Chưa có tín hiệu xây dựng
Ngày 10/8, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Tô Lâm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đặt vấn đề tội phạm đánh bạc, tổ chức đánh bạc, cá cược trên mạng diễn biến phức tạp, khó lường. Lực lượng công an xử lý nhiều nhưng không thuyên giảm mà ngày càng tinh vi.
Tham gia trả lời cùng Bộ trưởng Công an, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị định 06 về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế. Sau đó, Bộ Tài chính ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện.
|
Dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng trường đua ngựa được quy hoạch xây dựng tại xã Tân Minh và Phù Linh, huyện Sóc Sơn nhưng đến nay dự án vẫn ì ạch.
|
Năm 2020, Thủ tướng đã cấp phép chủ trương tổ chức đua ngựa tại trường đua huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc nên việc này chưa thực hiện được. "Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư. Khi dự án đua ngựa, đua chó hoàn thành, Bộ Tài chính sẽ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh về đặt cược. Tuy nhiên chưa có dự án nào hoàn thành", ông Phớc nói.
Tìm hiểu của PV Báo Tri thức và Cuộc sống, dự án trường đua ngựa mà Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nhắc đến là tổ hợp vui chơi giải trí – Trường đua ngựa tại huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội. Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn là cánh đồng lúa rộng mênh mông, chưa có tín hiệu về việc xây dựng...Mặc dù địa phương đã thực hiện việc kiểm đếm, đo đạc, cắm mốc giới dự án nhưng đến nay chưa giải phóng mặt bằng.
Điều này cũng giúp cho người dân địa phương tiếp tục canh tác, không gây lãng phí đất trong thời gian chờ động thái mới thành phố Hà Nội.
"Chúng tôi vẫn tiếp tục cấy trồng. Khi nào có thông tin chính thức thì tính sau", một người dân chia sẻ.
Gặp nhiều vướng mắc
Năm 2022, UBND thành phố Hà Nội cũng đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng hình thức thu hồi đất để thực hiện dự án trường đua ngựa Sóc Sơn.
Cụ thể, theo báo cáo về việc sử dụng đất để thực hiện Dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - Trường đua ngựa ở xã Tân Minh và xã Phù Linh (huyện Sóc Sơn) của UBND thành phố Hà Nội, trong quá trình triển khai thực hiện quyết định chủ trương đầu tư, chính quyền sở tại đang gặp một số khó khăn, vướng mắc trong công tác giao đất, cho thuê đất.
Căn cứ Khoản 1 Điều 169 Luật Đất đai 2013, Nhà đầu tư dự án (Tổng Cty Du lịch Hà Nội và Công ty Global Consultant Network Co., Ltd) là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nên không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp trực tiếp từ hộ gia đình, cá nhân; chỉ nhận quyền sử dụng đất thông qua nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất từ tổ chức kinh tế trong nước.
UBND thành phố Hà Nội cho rằng, để triển khai thực hiện dự án này cần phải có doanh nghiệp trong nước (tổ chức kinh tế) thực hiện nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện dự án.
Mặt khác, việc thực hiện dự án có quy mô lớn (125ha) bằng hình thức nhận chuyển nhượng (đối với tổ chức kinh tế) sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
Trong khi đó, đối với diện tích đất do UBND xã quản lý nằm trong ranh giới thực hiện dự án nếu đủ điều kiện tách thành dự án độc lập thì phải đấu giá quyền sử dụng đất. Việc này dẫn đến khó triển khai thực hiện.
Theo UBND thành phố Hà Nội, dự án không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định; dự án này còn gồm nhiều mục đích sử dụng khác nhau (trường đua, trung tâm thương mại, biệt thự cho thuê, khách sạn)… nên căn cứ Điều 155 Luật Đất đai 2013 thì chưa đủ cơ sở để áp dụng thực hiện thu hồi đất.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng không đủ cơ sở, điều kiện để xác định dự án này thuộc trường hợp là dự án đầu tư xây dựng khu đô thị không có nhà ở để áp dụng thực hiện thu hồi đất theo quy định.
Từ thực tế trên, UBND thành phố Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng hình thức thu hồi đất để thực hiện dự án này.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 18, HĐND TP Hà Nội khóa XV, UBND TP Hà Nội cũng đã có văn bản trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri về việc đề nghị thành phố kiểm tra, chỉ đạo các đơn vị liên quan đến việc đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án Trường đua ngựa trên địa bàn huyện Sóc Sơn.
UBND TP Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các Sở Tài chính, Tổng Công ty du lịch Hà Nội đề xuất phương án góp vốn trong đó lưu ý rà soát lại việc đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp đảm bảo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước và các quy định liên quan, thẩm quyền quyết định đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp và các tồn tại để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Sóc Sơn báo cáo nội dung tồn tại khi đối chiếu căn cứ pháp lý liên quan để thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đề xuất phương án cụ thể báo cáo Thủ tướng xem xét, chỉ đạo tháo gỡ.
Ngoài ra, UBND TP Hà Nội tiếp tục chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc và ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất cùng chủ đầu tư khẩn trương báo cáo trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng trường đua ngựa tại huyện Sóc Sơn có tổng mức đầu tư 9.577 tỷ đồng (tương đương 420 triệu USD). Hai đơn vị cùng đầu tư dự án là Công ty Global Consultant Network Co.Ltd (Hàn Quốc) và Tổng Công ty Du lịch Hà Nội.
Dự án xây dựng tại địa bàn xã Tân Minh và Phù Linh thuộc huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội. Quy mô sử dụng đất của dự án dự kiến: Trường đua ngựa - sân vận động phục vụ đua ngựa sức chứa 30.000 khán giả rộng 99,5 ha, hồ điều hòa 22,5 ha, khách sạn 3 sao 1,5 ha, trung tâm hội nghị hội thảo 0,5 ha và khu biệt thự nghỉ dưỡng 1 ha.
Trường đua ngựa Sóc Sơn dự kiến được đầu tư theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ quý I/2018 đến quý III/2019, hoàn tất các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng. Giai đoạn 2, từ quý IV/2019 đến quý I/2024 triển khai xây dựng tất cả hạng mục dự án.
>>> Mời độc giả xem thêm video Tiến độ xây dựng trường đua F1 Việt Nam Grand Prix: