Chiều 4/11, tại họp báo thường kỳ Chính phủ, Phó chủ tịch Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, từ ngày 26/9, nước sạch ở khu đô thị Thanh Hà chủ yếu do Công ty CP Nước sạch Thanh Hà điều chỉnh sản lượng khai thác nước ngầm (từ 3.000-3.500m3/ngày đêm giảm còn 1.000-1.500m3/ngày đêm) để đảm bảo chất lượng nước theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
|
Khu đô thị Thanh Hà bị mất nước sạch. |
Bên cạnh đó, áp lực nguồn nước từ Nhà máy Nước mặt sông Đuống cấp cho khu đô thị giảm, do đó không đủ lượng nước cung cấp đến cuối nguồn.
Ngày 9/10, nguồn nước từ Nhà máy Nước mặt sông Đuống được cấp trở lại và đạt từ 800-900m3/ngày đêm. Tuy nhiên, việc cấp nước sạch từ nguồn này không ổn định do áp lực yếu.
Đến ngày 14/10, Công ty CP Nước sạch Thanh Hà dừng cấp nước khiến nơi đây xảy ra tình trạng thiếu hụt nước sạch.
Để khắc phục, TP Hà Nội có nhiều giải pháp cụ thể, đồng thời yêu cầu các đơn vị điều tiết cấp nguồn nước cho cư dân.
Cũng theo ông Hải, hiện nay lưu lượng nguồn nước sông Đuống cấp cho KĐT Thanh Hà đã dần ổn định, với lượng cấp 3.800m3/ngày đêm.
"Chất lượng nước sạch đầu nguồn cấp về cho KĐT Thanh Hà qua công tác lấy mẫu xét nghiệm đều đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng của Bộ Y tế quy định”, Phó chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh.
Thời gian tới, Hà Nội yêu cầu các công ty tiếp tục đảm bảo cấp nước ổn định cho KĐT, khẩn trương xây dựng kế hoạch cải tạo trạm cấp nước cục bộ và thông báo công khai cho người dân.
Đối với Công ty Nước sạch sông Đà, UBND TP chỉ đạo triển khai các giải pháp kỹ thuật nhằm tăng tối đa công suất cấp nước của nhà máy trong điều kiện cho phép, đảm bảo an toàn để bổ sung nguồn nước sạch cho người dân.
Còn Công ty Nước Thanh Hà cần phối hợp với ban quản trị các tòa nhà lên kế hoạch vệ sinh, khử trùng bể ngầm, bể mái tại KĐT.
Lãnh đạo Hà Nội cũng giao Sở Y tế chỉ đạo CDC Hà Nội lấy mẫu nước tại các điểm cấp nguồn, các điểm cấp nước vào các bể chứa, bể ngầm, bể mái và hộ gia đình. Sau đó công khai kết quả kiểm tra.
>>> Mời độc giả xem thêm video Khủng hoảng nước sạch tại Ấn Độ: