Thực hư thiếu úy công an và bảo vệ dân phố TP.HCM “làm tiền” sinh viên

Google News

(Kiến Thức) - Trường hợp đơn tố giác là đúng, cán bộ công an và bảo vệ dân phố có hành vi dọa nạt, đòi tiền và ép ký giấy bán xe đối với nam sinh viên là hành vi vi phạm pháp luật và phải chịu trách nhiệm hình sự. Hành vi trên có dấu hiệu tội Cưỡng đoạt tài sản và tội nhận hối lộ.

Ngày 19/12, Công an TP.HCM cho biết đang điều tra việc thiếu úy Phạm Thái Vinh (cán bộ Công an phường 17, quận Bình Thạnh) và Nguyễn Hoàng Minh (32 tuổi, bảo vệ dân phố) bị tố cưỡng đoạt tài sản của một người dân.
Cụ thể, theo tố giác của C.H.Đ (sinh viên một trường du lịch có trụ sở ở quận Tân Bình, TP HCM), tối ngày 17/12, Đ. chạy xe Exciter trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh hướng từ Thị Nghè (quận Bình Thạnh) về quận 1 thì bị một nhóm 6 người mặc thường phục yêu cầu tấp vào lề trước số nhà 175 Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh. Tại đây, nhóm người rút thẻ ngành công an và đưa Đ. cùng xe máy về trụ sở công an phường 17, quận Bình Thạnh để kiểm tra hành chính.
Quá trình kiểm tra, công an phát hiện trong cặp nam sinh viên có một con dao. Nam sinh phân trần mua dao để khui các thùng hàng phục vụ công việc làm bếp nhưng không được cảnh sát chấp nhận.
Đáng chú ý, một trong số người này đã nói với hành vi tàng trữ hung khí trái phép, Đ. sẽ bị phạt từ 10 đến 15 triệu đồng và nói sẽ giúp đỡ Đ. không bị đi tù. Theo tố giác của Đ. thì mức giá người này đưa ra là 10 triệu đồng và giao tiền vào lúc 11 giờ ngày 18/12.
Do không có tiền nên một cán bộ công an phường yêu cầu Đ. ký giấy bán xe với giá 15 triệu đồng, khi nào có tiền đến chuộc lại và khi Đ. viết giấy mua bán xe với Nguyễn Hoàng Minh - bảo vệ dân phố thuộc sự quản lý của Công an phường 17 với giá 15 triệu đồng và được cho về lúc 0 giờ ngày 18/12.
Thuc hu thieu uy cong an va bao ve dan pho TP.HCM “lam tien” sinh vien
 Trụ sở Công an phường 17 (quận Bình Thạnh), nơi sinh viên Đ. bị đưa về làm việc. Ảnh: NLĐ
Sau khi nhận được tin báo tố giác tội phạm, Giám đốc Công an TP HCM, Trung tướng Lê Đông Phong đã chỉ đạo lực lượng Thanh tra Công an TP HCM tiếp cận người tố giác. Khi Nguyễn Hoàng Minh chạy xe máy ra khu vực Hàng Xanh (quận Bình Thạnh) gặp Đ. thì bị lực lượng thanh tra đưa về trụ sở làm việc.
Tại công an, cả Nguyễn Hoàng Minh và thiếu úy Vinh đều chối bỏ sự việc. Tuy nhiên, sinh viên Đ. có cung cấp một số đoạn ghi âm trao đổi giữa Đ. và những người liên quan.
Dư luận đặt câu hỏi, nếu tố giác của nam sinh viên là đúng, thì thiếu úy công an và bảo vệ dân phố sẽ bị xử lý thế nào theo quy định của pháp luật? Nếu nam sinh viên tố cáo không đúng sự thật, liệu có bị xử lý?
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luât sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, đối với sự việc nêu trên thì cơ quan điều tra nhận được tin tố giác phải có trách nhiệm tiến hành xác minh, kiểm tra các hành vi theo nội dung tố giác.
Thời hạn tiến hành giải quyết tin tố giác tuân theo quy định tại Điều 147 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (thông thường là 20 ngày, hoặc có thể gia hạn thêm). Hết thời hạn luật định và căn cứ vào thông tin thu thập, điều tra được cơ quan điều tra cần ra các quyết định cụ thể như: quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự, tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo tội phạm...
"Cơ quan điều tra cần phải xác minh sự việc trong đơn tố giác có hay không? Nhóm người bị tố giác gồm những ai và có phải là công an hay không? Nhóm người này đã dọa nạt anh Đ như thế nào? Anh Đ có vi phạm gì khi tham gia giao thông hay không? Có thật sự là anh Đ bị ép ký giấy bán xe hay không và bán cho ai?", Luật sư Tùng cho biết.
Thuc hu thieu uy cong an va bao ve dan pho TP.HCM “lam tien” sinh vien-Hinh-2
 Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa.
Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, trường hợp xác minh anh Đ. không có vi phạm gì thì hành vi dọa nạt, đòi tiền và ép ký giấy bán xe của nhóm đối tượng nêu trên (như trong đơn tố cáo) là hành vi vi phạm pháp luật và phải chịu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, hành vi trên có dấu hiệu về tội Cưỡng đoạt tài sản (Khoản 1 Điều 170 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017): “1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.” Hành vi uy hiếp, dọa nạt để uy hiếp tinh thần anh Đ. để anh Đ. miễn cưỡng phải đưa tiền, ký giấy bán xe chính là “có thủ đoạn khác”. Điều này đã cấu thành tội Cưỡng đoạt tài sản.
Đồng thời có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội nhận hối lộ (Khoản 1 Điều 354).
“Các đối tượng trong nhóm nêu trên nếu xác thực là công an và dân phòng đang đi làm nhiệm vụ mà lại “vòi tiền” anh Đ. để “bỏ qua sự việc” thì là hành vi nhận hối lộ “ 1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vìlợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:” Anh Đ. đã chủ động khai báo sự việc này thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Khoản 7 Điều 364 BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017”, Luật sư Hoàng Tùng cho biết.
Bên cạnh đó, Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, trường hợp kết quả điều tra xác minh sự việc nêu trên không có, không như nội dung tố cáo thì hành vi tố cáo sai của nam sinh viên tên Đ. sẽ phải trịu trách nhiệm trước pháp luật.
“Hành vi tố cáo sai với nội nêu trên (nếu có) đã xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự nhân phẩm của các chiến sĩ công an. Hành vi này bi xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP Theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự :xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng. Trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vu khống theo Điều 156 BLHS.
>>> Mời độc giả xem video Làm rõ thủ đoạn của nhóm đối tượng cưỡng đoạt tài sản tại huyện Việt Yên:

Nguồn: Truyền hình Bắc Giang.

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)