Chiều 28/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và thực hiện nghi thức khởi công xây dựng cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn 1) - dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông có quy mô lớn nhất từ trước tới nay trên địa bàn 2 tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang.
Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) có tổng chiều dài 104,5 km, trong đó 77 km thuộc tỉnh Tuyên Quang và 27,5 km thuộc tỉnh Hà Giang. Điểm đầu tại nút giao cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ với Quốc lộ 2D, thuộc xã Nhữ Khê, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang), điểm cuối tại xã Tân Quang (Bắc Quang). Trên địa phận tỉnh Hà Giang, điểm đầu nối tiếp tại cuối cầu Vĩnh Tuy thuộc địa phận thị trấn Vĩnh Tuy (Bắc Quang); điểm cuối tại Km27+480, địa phận xã Tân Quang (Bắc Quang).
|
Thủ tướng phát biểu tại lễ khởi công cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (Ảnh: VGP) |
Quy mô giai đoạn 1 gồm 2 làn xe, đạt tiêu chuẩn đường cao tốc cấp 100, vận tốc thiết kế 100 km/giờ (giai đoạn hoàn chỉnh, sẽ mở rộng lên 4 làn xe). Bồi thường, giải phóng mặt bằng theo phạm vi xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang hoàn chỉnh với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền 25,25m theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, tổng diện tích sử dụng đất 902 ha (trong đó, Hà Giang 312 ha, Tuyên Quang 590 ha).
Tổng mức đầu tư 9.998 tỷ đồng; trong đó, đoạn qua tỉnh Hà Giang 3.198 tỷ đồng, đoạn qua tỉnh Tuyên Quang 6.800 tỷ đồng. Dự án khởi công năm 2023, hoàn thành năm 2025.
Đoạn qua tỉnh Hà Giang, dự án được chia thành 3 gói thầu xây lắp với tổng giá dự toán hơn 2.582 tỷ đồng. Trong đó, nhà thầu VINACONEX - một trong các thương hiệu hàng đầu cả nước trong lĩnh vực xây dựng và đầu tư bất động sản là đơn vị trúng thầu thi công gói thầu 03-XL có tổng giá trị xây lắp gần 900 tỷ đồng, thời gian thực hiện 30 tháng.
Dự án giai đoạn 1 hoàn thành sẽ tạo hành lang phát triển kinh tế từ trung tâm Thủ đô Hà Nội theo cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đến Hà Giang, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa ngày càng tăng cao. Đồng thời, giải quyết điểm nghẽn về giao thông liên kết vùng, nội vùng giữa tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang.
Những năm tới, tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang sẽ được tiếp tục nghiên cứu, đầu tư giai đoạn 2 (nâng lên quy mô 4 làn xe) và đầu tư xây dựng đoạn kết nối đến cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (Hà Giang).
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ là một trong ba đột phá chiến lược để đất nước ta phát triển nhanh, bền vững; đồng thời đặt ra mục tiêu đến năm 2030, cả nước có 5.000 km đường bộ cao tốc. Như vậy, trong giai đoạn 2021-2030, chúng ta phải đầu tư, xây dựng gần gấp 4 lần số km đường bộ cao tốc đã xây dựng trong giai đoạn 2000 – 2020.
Các tuyến cao tốc sẽ góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh, đẩy mạnh kết nối vùng, tạo không gian phát triển mới, khí thế phát triển mới cho các vùng, các địa phương, thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị mới, phát triển dịch vụ, đặc biệt là du lịch…
Đặc biệt, phát triển hạ tầng giao thông còn giúp giảm chi phí logistics (chi phí logistics ở Việt Nam đang là khoảng 17% trong khi đó các nước trong khu vực chỉ là 12-13%, làm cho hàng hóa xuất nhập khẩu của chúng ta thiếu tính cạnh tranh).
Để đạt được mục tiêu đã đề ra, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của tất cả các cấp, các bộ ngành, các địa phương với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, hợp lý, hiệu quả; sự đồng lòng, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là các chủ đầu tư, nhà thầu tham gia các dự án hạ tầng giao thông và những người dân sinh sống, làm ăn trong khu vực dự án đi qua.
Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực, phấn đấu của chính quyền các cấp của hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang, cùng các bộ ngành chức năng đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thực hiện được một khối lượng công việc lớn trong quá trình chuẩn bị dự án. Đồng thời biểu dương sự đồng hành, chia sẻ của hàng trăm hộ dân sinh sống, làm ăn trong khu vực dự án đi qua đã ủng hộ chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, sẵn sàng nhường đất, dời nhà, chuyển đến nơi ở mới, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai dự án.
“Kết quả đã đạt được là rất đáng khích lệ, tuy nhiên đây mới chỉ là bước khởi đầu. Thủ tướng yêu cầu Hà Giang và Tuyên Quang phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, bảo đảm người dân nhường đất cho dự án có nơi ở mới, có công việc mới bằng và tốt hơn ở nơi cũ”, Thủ tướng nói và lưu ý các địa phương bảo đảm nguồn nguyên vật liệu cho các dự án, theo nguyên tắc giao trực tiếp các mỏ đất đá cho nhà thầu, không giao qua trung gian tư nhân, tránh việc găm hàng, nâng giá, đội giá, dẫn đến tiêu cực.
Thủ tướng yêu cầu dứt khoát hoàn thành dự án đúng tiến độ, chậm nhất là 31/12/2025; bảo đảm chất lượng; không tăng tổng mức đầu tư; không để xảy ra mất trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí…
Các nhà thầu phải đề cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, tích cực triển khai dự án, bảo đảm đạt tiêu chí về quản lý tiến độ - chất lượng - mỹ quan, tiết kiệm chi phí, đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ, thi công nhanh, thực hiện đúng các quy định về quản lý chất lượng công trình, bảo đảm tuyệt đối an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong quá trình thi công, không để xảy ra tình trạng tiêu cực, tham ô, lãng phí, tiêu cực trong đấu thầu.
Thủ tướng mong muốn người dân tiếp tục ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho dự án hoàn thành, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước và địa phương, tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân.
Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp với hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang để hỗ trợ, cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ dự án bảo đảm mục tiêu chung là chất lượng, tiến độ, an toàn và hiệu quả như đã được thẩm định và phê duyệt.
>>> Mời độc giả xem thêm video 11.100 tỷ đồng xây dựng đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái
Nguồn: Truyền hình Nhân dân