Theo ông Lũy, sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục được xây dựng trên tinh thần giải pháp CNGD do GS Hồ Ngọc Đại khởi xướng. Chương trình này được triển khai từ năm 1978 tại trường Thực nghiệm (Hà Nội), sau đó được mở rộng ra các trường tiểu học ở nhiều tỉnh thành khác.
Với môn Tiếng Việt 1 CNGD, học sinh sẽ học cấu trúc ngữ âm của tiếng, không phải đi từ chữ rồi trở lại âm như chương trình hiện hành mà đi từ âm đến chữ, tức là đi từ trừu tượng đến cụ thể.
Từ khái niệm khoa học, học sinh sẽ phân tích những khái niệm đó và dần dần sẽ hiểu được cụ thể.
Vì sao 3 chữ c / k / q đều đọc là /cờ/?
Cách đánh vần theo sách Công nghệ giáo dục được thực hiện theo nguyên tắc cơ bản nhất khi học tiếng Việt là ngay từ đầu, cần phân biệt là Âm/Chữ - Vật thật/Vật thay thế.
Âm và Chữ khác nhau. Âm chỉ có 1, nhưng 1 âm có thể được ghi bằng nhiều chữ theo quy tắc chính tả.
Nguyên tắc như sau:
+ 1 âm ghi bằng 1 chữ: Âm /a/ ghi bằng chữ a; âm /bờ/ ghi bằng chữ b…
+ 1 âm có thể ghi bằng 2 chữ: Âm /gờ/ ghi bằng 2 chữ g hoặc gh theo quy tắc chính tả.
+ 1 âm có thể ghi bằng 3 chữ: Âm /cờ/ ghi bằng 3 chữ c/k/q theo quy tắc chính tả.
+ 1 âm có thể ghi bằng 4 chữ: Âm /ia/ ghi bằng 4 chữ ia/iê/yê/ya theo quy tắc chính tả.
“Về cách đánh vần, từ xưa đến nay, có 3 cách đánh vần.
+ Chẳng hạn với tiếng “huyền”, cách thứ nhất (trước cách mạng Tháng 8): hát-u-hu-y gờ rếch-uy-huy-ê-nờ-uyên-huyên-huyền-huyền.
+ Cách thứ hai (cải cách giáo dục) là: hờ-u-hu-y-ê-nờ-uyên-huyên-huyền-huyền.
+ Cách thứ ba (theo sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục): huyền: huyên – huyền – huyền.
Với cách thứ 3 này, để đánh vần huyên-huyền-huyền thì:
Trước đó phải biết đánh vần tiếng thanh ngang huyên: hờ - uyên – huyên.
Trước đó nữa, phải biết vần uyên: u-yên-uyên.
Trước đó nữa, phải biết vần yên: yê-nờ-iên.
Trước đó nữa, phải biết ia/yê”.
Hay như với từ "ke" trong CNGD sẽ đánh vần theo âm nên tiếng “ke” đánh vần là /cờ/-/e/-/ke/.
Khi học cách phát âm này, học sinh sẽ được học luôn luật chính tả là âm “cờ” đứng trước âm “e” sẽ được ghi bằng chữ “k”.
Với phần nguyên âm đôi, tiếng Việt có 3 nguyên âm đôi là “iê”, “uô” và “ươ”.
Trong đó, âm /ia/ có 4 cách viết “iê”, “ia”, “yê”, “ya”. Âm /uô/ có 2 cách viết “uô” và “ua”; âm /ươ/ có 2 cách viết “ươ” và “ưa”.
Ví dụ tiếng “yêu” được đánh vần là /ia/-/u/-/yêu/, vần “uôi” được đánh vần là /uô/-/i/-uôi/.
Đây là cách đánh vần theo âm thay vì theo chữ ghi lại như trước kia là /y/-/ê/-/u/-/yêu/ hay /u/-/ô/-/i/-/uôi/.
Ông Lũy cũng cho biết, người học phải bắt đầu từ đầu, học từ âm, rồi đến vần, rồi đến tiếng thanh ngang, rồi đến tiếng có các thanh còn lại.
“Nguyên tắc cơ bản nhất ngay từ đầu cần phân biệt Âm và Chữ - Vật thật/Vật thay thế: Âm là Vật thật, có trước, ngay trong cuộc sống hằng ngày của mọi người (hằng ngày, người ta nói với nhau và nghe bằng âm (Tiếng). Chữ là Vật thay thế, có sau, phải học mới biết được. Vấn đề là học như thế nào cho đúng, cho chắc, cho lâu bền”, ông Lũy nói.