chống đối không.
“Các đồng chí phải 'gác gôn' cho Đảng trên lĩnh vực này, không cho phép ai làm trái Cương lĩnh, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng”, Tổng bí thư lưu ý.
Mặt khác, tập trung tham mưu việc nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán để phát hiện, xử lý tham nhũng, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước cũng yêu cầu ngành tập trung tham mưu, đề xuất chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.
Trong đó, phải bảo đảm việc xử lý phải nghiêm minh, đúng quy định, không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ, không chịu sức ép của bất cứ tổ chức, cá nhân nào.
Đồng thời khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh"; tập trung xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng "tham nhũng vặt; phải phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan làm công tác chống tham nhũng.
Cùng với đó, chủ động tham gia về công tác cán bộ trong các cơ quan nội chính, nhất là tham gia ý kiến trong việc quy hoạch, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật đối với các chức danh cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tỉnh uỷ, thành uỷ quản lý trong các cơ quan nội chính,…
“Ngành Nội chính Đảng phải chủ động phối hợp, tham mưu cho Đảng kiên quyết loại bỏ những cán bộ tham nhũng, hư hỏng, thoái hoá, biến chất; không để lọt vào quy hoạch nhân sự đại hội đảng các cấp những người không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", có quan điểm lệch lạc, sai trái, mất đoàn kết, tham nhũng, tiêu cực”, Tổng bí thư yêu cầu.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội 12 đến nay, chúng ta đã xử lý kỷ luật 53.107 cán bộ, đảng viên, trong đó có hơn 60 cán bộ thuộc diện TƯ quản lý; điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 643 vụ/1.579 bị cáo về tham nhũng, kinh tế.
Trong 5 năm qua, từ khi tái lập đến nay, Ban Nội chính TƯ đã tham mưu với Ban chỉ đạo đưa 301 vụ án, 361 vụ việc về tham nhũng, kinh tế vào diện theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ.

Theo Thu Hằng/Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)