Tại tổ TP Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành khá nhiều thời gian để nói về vấn đề lũ lụt, thiên tai ở các tỉnh miền Trung. Theo Thủ tướng, chưa bao giờ thiên tai lại dồn dập như vậy, gây ra thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Tác động của mưa lũ tới GDP, nông nghiệp, chăn nuôi, gia súc và gia cầm là rất lớn.
Thủ tướng cho hay, Chính phủ sẽ có biện pháp mạnh tay hơn trong hỗ trợ nhà ở, khắc phục nhà sập, chăm sóc và hỗ trợ tìm người mất tích. Đồng thời có biện pháp mạnh mẽ hơn khắc phục hậu quả lũ lụt, đưa ra giải pháp dự phòng cơn bão số 10.
Đề cập đến các vụ việc sạt lở đất nghiêm trọng, Thủ tướng nhấn mạnh nguyên nhân chính là do kết cấu địa chất bị ảnh hưởng do mưa lớn kéo dài. Theo Thủ tướng, vùng núi ở các tỉnh miền Trung rất dốc, nhiều đất sét, mưa lớn đã phá hỏng kết cấu địa chất.
|
Thủ tướng phát biểu tại phiên thảo luận. |
Thủ tướng thông tin, rừng già còn nhiều, khảo sát nhiều nơi thảm thực vật vẫn còn 80-90%, nhưng mưa lũ như vừa qua thì không kết cấu đất nào chịu được. Người đứng đầu Chính phủ đề nghị cần phải đánh giá đầy đủ toàn diện hơn để có biện pháp tối đa, thúc đẩy tăng trưởng xanh, hạn chế tác động của con người, hạn chế lấy rừng, lấy đất.
Khu vực Trà Leng không có thuỷ điện, ở Hướng Hoá (Quảng Trị) nơi 23 chiến sỹ hy sinh thì núi cách nơi nghỉ của bộ đội 1,6km, còn ở Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế), núi sạt lở cách khoảng 200-300m.
Thủ tướng cũng cho biết, cách đây 7-8 năm, khi còn làm Phó Thủ tướng, lên Lào Cai thấy lũ xuất hiện, mưa 2.000 mm trong mấy ngày, khiến “hòn đá to bằng mái nhà cũng trôi hết”.
“Tác hại của thiên nhiên rất lớn. Chúng ta cần đánh giá toàn diện hơn để có biện pháp hạn chế tối đa tác động của con người. Đó là, tăng trưởng xanh, hạn chế thuỷ điện để không lấy rừng, đất rừng”, Thủ tướng nhấn mạnh và nhắc lại yêu cầu rất nhiều lần là “Tây Nguyên không thể thành sa mạc mà Tây Nguyên phải là rừng xanh bạt ngàn”.
Quốc hội hiện đã ra nghị quyết nêu rõ, những công trình nào lấy đất rừng thì phải trình ra Quốc hội xem xét.
Hôm nay, Chính phủ trình ra Quốc hội đề nghị chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án Hồ chứa nước Sông Than, tỉnh Ninh Thuận và dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An.
“Công trình đó lấy một ít đất rừng nhưng có tác dụng rất lớn là để giải quyết đời sống, nước uống sinh hoạt ở khu vực đó. Chứng minh được thì Quốc hội mới thông qua. Còn những công trình thuỷ điện nhỏ tôi đồng ý là nên rất hạn chế”, Thủ tướng nêu rõ.
Đánh giá kỹ hơn về tác động của thủy điện tới môi trường
Tại tổ 12, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cũng dành thời gian nói về an toàn hồ, đập thủy điện và tác động của thủy điện tới lũ lụt miền Trung thời gian qua.
Cả nước có 429 công trình thủy điện được đưa vào vận hành, khai thác với dung tích khoảng 56 tỷ m3, chiếm 86% dung tích hồ chứa nước trên cả nước.
“Hiện có 401/401 các đập thủy điện đã được chủ đập thực hiện theo đúng quy định về báo cáo hiện trạng an toàn đập; 100% đập thực hiện đúng quy định về bảo trì, kiểm tra, sửa chữa đập; có 376/401 đập được chủ đập thực hiện theo đúng quy định về quy trình vận hành hồ chứa.
Có 401/401 hồ chứa có các quy trình đã được các cơ quan có thẩm quyền của T.Ư hoặc địa phương phê duyệt theo quy định về phương án ứng phó thiên tai cũng như tham gia phối hợp trong phòng chống ứng phó bão lũ tại địa phương”, Bộ trưởng Công thương thông tin.
|
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh. |
Trong đợt bão lũ 2020, Bộ Công thương đã phối hợp bộ, ngành tổ chức các đoàn đi kiểm tra an toàn hồ, đập thủy điện. Vừa rồi, Thủ tướng đã trực tiếp tổ chức các đoàn đi kiểm tra, làm việc với các địa phương tại khu vực miền Trung.
Qua thực tế, tất cả hồ đập thủy điện tại khu vực đều đảm bảo về an toàn đập cũng như vận hành của hồ”, ông Trần Tuấn Anh khẳng định đồng thời cho biết, tất cả các hồ đập thủy điện đều thực hiện quy trình xả lũ và vận hành liên hồ, đơn hồ theo đúng quy định pháp luật.
Theo ông, một số thông tin nói hồ đập, thủy điện ở miền Trung gây ngập lụt cho các địa phương chỉ là cách viết trên thông tin truyền thông.
“Tại miền Trung có khu vực có lúc lưu lượng mưa đạt đến đỉnh 2.000mm, thậm chí 3.000mm”, ông nói và cho biết, với các cơn bão liên tục, thời gian lưu bão lâu và liều lượng mưa lớn thì hầu như tất cả khu vực miền Trung, nhất là nơi địa chất yếu bị sạt lở gây tai nạn rất thương tâm.
“Tất nhiên, trong câu chuyện ảnh hưởng của hoạt động kinh tế xã hội, dân sinh tới môi trường thì còn là vấn đề sẽ phải đánh giá kỹ hơn, kể cả công trình thủy điện, giao thông, công trình của quân đội...
Tuy nhiên, phải khẳng định tính dị thường, cực đoan của thời tiết là một nguyên nhân lớn ảnh hưởng đến môi trường tại địa phương và mức độ, hậu quả ghê gớm của thiên tai, lũ lụt thời gian qua”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.
Cần có nghị quyết di dân ra khỏi vùng thiên tai
Tại tổ Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng lưu ý, chưa có năm nào như năm nay, từ đầu năm đến nay diễn biến thiên tai rất bất thường, tác động của biến đổi khí hậu. Bà đề nghị khi thảo luận về kinh tế xã hội phải gắn với khắc phục hậu quả, vừa chuẩn bị đề phòng những diễn biến mới.
“Bây giờ bà con khổ lắm, nhà không có, không có gì ăn, mỳ tôm không có nước để nấu, phải ăn sống. Tất cả những cái đó trong kế hoạch 2020 - 2021 phải dành nguồn lực, nhất là hiện đang bàn về phân bổ ngân sách T.Ư", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
|
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. |
Bà Ngân cho rằng, trước mắt Chính phủ tiếp tục hỗ trợ lương thực, thuốc men không để bị dịch bệnh, đói khát; giúp cho đồng bào khôi phục lại nhà cửa, trường học, trụ sở cho sạch sẽ để trở lại cuộc sống tuy chưa bình thường nhưng cũng phải giảm bớt khó khăn.
“Lực lượng vũ trang quân đội, công an oằn mình cùng đồng bào trong lũ và có người hy sinh. Chúng ta có ĐBQH Nguyễn Văn Man đã hy sinh”, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.
Theo bà Ngân, Chính phủ phải chỉ đạo rà soát lại tất cả các kịch bản biến đổi khí hậu để điều chỉnh phù hợp và cần nâng cao chất lượng dự báo thiên tai. Phải đánh giá những nguy cơ tổn thương do thiên tai mang lại để chuẩn bị nguồn lực ứng cứu.
Chính phủ phải lồng ghép nội dung phòng ngừa thiên tai, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, chiến lược cho cả nhiệm kỳ tới. Đây là trách nhiệm nặng nề nhưng Chính phủ phải chỉ đạo làm.
Đồng thời, phải nhanh chóng quy hoạch bố trí sắp xếp dân cư ra khởi nơi có nguy cơ lũ quét trong thời gian tới.
“Tôi đề nghị Quốc hội phải bàn về vấn đề này, thông qua nghị quyết để Chính phủ chủ động di dân ra khỏi vùng thiên tai. Hàng năm, phải chú ý ngân sách cho nhiệm vụ này”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.