Thứ trưởng TNMT Lê Công Thành nêu nguyên nhân sạt lở đất Tây Nguyên

Google News

Chuyển đất rừng thành đất trồng cây, san đất để làm nhà, làm đường, xây hồ chứa nước, đập, thuỷ điện, cấu trúc bề mặt đất thay đổi, khi mưa lớn dẫn đến nguy cơ sạt lở.

Tại buổi họp báo Chính phủ chiều 5/8, báo chí đề cập tình trạng vừa qua một số khu vực ở Tây Nguyên xảy ra tình trạng sạt lở đất, gây ra hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại về người rất lớn. Đồng thời đặt câu hỏi với đại diện các Bộ liên quan về những đánh giá, có những giải pháp gì, nhất là tới đây bước vào thời điểm mưa bão?
Thu truong TNMT Le Cong Thanh neu nguyen nhan sat lo dat Tay Nguyen
Hiện trường vụ sạt lở đất đèo Bảo Lộc. 
Trả lời vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, thời gian qua, tình hình sạt lở đất đá ở Tây Nguyên đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Điển hình là những vụ sạt lở đất tại Đà Lạt, tại Đèo Bảo Lộc hay vấn đề an toàn hồ đập tại một số điểm ở Đắk Lắk, Đắk Nông. Báo chí đã đưa rất nhiều ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học về các nguyên nhân gây sạt lở đất đá.
Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, những sườn núi, sườn đồi tự nhiên thì sự phong hoá đất đá xảy ra từ từ và đất đá cũng trượt lở một cách từ từ để tạo nên các sườn dốc tự nhiên và ổn định. Khi chúng ta cần không gian để phát triển, có các hoạt động thay đổi bề mặt, ví dụ như chuyển đất rừng thành đất để trồng cây hay san gạt đất để làm nhà, làm đường, xây dựng các hồ chứa nước, đập, thuỷ điện. Khi đó, các cấu trúc bề mặt đất đã thay đổi và khi có lượng mưa lớn thì nguy cơ sạt lở sẽ lớn hơn.
Thu truong TNMT Le Cong Thanh neu nguyen nhan sat lo dat Tay Nguyen-Hinh-2
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành 
Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, cách để phát hiện và cảnh cáo được những điểm sạt lở này là có những dấu hiệu, ví dụ như vết nứt, cây cối trên những sườn đồi, sườn núi nghiêng theo một hướng, hay có những tiếng nổ trong lòng đất thể hiện vết nứt đang phát triển. Khi phát hiện những dấu hiệu này, người dân và các lực lượng ở địa phương cần theo dõi, nếu thấy nguy cơ lớn thì phải di dời.
Hiện nay, về nhận thức cũng như các hành động cụ thể, đặc biệt là các cơ quan chỉ đạo phòng chống thiên tai cứu nạn tại các địa phương, đều đã có những tài liệu, bản đồ về các điểm nguy cơ sạt lở cao tại địa phương mình. Lực lượng thanh niên xung kích phòng chống thiên tai cũng được đào tạo để có thể rà soát trước những trận mưa lớn, những điểm, những dấu hiệu như tôi đã nói ở trên để có thể cảnh báo cho người dân di dời nếu cần thiết.
Về cảnh báo, dự báo lượng mưa hiện nay, Tổng cục Khí tượng thuỷ văn đã tổ chức thực hiện với độ chi tiết đến từng các ô 1x1 km với những trang thiết bị quan sát tự động và cảnh báo kịp thời.
Thời gian tới, Luật Phòng thủ dân sự đã được Quốc hội thông qua, khi triển khai Luật này chúng ta sẽ có lực lượng phòng thủ dân sự tại địa phương. Đây là lực lượng sẽ được tổ chức đào tạo bài bản, chuyên nghiệp hơn để có thể cùng với nhân dân và các cơ quan trên địa bàn theo dõi, giám sát các dấu hiệu để có thể cảnh báo sớm, tránh những thiệt hại về người và tài sản.
Thứ trưởng Lê Công Thành cho hay, bây giờ mới bắt đầu vào mùa mưa lũ, nhưng mấy ngày vừa qua mưa rất lớn tại khu vực miền núi phía Bắc, Đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh Sơn La, Lai Châu đã bắt đầu có những điểm sạt lở.
“Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 725 chỉ đạo rất sát sao các tỉnh khu vực Tây Nguyên tiếp tục theo dõi, giám sát, khắc phục những thiệt hại cũng như chỉ đạo các tỉnh và địa phương khác có những hành động quyết liệt hơn trong việc theo dõi, giám sát để cảnh báo nhân dân những hiện tượng nguy hiểm, Thứ trưởng Lê Công Thành nói và mong các cơ quan truyền thông báo chí tiếp tục đồng hành, đưa tin kịp thời, tuyên truyền những kiến thức về theo dõi, giám sát sạt lở đất đến tận từng người dân để giảm thiểu hơn nữa thiệt hại có thể xảy ra.
>>> Mời độc giả xem thêm video Mưa to gây sạt lở kinh hoàng tại Đà Lạt, vùi lấp người và tài sản
  
 
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)