Công ty Giang Tô (Trung Quốc) cam kết với huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) ngày 15/12 sẽ gửi kế hoạch chi tiết hoàn trả đường đã mượn để thi công cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi tuy nhiên bốn ngày trôi qua nhà thầu này vẫn biệt tăm.
Tai nạn giao thông tăng đột biến
Trao đổi với Zing.vn, ông Đoàn Hà Yên, Phó chủ tịch tịch UBND huyện Bình Sơn, cho biết ngày 12/12, địa phương đã có buổi làm việc với nhà thầu Giang Tô. Họ thống nhất với huyện ngày 15/12 sẽ gửi kế hoạch sửa chữa bảy tuyến đường đã mượn để thi công gói thầu A3, tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Tuy nhiên, nhà thầu Trung Quốc này vẫn liên tục thất hứa.
"Một số kỹ sư của nhà thầu điện thoại cho tôi giải thích nguyên nhân chậm gửi kế hoạch hoàn trả đường cho dân là do chờ tổng hợp trình lãnh đạo người Trung Quốc ký duyệt, sau đó mới làm được", ông Yên nói.
|
Nhà thầu Giang Tô (Trung Quốc) mượn tuyến đường từ trung tâm huyện Bình Sơn về xã Bình Trung thi công cao tốc gây hỏng nặng. Ảnh: Minh Hoàng. |
Hiện các tuyến đường ĐH.01, ĐH.02, ĐH.05, ĐH.06 và ba tuyến đường ở xã Bình Trung này xuống cấp nghiêm trọng, xuất hiện "ổ voi, ổ gà" gây ra nhiều vụ tai nạn cho người dân.
Ông Hồ Văn Nhì, Phó chủ tịch UBND xã Bình Trung, cho biết nhà thầu chậm hoàn trả đường khiến tuyến qua địa phương xuất hiện nhiều ao nước lớn. "Học sinh đến trường liên tục té ngã, nhiều trường hợp bị thương phải nhập viện. Tết Nguyên đán đã cận kề nhưng người dân đi lại phải lội nước qua nhiều hố sâu trên đường khốn khổ", ông Nhì phàn nàn.
Thống kê của huyện Bình Sơn, năm 2019 địa phương này xảy ra 33 vụ tai nạn giao thông khiến 33 người chết, tăng đột biến so với năm ngoái. Trong số này có nhiều vụ tai nạn trên các tuyến đường tan nát do nhà thầu Trung Quốc mượn phục vụ vận chuyển nguyên vật liệu thi công dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Trước tình hình này, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Đoàn Hà Yên yêu cầu công an địa phương vào cuộc điều tra. "Nếu xác định vụ tai nạn nào nghiêm trọng liên quan trực tiếp đến các nhà thầu chậm sửa đường thì công an lập hồ sơ, xử lý hình sự", ông Yên nhấn mạnh.
Trong khi đó, tại huyện Tư Nghĩa, dù Ban quản lý đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (VEC) cam kết với cơ quan chức năng Quảng Ngãi sửa chữa hai tuyến tỉnh lộ và 7 tuyến đường huyện cho địa phương chậm nhất đến tháng 10/2018 hoàn thành tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực hiện.
|
"Ổ voi" dày đặc trên đường dân sinh từ trung tâm huyện Bình Sơn về xã Bình Trung thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. Ảnh: Minh Hoàng. |
Về vấn đề này, Công ty Posco E&C (Hàn Quốc), đơn vị thi công gói thầu A5 đi qua huyện Tư Nghĩa vừa gửi văn bản phúc đáp UBND tỉnh Quảng Ngãi. Họ cho rằng VEC dường như đã bỏ qua cam kết về việc hoàn trả đường địa phương đã mượn phục vụ thi công đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Thuê luật sư tranh cãi việc hoàn trả đường
"Chúng tôi đã nỗ lực hoàn trả các tuyến đường địa phương theo đúng hợp đồng mặc dù thiết kế bị trì hoãn. Posco chỉ thanh toán cho thầu phụ thi công khi đã nhận thanh toán từ chủ đầu tư", đại diện nhà thầu thi công Posco E&C nói.
Trao đổi với Zing.vn, ông Hoàng Việt Hưng, Giám đốc Ban quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, phân trần hiện nay nhà thầu Giang Tô (Trung Quốc) thi công gói thầu A3 mượn đường ở huyện Bình Sơn và nhà thầu Posco E&C (Hàn Quốc) thi công gói thầu A5 mượn đường ở huyện Tư Nghĩa còn tranh cãi với chủ đầu tư một số vấn đề.
Các nhà thầu cho rằng VEC cùng nhà thầu ký mượn đường của các địa phương phục vụ thi công cao tốc thì cùng chung trách nhiệm hoàn trả đường cho dân. Hiện nhà thầu Posco E&C đã thuê luật sư để hỗ trợ, tư vấn pháp lý tranh cãi về vấn đề này.
"Chúng tôi đang rà soát kỹ lại tất cả văn bản xem xét thời điểm đó các bên ký cam kết mượn đường địa phương thế nào. Nếu trước đây chủ đầu tư có ký văn bản đứng ra mượn đường thì VEC sẽ chịu trách nhiệm sửa chữa. Trường hợp, nhà thầu ký nhưng chây ì kéo dài không hoàn trả đường cho dân, chúng tôi sẽ trích tiền bão lãnh hợp đồng dự án chuyển tiền cho các địa phương sửa chữa các tuyến đường này", ông Hưng nói.