Theo đó, người sử dụng có thể tuỳ ý chép một đoạn văn bản tiếng Việt vào đó, công cụ sẽ chuyển văn bản đó sang dạng "tiếq Việt" - dựa theo đề xuất cách viết tiếng Việt mới của PGS-TS Bùi Hiền.
Bộ chuyển đổi tiếng Việt này hưởng ứng theo đề xuất về cách viết tiếng Việt mới của PGS.TS Bùi Hiền. Trên mạng xã hội, rất nhiều người đã sử dụng công cụ này để viết và chia sẻ các đoạn văn bản với nhiều nội dung khác nhau.
Ví dụ khi nhập đoạn thơ của Nguyễn Bính: Em ơi! Em ở lại nhà/ Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương/ Mẹ già một nắng hai sương/ Chị đi một bước trăm đường xót xa sẽ thu được một văn bản: Em ơi! Em ở lại n'à/ Vườn zâu em dốn, mẹ zà em wươq/ Mẹ zà một nắq hai sươq/ Cị di một bướk căm dườq xót xa.
|
Bảng thăm dò ý kiến của Thể thao & Văn hóa về vấn đề trên
|
Sau khi ý tưởng cải tiến tiếng Việt và công cụ chuyển đổi tiếng Việt "lên sóng", Báo Thể thao & Văn hóa đã tiến hành cuộc thăm dò.
Tính đến 9h sáng ngày 2/12 đó có 88.686 người tham gia. Trong đó hơn 72% số người được hỏi cực lực phản đối việc cải tiến trên. Hơn 3% số người phản đối. Hơn 2% số người cho rằng cần nghiên cứu thêm. Ngược lại, 21% đồng ý với đề xuất tiếng Việt cải tiến của PGS TS Bùi Hiền.
Như vậy, có thể thấy nhưng người phản đối việc cải tiến tiếng Việt chiếm áp đảo. Ý tưởng cả tiến tiếng Việt của PGS.TS Bùi Hiền cũng bị giới học giả phản đối gay gắt.
TS Hà Thanh Vân cho rằng: "Đề xuất này là một thất bại ngay từ trong trứng nước. Hơn nữa nghiên cứu của ông Hiền là một nghiên cứu chưa hoàn chỉnh, theo như chính ông nói, mới chỉ là một phần của một công trình nghiên cứu. Ông có lẽ hơi vội vàng khi đưa một nghiên cứu chưa hoàn chỉnh ra trước một hội thảo khoa học".
|
Kết quả thăm dò tính đến sáng 2/12.
|
Nhà Nghiên cứu Lại Nguyên Ân cho rằng "Ý tưởng cải tiến tiếng Việt, chữ Quốc ngữ, chỉ là cơn bão trong tách trà". Ông khẳng định: "Thời nay, tính chất bền vững của các hệ văn tự, trong đó có chữ Quốc ngữ hiện hành nó sẽ còn mạnh mẽ lên gấp nhiều lần vì nó đã đi sâu vào các hoạt động của con người gắn với kỹ thuật số (digital), với Internet. Cho nên càng khó thay đổi! Vì thế, ý tưởng cải tiến chữ Quốc ngữ như vừa nghe quả thật là một sự không tưởng, hay nói như một nhà ngôn ngữ học có thâm niên và trách nhiệm, đó chỉ là "cơn bão trong tách trà" gây tranh cãi trong dư luận mà thôi".
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: "Ngôn ngữ và chữ viết không chỉ là một vấn đề khoa học thuần túy mà còn phụ thuộc rất nhiều vào thói quen sử dụng của xã hội. Việc thay đổi chữ viết là vấn đề rất lớn, và sẽ đòi hỏi tính hệ thống rất cao khi thực hiện.
Do vậy, thẳng thắn, đề xuất này là không khả thi. Và nếu được áp dụng, việc này sẽ gây đảo lộn rất lớn trong xã hội".
Nhà phê bình Nguyễn Hòa, tác giả của Bàn phím và cây búa đã đưa ra quan điểm của mình: "Tôi thấy ngồ ngộ, buồn cười. Và tôi liên tưởng một thời có vị ở Việt Nam hì hục chứng minh Pi không phải là 3.14159265359… Không sành sỏi về Ngôn ngữ học, tôi vẫn thấy kỳ cục khi cho rằng “Hiện tại, chúng ta sử dụng 2, 3 chữ cái để biểu đạt một âm vị phụ âm đứng đầu. Ví dụ C-Q-K (cuốc, quốc, ca, kali), Tr-Ch (tra, cha), S-X (sa, xa)” là bất hợp lý! Như “cuốc” và “quốc” chẳng hạn, đúng là cùng một âm vị nhưng điều đáng quan tâm là lại rất khác nhau về nghĩa".
Ngày 30/11, Bộ GD&ĐT cũng đã có thông cáo báo chí liên quan đề xuất cải tiến chữ viết của PGS.TS Bùi Hiền - nguyên Phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên Phó viện trưởng Viện Nội dung & Phương pháp dạy - học phổ thông.
"Ý kiến của PGS.TS Bùi Hiền về cải tiến chữ Quốc ngữ là đề xuất trong một hội thảo khoa học của ngành Ngôn ngữ học. Bộ GD&ĐT trân trọng tất cả các công trình nghiên cứu và đề xuất nghiêm túc của các nhà khoa học.
Tuy nhiên, để đưa một đề xuất liên quan đến vấn đề cải tiến chữ viết của ngôn ngữ quốc gia vào thực tế cần có sự thẩm định của các chuyên gia, ý kiến của các tầng lớp nhân dân và sự xem xét, quyết định của Quốc hội, Chính phủ. Bộ GD&ĐT không đủ thẩm quyền và không có dự kiến áp dụng bất cứ một phương án nào về cải tiến chữ viết quốc gia trong giai đoạn hiện nay" - Bộ GD&ĐT cho biết.