Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9

Google News

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương được kết nối đến điểm cầu 63 địa phương.

Sáng 30/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến điểm cầu 63 địa phương. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các cơ quan Trung ương và các địa phương. Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta đã đi qua 3/4 chặng đường của năm 2023 trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp; khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi.
Thu tuong Pham Minh Chinh chu tri phien hop Chinh phu thuong ky thang 9
Thủ tướng Phạm Minh Chính.  Ảnh VOV.
Thủ tướng nhấn mạnh một số điểm nổi lên như hậu quả dịch COVID-19 kéo dài; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột tại Ukraine còn phức tạp. Về kinh tế toàn cầu, lạm phát vẫn neo ở mức cao; tăng trưởng thấp, không đồng đều và còn bấp bênh. Thông tin thêm về tình hình kinh tế thế giới, Thủ tướng cho biết tại châu Âu, thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, lạm phát giảm từ mức 11,5% vào tháng 10/2022 xuống 5,9% vào tháng 8/2022 nhưng vẫn còn cách xa mục tiêu 2%; GDP quý I và quý II tăng lần lượt 1,1% và 0,4%.
Lạm phát tại Hoa Kỳ-thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, tăng trở lại trong 2 tháng gần đây, ở mức 3,7% trong tháng 8 và còn cách xa mục tiêu 2%; GDP quý I và quý II tăng lần lượt ở mức 1,7% và 2,4%. Theo dự báo gần đây, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 ở mức khoảng 3%. Tuy nhiên, Trung Quốc, Nhật Bản, EU phục hồi yếu hơn, một số nước như Đức tăng trưởng âm.
Đáng chú ý, lãi suất điều hành của Mỹ hiện nay là 5,25-5,5% và có thể tiếp tục tăng trong năm 2023. Châu Âu đã nâng lãi suất lên mức cao nhất là 4% kể từ khi đồng Euro ra đời vào năm 1999. Thương mại, đầu tư quốc tế và nhu cầu ở các thị trường lớn suy yếu; chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy cục bộ; hàng rào bảo hộ gia tăng. IMF đánh giá tăng trưởng thương mại thế giới giảm từ 5,2% năm 2022 xuống 2% năm 2023. Rủi ro về tài chính, tiền tệ, bất động sản, nợ công gia tăng, nợ toàn cầu ở mức cao nhất từ trước tới nay; niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng giảm sút.
Thu tuong Pham Minh Chinh chu tri phien hop Chinh phu thuong ky thang 9-Hinh-2
 Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến điểm cầu 63 địa phương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự giám sát, đồng hành của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, kết quả nhìn chung tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước; đạt được mục tiêu tổng quát đề ra: Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn (về thu chi, xuất-nhập khẩu, năng lượng, lương thực, lao động) được bảo đảm; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người dân được nâng lên. Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh. Chính trị-xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; uy tín và vị thế quốc tế của nước ta tiếp tục được củng cố, nâng lên.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế-xã hội vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức không nhỏ như tăng trưởng thấp hơn kế hoạch; sức ép lạm phát còn cao; các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, tiếp cận tín dụng còn khó khăn; nợ xấu có xu hướng tăng… Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận, phân tích, đánh giá kỹ, khách quan về bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước; kết quả đạt được, hạn chế, bất cập; nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 10, quý IV năm 2023 và thời gian tới.
>>> Xem thêm video: 9 phát ngôn ấn tượng của Thủ tướng Phạm Minh Chính
 

Gia Đạt

>> xem thêm

Bình luận(0)